Yêu cầu chia nhỏ các khóa lễ cầu an, không tập trung đông người

11-02-2021 07:11 | Thời sự
google news

SKĐS - Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện và Tăng Ni thực hiện chia nhỏ các khóa lễ cầu an làm nhiều buổi, không tập trung đông người. Không tổ chức đông tín đồ hành hương tới nhiều địa phương, nhất là các địa điểm nằm trong vùng dịch.

Ảnh minh họa

Cụ thể, Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có công văn hướng dẫn tổ chức lễ cầu nguyện Quốc thái dân an trong dịp Tết cổ truyền Xuân Tân Sửu, trong đó nhấn mạnh: Các chùa, cơ sở tự viện và Tăng Ni thực hiện chia nhỏ các khóa lễ cầu an làm nhiều buổi, không tập trung đông người.

Công văn của Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu rõ: Lễ cầu nguyện Quốc thái dân an, nguyện cầu bình an, mong muốn sức khỏe, hạnh phúc, an lạc, khát vọng phát triển, mọi sự hanh thông trong dịp đầu xuân năm mới là truyền thống văn hóa tâm linh, nhu cầu của mỗi người Việt Nam.

Tết cổ truyền dân tộc năm nay diễn ra trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh COVID-19 đang lây nhiễm phức tạp trong cộng đồng tại nhiều tỉnh, thành phố. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đề nghị toàn thể Tăng Ni, Phật tử các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước thực hiện Tết 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế) để cầu nguyện Quốc thái dân an, dịch bệnh sớm tiêu trừ, đem lại sự bình an, may mắn cho mọi người, mọi nhà, cho toàn xã hội trong năm mới Tân Sửu.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện và Tăng Ni thực hiện chia nhỏ các khóa lễ cầu an làm nhiều buổi, không tập trung đông người. Không tổ chức đông tín đồ hành hương tới nhiều địa phương, nhất là các địa điểm nằm trong vùng dịch. Các khóa lễ cầu an phải đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung nghi lễ không đúng chính pháp của Phật giáo.

Đồng thời, Giáo hội khuyến khích tăng ni, Phật tử ứng dụng các hình thức trực tuyến online phục vụ nhu cầu tâm linh của nhân dân thông qua các nền tảng mạng xã hội của Giáo hội như: Giác Ngộ Online, Phật giáo.org, Phật sự Online, Mạng xã hội Phật giáo – Butta.


ĐV
Ý kiến của bạn