Yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông

04-12-2020 09:39 | Quốc tế
google news

SKĐS - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng, mọi hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nếu không có sự cho phép của Việt Nam, là vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế và không có giá trị pháp lý.

Ngày 03/12/2020, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 24/11/2020, Đài Loan (Trung Quốc) tiến hành tập trận bắn đạn thật tại khu vực xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

Như đã nhiều lần khẳng định, việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải; gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.

Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không được tiến hành hoạt động diễn tập trái phép nêu trên cũng như lặp lại vi phạm trong tương lai.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Trước câu hỏi  đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những động thái mới đây của Trung Quốc trên Biển Đông như việc tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) thông báo khôi phục lại các chuyến du lịch tàu biển ra quần đảo Hoàng Sa và Hải quân Trung Quốc tổ chức tiếp nhận tàu bệnh viện tại bến cảng trên đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh:

Như đã nhiều lần khẳng định, mọi hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và không có giá trị pháp lý.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hủy bỏ và chấm dứt việc tổ chức các chuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cũng như các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng và làm phức tạp tình hình, đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) tại Biển Đông và quan hệ hai nước.

Một lần nữa, Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tạm thời chưa thực hiện các chuyến bay thương mại đưa công dân về nước

Vế hoạch đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước của Bộ Ngoại giao sau khi ngày 2/12 Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch COVID-19, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau, các cơ quan chức năng Việt Nam, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian qua đã và đang phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không trong, ngoài nước để tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước một cách an toàn, phù hợp với năng lực cách ly trong nước. Cho đến nay có hơn 240 chuyến bay được tổ chức, đưa hơn 66.000 công dân từ hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước”.

Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, trước những diễn biến mới nhất của dịch COVID-19 ở Việt Nam, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 1/12 vừa qua, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tạm thời chưa thực hiện các chuyến bay thương mại đưa công dân về nước theo hình thức tự nguyện, trả phí cách ly và thu xếp các chuyến bay đưa công dân về nước đối với những trường hợp thực sự khó khăn, khẩn thiết.

Về thông tin phản ánh các hiện tượng tiêu cực khi nhập cảnh vào Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Nhằm đảm bảo việc thực hiện mục tiêu kép, cùng với nỗ lực đưa công dân Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn ở nước ngoài về nước, Chính phủ Việt Nam cũng đã mở cửa cho các nhà ngoại giao, các chuyên gia, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Trong thời gian vừa qua, các cơ quan liên quan của Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tượng là nhà ngoại giao, chuyên gia, lao động tay nghề cao, người nước ngoài và thân nhân của họ sang Việt Nam như thu xếp các chuyến bay, tổ chức cách ly tại Việt Nam. “Những hành vi trục lợi, tiêu cực làm thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay cần phải bị lên án và trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Việt Nam mong muốn vaccin COVID-19 được phổ biến rộng rãi, nhất là với các quốc gia đang phát triển

Tại buổi họp báo, Người  phát ngôn cũng cho biết quan điểm của Việt Nam với hoạt động nghiên cứu, phân phối vắc xin COVID-19 trên thế giới, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Việt Nam luôn theo dõi, hoan nghênh kết quả nghiên cứu của các công ty, quốc gia về sản xuất vắc xin chống COVID-19. “Chúng tôi cũng mong muốn các vắc xin sau khi được chấp nhận, sẽ được phổ biến một cách rộng rãi, mở ra cơ hội khống chế sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này, đặc biệt đối với các nước đang phát triển”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết thêm, trong thời gian vừa qua, bên cạnh các nỗ lực tập trung vào phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam cũng đã quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tập trung nguồn lực để nghiên cứu và sản xuất vắc xin trong nước, đồng thời đẩy mạnh phối hợp các công ty sản xuất, các nhà cung cấp vắc xin có uy tín trên thế giới để Việt Nam có thể có vắc xin chống COVID-19 trong thời gian sớm nhất.

Nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiếp nhận và đưa vào sử dụng vắc xin, các cơ quan chức năng Việt Nam cũng đang xây dựng các chính sách, quy định về việc hỗ trợ, tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin để ngay sau khi tiếp nhận có thể đưa vào sử dụng ngay.


Hải Yến
Ý kiến của bạn