Tận dụng điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu tại khu vực đèo Lũng Lô, Hợp tác xã (HTX) Lũng Lô, huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) đã trồng 15 ha cây dược liệu như: đương quy, hoài sơn, sâm bố chính và một số loại cây dược liệu khác.
Phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu, đất đai nên các loại cây dược liệu này phát triển tốt, ít sâu bệnh. Theo đánh giá của HTX Lũng Lô, các loại cây dược liệu như hoài sơn có thể cho thu hoạch sau một năm, đương quy thì sau hai năm để đảm bảo dược chất, các loại sâm có thể cho thu hoạch sau 5 năm.
Huyện Văn Chấn là địa phương có diện tích cây dược liệu lớn với tổng diện tích trên 790 ha. Thời gian qua, tuỳ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, khả năng thích ứng cũng như yêu cầu sinh thái, các xã trên địa bàn huyện đã tạo nên các vùng cây dược liệu khác nhau.
Huyện phấn đấu đến năm 2025 sẽ có trên 1.000 ha cây dược liệu các loại, tập trung vào một số loại chính như: thảo quả, ba kích, hoài sơn, cà gai leo, đương quy...
Tỉnh Yên Bái định hướng phát triển mở rộng diện tích và chủng loại dược liệu hàng hoá có ưu thế trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 4.100 ha trồng dược liệu, tăng 17,8% so với năm 2020. Trong đó, tỉnh quan tâm phát triển một số cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như: khôi nhung, đương quy, hoài sơn, cà gai leo... ; hình thành các tổ hợp tác, nhóm hộ phát triển sản xuất dược liệu trên địa bàn.
Tỉnh Yên Bái có trên 630 loài cây thuốc chữa bệnh, được phân tán thành 11 nhóm thuốc. Nhiều sản phẩm chế biến từ dược liệu đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường. Phát huy thế mạnh từ cây dược liệu, tỉnh hiện đang thực hiện nhiều đề tài, dự án, mô hình trồng dược liệu để từng bước phát triển mở rộng.
Các dự án tiêu biểu như: Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu lá khôi tại 2 xã Xuân Long, Ngọc Chấn (huyện Yên Bình); mô hình "Hỗ trợ phát triển sản xuất cây khôi nhung dưới tán rừng theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp" tại xã Khánh Hòa (Lục Yên) với quy mô 3,4 ha, 20 hộ tham gia; trồng và nhân rộng mô hình trồng cây sâm Hoàng Shin cô tại xã Xà Hồ (Trạm Tấu) 3 ha. Cùng các đề tài: "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất nấm đông trùng hạ thảo trên giá thể nhộng tằm tại tỉnh Yên Bái"; "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển cây dược liệu ba kích và đương quy Nhật Bản tại huyện Mù Cang Chải"; "Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu gắn với liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Yên Bái"…
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông y tỉnh Yên Bái, ông Trần Quốc Toàn cho biết, cùng với triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học điều tra, khảo sát, đánh giá các cây thuốc, bài thuốc của tỉnh, Hội đã triển khai các hội thảo khoa học kết nối giữa người dân và doanh nghiệp, kết nối thị trường cho các sản phẩm. Đến nay, Hội Đông y tỉnh đã xây dựng 3 chuỗi giá trị cây thuốc nam, đó là chuỗi cho cây lá gan ở xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, chuỗi cây lá khôi ở huyện Yên Bình và chuỗi cây cà gai leo ở huyện Văn Yên...
Ngoài ra, tỉnh Yên Bái còn xác định phát triển cây dược liệu là nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển rừng, gia tăng giá trị, tăng thu nhập cho người dân sống từ rừng. Do đó, để đạt mục tiêu 5.000 ha cây dược liệu phát triển ổn định vào năm 2025, cùng với tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển cây dược liệu, ngành nông nghiệp tỉnh đang tiếp tục tiến hành nghiên cứu, tuyển chọn và trồng thử nghiệm, đánh giá, làm cơ sở lựa chọn, nhân rộng các giống cây dược liệu quý có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu thị trường.
Đồng thời, chú trọng mời gọi, thu hút các doanh nghiệp chế biến dược phẩm, các đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về dược liệu, các nhà khoa học trong, ngoài nước thông qua liên kết kinh tế và các chương trình khuyến nông, các dự án khoa học, công nghệ của các bộ, ngành trung ương để phát triển, thúc đẩy sản xuất dược liệu hàng hóa, hướng đến phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững tại địa phương.