Yên Bái: Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm nhưng còn nhiều thách thức

31-05-2017 19:02 | Tin nóng y tế

SKĐS - Dù còn nhiều khó khăn nhưng vài năm trở lại đây, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cả thể nhẹ cân và thấp còi của tỉnh Yên Bái đã từng bước được hạ thấp nhưng vẫn ở mức cao hơn so với mức chung toàn quốc. Đây cũng là thách thức cho các cấp chính quyền, ban ngành chức năng tỉnh trong thời gian tới…

Không thuận tiện như các vùng đồng bằng, hàng năm các hoạt động triển khai Ngày VCDD sẽ diễn ra vào các ngày 1 – 2/6, Yên Bái là tỉnh miền núi, thuộc vùng sâu đi lại xa xôi, khó khăn, nơi sinh sống của hơn 30 đồng bào dân tộc anh em, sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau, bởi vậy, công tác chuẩn bị, tăng cường các hoạt động triển khai cho các trẻ em vùng cao uống vitamin A thường được tổ chức sớm và kéo dài ngày hơn so với vùng đồng bằng.

Sáng 30/5, hưởng ứng Ngày vi chất dinh dưỡng (VCDD) năm 2017, tại xã Hồng Cao, huyện Trấn Yên, đã diễn ra nhiều hoạt động thiết thực như: Bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6-60 tháng tuổi, trẻ từ 24-60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun (Yên Bái là 1 trong 22 tỉnh khó khăn, đối tượng uống vitamin A được mở rộng với trẻ từ 37-60 tháng, kết hợp với uống thuốc tẩy giun cho trẻ từ 24-60 tháng), tổ chức cân và đo chiều cao cho trẻ, lớp sinh hoạt CLB thanh niên tham gia phòng chống thiếu VCDD…

Hơn 8 giờ sáng, bầu không khí như một ngày hội có thể cảm nhận được ở đây khi có rất đông các bậc phụ huynh già trẻ, nam nữ thanh niên, trẻ em,… đã tới tham dự. Chia sẻ với chúng tôi, anh Chàng A Sai, Phó chủ tịch xã cho biết: Để chuẩn bị cho ngày hôm nay, mấy hôm trước chúng tôi đã tổ chức họp bàn, lên danh sách đầy đủ các đối tượng trong độ tuổi và cho các cộng tác viên dinh dưỡng đi kết hợp vận động người dân cùng với phát giấy mời tới từng nhà. Hôm nay chúng tôi chỉ tổ chức trước cho 2 thôn là Cà Nóc và Trung Nam mà anh thấy đã đông như vậy là vì mọi người tham gia khá đông đủ. Sau khi soát danh sách, cá biệt nếu có trường hợp trẻ bị ốm, hoặc vì lý do nào đó không đến được đây thì sẽ bổ sung sau hay cộng tác viên dinh dưỡng sẽ mang thuốc đến tại nhà cho trẻ uống.

Cho trẻ uống vitamin A tại Trung tâm y tế xã Hùng Cao.

Cho trẻ uống thuốc tảy giun tại Trung tâm y tế xã Hồng Cao.

Cân và đo chiều cao cho trẻ tại xã Hồng Cao.

Anh Hà Quang Bình, 25 tuổi, người Tày ở thôn Cà Nóc cho biết: Gia đình làm nghề nông không đủ ăn nên phải kiếm thêm thu nhập từ việc đi xây (thợ nề) và bán chè (làm rẫy trồng cây chè). Hôm nay phải nghỉ một buổi làm để đưa con đến đây uống vitamin A và đo chiều cao. Cháu đã 15 tháng tuổi và đây là lần thứ 2 cháu được bổ sung vitamin A. Các bác sĩ đanh giá cháu có biểu đồ tăng trưởng tốt, không bị suy dinh dưỡng.

Tại lớp sinh hoạt CLB thanh niên tham gia phòng chống thiếu VCDD, một học viên là cô bé có tên Lương Thanh Trà, 15 tuổi, cho biết: em đến đây tham gia lớp sinh hoạt này để nâng cao thêm các kiến thức bổ ích dành cho người chưa kết hôn. Vì em biết có kiến thức dinh dưỡng tốt là điều kiện để trở thành các ông bố, bà mẹ sau này sinh ra những đứa con khỏe mạnh, không bị suy dinh dưỡng bào thai (<2500g). Và khi sinh con sẽ thực hiện các hành vi đúng về nuôi con bằng sữa mẹ như: cho trẻ bú sớm, bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu và không cai sữa trẻ trước 18 tháng tuổi,… Lần sau, khi có lớp như thế này, em sẽ tiếp tục tham gia.

Lớp sinh hoạt CLB thanh niên phòng chông thiếu VCDD tai xã Hồng Cao.

Hồng Cao là xã vùng cao, không có đường liên thông tuyến xã, huyện, người dân đa phần là đồng bào dân tộc Mông, Tày… phụ thuộc vào nghề nông là thu nhập chính, cuộc sống còn nhiều khó khăn, được xếp 1 trong 7 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện, 62 xã của đặc biệt khó khăn của tỉnh. Vài năm trở lại đây nhờ sự quan tâm, nỗ lực của các cấp chính quyền, các hoạt động như Tuần lễ dinh dưỡng phát triển, ngày VCDD được tổ chức thường niên, các lớp tập huấn dinh dưỡng được tổ chức đinh kỳ, mạng lưới CTV dinh dưỡng được triển khai đến từng hộ gia đình… nên kiến thức dinh dưỡng của người dân ngày càng cải thiện, tỷ lệ SDDTE đã từng bước giảm xuống. BS. Đinh Trọng Lân, Trạm trưởng Trạm y tế xã, cho biết: Trước đây đói nghèo, tỷ lệ người dân không nói được tiếng Kinh khá phổ biến. Sau này những lứa tuổi sinh sau thập niên 80 của Thế kỷ trước, hầu hết đã được học hành và nói cả tiếng Kinh nên công tác giáo dục dinh dưỡng thuận lợi hơn, tỷ lệ SDD thấp còi đã từng bước được hạ thấp qua từng năm, cụ thể 2013: 33%, 2014:31%, nay toàn xã có hơn 5000 nhân khẩu, trong đó có 607 trẻ dưới 5 tuổi thì chỉ còn 171 trẻ SDD thấp còi, tương đương 28% (2015)...

BS Đinh Trọng Lân, Trạm trưởng, đang khám cho trẻ nhỏ tại trạm y tế xã.

So với mặt bằng chung, Hồng Cao có tỷ lệ SDDTE thể thấp còi tương đương (thấp hơn một chút) mức chung toàn tỉnh Yên Bái là 28,3% nhưng ở mức cao hơn so với tỷ lệ chung toàn quốc 24,6%. Lý giải về mức cao này, anh Hà Minh Thư, Phó giám đốc TT Kiểm soát dịch bệnh (thuộc Sở Y tế tỉnh) cho biết: về kiến thức dinh dưỡng, họ đã được giáo dục nhiều và có thể đã hiểu nhưng việc họ có thực hành hay không lại là chuyện khác. Vấn đề này có nhiều lý do,Yên Bái có 2 huyện là Trạm Tấu, Mù Căng Chải đặc biệt khó khăn đi lại xa xôi, cách trở, dân trí chưa cao và còn tồn tại nhiều tâp quán lạc hậu, chẳng hạn như: kết hôn sớm (chưa đến 18 tuổi); không ít trường hợp đẻ tại nhà đặc biệt là người Mông, vì họ xấu hổ nên không đến các cơ sở y tế; nhiều nơi còn cổ hủ như gia đình có người chết không đưa vào quan tài mà treo lên vách nhà đề thờ cúng vài ngày, rất mất vệ sinh…

Bởi vậy, cũng theo anh Thư, trong thời gian tới để dần cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em trong tỉnh, vai trò của công tác giáo dục truyền thông vẫn là giải pháp quan trọng hàng đầu. Các hoạt động truyền thông đến người dân cần tăng cường hơn nữa qua các loại kênh truyền thông như phát thanh, có thể cả bằng tiếng riêng của họ (nếu cần), truyền hình, tờ rơi, mở thêm các lớp tập huấn dinh dưỡng, lồng ghép phổ biến kiến thức dinh dưỡng vào buổi họp văn hóa, đoàn thể… Việc duy trì giáo dục thường xuyên có như vậy mới hy vọng họ dần thay đổi hành vi được tích cực hơn./.

 

 


Hoàng Yến Linh
Ý kiến của bạn
Tags: