Đề án này được Sở GD-ĐT TPHCM xây dựng, đề xuất thực hiện với tổng kinh phí khoảng 4.000 tỷ đồng để trang bị máy tính bảng cho học sinh (HS) cùng với việc xây dựng hệ thống lớp học thông minh. Tuy nhiên, khi đề án đưa ra đã vấp phải phản ứng dữ dội của dư luận và giới chuyên môn.
Trong thông cáo báo chí hội thảo lần thứ hai ngày 18/8/2014, phía Sở GD-ĐT TPHCM khẳng định đã trình UBND thành phố 2 phương án (về việc thực hiện thí điểm đề án sách khoa điện tử - PV) và đang tiếp tục đưa các phương án ra để lấy ý kiến rộng rãi của các nhà quản lý, thầy cô giáo và phụ huynh HS nhằm đạt sự đồng thuận cao khi triển khai thực tế.
Trao đổi với phóng viên Dân trí chiều 28/8, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, đề án mới hình thành trên cơ sở mô hình lấy ý kiến đóng góp. Hai buổi hội thảo mà Sở GD-ĐT tổ chức (ngày 18/7/2014 và 18/8/2014) là để đưa ra các giải pháp thông qua việc một số đơn vị tư vấn về các mô hình.
Theo ông Hoàng, đề án này được hình thành từ mục tiêu đổi mới giáo dục và từ ý kiến đề xuất của các em HS nhân dịp gặp gỡ với lãnh đạo TPHCM dịp đầu năm mới 2014 về việc cần ứng dụng công nghệ để giảm tình trạng học trò phải mang vác nặng đến trường. Về con số 4.000 tỷ đồng của đề án, chỉ là con số khái toán ban đầu đưa ra trên cơ sở tổng số HS từ lớp 1 đến lớp 3. Còn nếu thực hiện thì sẽ tùy thuộc vào giải pháp, lộ trình, quy mô.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM, ông Hứa Ngọc Thuận, cho biết thành phố sẽ đề xuất với Bộ GD-ĐT cho phép thực hiện chủ trương từng bước thực hiện việc trang bị cho HS máy tính xách tay, mỗi HS sẽ được cập mật khẩu để học tập và không phải mang vác sách vở nặng nề hay phải mất nhiều thời gian chép bài trong năm 2015.