Bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1.2023 trực tuyến với địa phương, trong đó đặt ra một số yêu cầu với Bộ GD&ĐT liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2023.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương hoàn thiện chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đề án tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ; chuẩn bị, tổ chức tốt Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á năm 2023 tại Việt Nam.
Tích cực thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới và chuẩn bị nội dung phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội về thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tập trung tổ chức tốt việc tổng kết 10 năm Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;
Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT sớm có kế hoạch, hướng dẫn về tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, đúng quy định.
Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 dự kiến giữ ổn định như năm ngoái
PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 dự kiến thời gian tổ chức như mọi năm vào nửa đầu tháng 7.
Hiện, Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến các chuyên gia và dư luận xã hội về một số nội dung mang tính kỹ thuật để sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGD&ĐT được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 05/2021/TT-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 dự kiến giữ ổn định như năm 2022. Đồng thời, có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học của Chương trình GDPT 2018. Các đề thi năm 2021, 2022 cũng đã xuất hiện các nội dung này.
Để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 nghiêm túc, khách quan, theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp. Một số giải pháp cơ bản như sau: điều chỉnh một số vấn đề kỹ thuật để tăng cường kỷ cương, nền nếp phòng thi cũng như bảo đảm an toàn, an ninh trong suốt Kỳ thi; tiếp tục tăng cường chất lượng đề thi đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra toàn bộ các khâu tổ chức thi; tăng cường quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi.
Ngoài ra, lưu ý thí sinh tuyệt đối không được sử dụng điện thoại hoặc những vật dụng cấm không được mang vào phòng thi và tuân thủ quy định, hướng dẫn của Hội đồng thi, nhất là để các vật dụng cá nhân, các tài liệu và các vật dụng bị cấm mang vào phòng thi tại đúng địa điểm do Hội đồng thi quy định.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương chủ động thực hiện các công việc theo quy định tổ chức kỳ thi theo đúng tinh thần chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương.
Năm 2022, Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn kỳ thi tốt nghiệp THPT vào tháng 4 và tổ chức thi vào tuần đầu của tháng 7. Công tác tuyển sinh đại học diễn ra từ 20/7 kéo dài đến cuối tháng 9.
Năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông 2018 lần đầu áp dụng với lớp 10. Dự kiến, đến năm 2025, lứa thí sinh THPT đầu tiên theo chương trình mới sẽ tốt nghiệp. Vào tháng 9/2022, Bộ GD&ĐT cho biết quan điểm giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, 2024 để phù hợp với chương trình hiện hành, đồng thời nghiên cứu phương án thay đổi kỳ thi từ năm 2025.