Hà Nội

Yên Bái hướng tới mục tiêu giảm sinh nhanh ở vùng cao, duy trì bền vững mức sinh thay thế

28-12-2021 08:47 | Sức khỏe sinh sản

SKĐS - Công tác Dân số - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có những chuyển biến tích cực khi nhận thức và hành động của đại bộ phận người dân được nâng cao, quy mô gia đình có 2 con được chấp nhận ngày càng rộng rãi.

Mức sinh giữa các địa phương vùng cao và vùng thấp được thu hẹp

Yên Bái là một tỉnh Miền núi phía Bắc, có 30 dân tộc sinh sống tại 7 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố. Sau nhiều năm thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và ủng hộ của nhân dân, tỉnh Yên Bái đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm sinh từ đó khống chế được tốc độ gia tăng dân số, đã đưa mức sinh trở về mức sinh thay thế từ năm 2012 (2,08 con/phụ nữ) và duy trì trong những năm tiếp theo. 

Địa phương này cũng đạt được những kết quả quan trọng trong lĩnh vực dân số góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Nhận thức và hành động của đại bộ phận người dân về chính sách Dân số - KHHGĐ đã có những chuyển biến tích cực, quy mô gia đình có 2 con được chấp nhận ngày càng rộng rãi; Đã khống chế được tốc độ tăng tỷ số giới tỉnh khi sinh trên địa bàn toàn tỉnh ở mức 0,2 điểm phần trăm/năm; Một số mô hình về nâng cao chất lượng dân số đã được triển khai và thực hiện bước đầu mang lại hiệu quả như: Sàng lọc trước sinh, sơ sinh, khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi, giáo dục cho đối tượng vị thành niên về giới và sức khỏe sinh sản, tư vấn và khám sức khoẻ tiền hôn nhân, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...

Yên Bái hướng tới mục tiêu giảm sinh nhanh ở vùng cao, duy trì bền vững mức sinh thay thế - Ảnh 1.

Cán bộ Trạm Y tế xã Y Can, huyện Trấn Yên tư vấn cho phụ nữ thôn bản thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, chỉ đạo thực hiện các văn bản chính sách pháp luật luôn nhận được sự quan tâm cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Công tác chấp hành các văn bản chính sách, pháp luật của tỉnh về cơ bản được tổ chức thực hiện một cách nghiên túc, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người dân, triển khai toàn diện các nội dung của công tác dân số. 

Kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019, quy mô dân số toàn tỉnh là 821.030 người, tỷ suất sinh thô là 18,8‰, tổng tỷ suất sinh (TFR) là 2,74 con trên/phụ nữ. Yên Bái đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng với số người trong độ tuổi lao động hơn gấp đôi số người phụ thuộc, tỉ trọng người 15 - 64 tuổi chiếm 64,6% tổng dân số. 

Nằm trong xu thế chung của cả nước, dân số Yên Bái đã bước vào thời kỳ già hoá, số người trên 65 tuổi chiếm 6,8% tổng dân số; tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay là 112 trẻ trai/100 trẻ gái. Mật độ dân số của Yên Bái theo kết quả tổng điều tra năm 2019 là 119 người/km2. Tuổi thọ bình quân của tỉnh Yên Bái năm 2019 là  69,7 tuổi; Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi/1000 trẻ sinh sống là 25,5; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi/1000 trẻ sinh sống là 38,7.

Yên Bái hướng tới mục tiêu giảm sinh nhanh ở vùng cao, duy trì bền vững mức sinh thay thế - Ảnh 2.

Tuyên truyền về chính sách Dân số-KHHGĐ và bình đẳng giới ở xã Quang Minh (Văn Yên).

Quy mô dân số được kiểm soát, tăng từ 740.397 người năm 2009 lên 821.030 người năm 2019, mỗi năm tăng trung bình 8.065 người, tốc độ gia tăng dân số bình quân giai đoạn 2009 – 2019 là 1, 03%/năm. Số con trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 – 49 tuổi) đã giảm từ 2,38 con năm 1999 đã giảm xuống còn 2,08 con năm 2012. Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên giảm từ 19,6% năm 2009 xuống còn khoảng 12%  trong những năm tiếp theo. Mức sinh giữa các địa phương vùng cao và vùng thấp được thu hẹp đáng kể. Mức sinh nhóm dân tộc Tày, Thái, Mường đã có xu hướng gần hơn với mức sinh của dân tộc Kinh.

Phấn đấu điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng

Tuy nhiên trong những năm gần đây, mức sinh tại Yên Bái đã tăng nhanh trở lại. Theo công bố của Tổng cục Thống kê giai đoạn 2015 - 2019 tổng tỷ suất sinh trung bình hàng năm của tỉnh Yên Bái là 2,82 con/phụ nữ/năm. Hiện Yên Bái đang là một trong 3 tỉnh có mức sinh cao nhất cả nước, dự báo mức sinh của tỉnh trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng cao nếu không có sự can thiệp tích cực và hiệu quả. Một trong những nguyên nhân qua khảo sát là do các quy định về mức xử lý kỷ luật đối với hành vi sinh con thứ ba được nới lỏng đối với đảng viên và công chức, viên chức, các đối tượng này sẵn sàng chấp nhận bị khiển trách để sinh thêm con thứ ba; tình trạng hiểu sai, hoặc cố tình hiểu sai các văn bản chính sách pháp luật của một bộ phận người dân có nhu cầu sinh thêm con…

Yên Bái hướng tới mục tiêu giảm sinh nhanh ở vùng cao, duy trì bền vững mức sinh thay thế - Ảnh 3.

Tuyên truyền phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Hồng Ca huyện Trấn Yên.

Mức sinh của tỉnh Yên Bái đang có sự khác biệt giữa địa bàn vùng cao, vùng dân tộc thiểu số so với địa bàn khác, giữa khu vực nông thôn và khu vực thành thị. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, năm 2019 trên địa bàn tỉnh Yên Bái chỉ có huyện Trấn Yên là đạt mức sinh thay thế (2,03 con/Phụ nữ) còn lại các địa phương khác đều có mức sinh cao và rất cao.

Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 tại tỉnh Yên Bái mức sinh ở khu vực thành thị là 2,36 con/phụ nữ, khu vực nông thôn là 2,83 con/phụ nữ. 

Mức sinh cao tập trung nhiều nhất vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở hai huyện vùng cao là Trạm Tấu và Mù Cang Chải, tuy nhiên có xu hướng lan rộng ra tất cả các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh kể cả ở thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ. Số người sinh con thứ ba trở lên có chiều hướng gia tăng không chỉ ở người dân mà còn ở đối tượng là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức...

Yên Bái hướng tới mục tiêu giảm sinh nhanh ở vùng cao, duy trì bền vững mức sinh thay thế - Ảnh 4.

Xã Đông An, huyện Văn Yên thực hiện khen thưởng cho các hộ sinh con một bề.

Theo bà Hà Thị Mộng Hoài – Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Yên Bái, tác động của đại dịch COVID-19 kéo dài, tác động tiêu cực đến tất cả các mặt đời sống xã hội trong đó có việc tổ chức và triển khai các hoạt động Dân số nhất là công tác tuyên truyền, vận động.

Bên cạnh đó, Hệ thống tổ chức dân số từ tỉnh đến cơ sở trong những năm qua có nhiều biến động, nhất là tại tuyến huyện và tuyến xã. 

Cùng đó là nguồn lực đầu tư cho công tác dân số chưa đáp ứng được yêu cầu, chủ yếu để chi trả cho công tác kế hoạch hóa gia đình. Kinh phí chi cho hoạt động dân số ở tuyến huyện nhất là công tác tuyên truyền còn hạn chế.

Yên Bái hướng tới mục tiêu giảm sinh nhanh ở vùng cao, duy trì bền vững mức sinh thay thế - Ảnh 5.

Ký cam kết và tuyên truyền tảo hôn cho đoàn viên thanh niên tại Phình Hồ (Trạm Tấu).

"Để thực hiện tốt Nghị quyết về công tác dân số trong tình hình mới, cấp ủy Đảng, chính quyền Yên Bái đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu tổng tỷ suất sinh hàng năm trung bình giảm 0,12 con/phụ nữ. Đến năm 2025, tổng tỷ suất sinh trên địa bàn toàn tỉnh đạt dưới 2,3 con/phụ nữ, quy mô dân số trung bình toàn tỉnh khoảng 870.000 người. Giai đoạn 2026 - 2030, duy trì mức sinh thay thế tổng tỷ suất sinh trên địa bàn toàn tỉnh đạt 2,15 con/phụ nữ, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 900.000 người.

Đặc biệt, ngành dân số địa phương sẽ chủ động hơn trong việc tổ chức các loại hình cung cấp dịch vụ KHHGĐ phù hợp, đảm bảo mọi người dân có thể tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ; tiếp tục tổ chức các chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ; thực hiện phân phối phương tiện tránh thai dựa vào cộng đồng qua mạng lưới nhân viên y tế thôn, bản kiêm cộng tác viên dân số", bà Hà Thị Mộng Hoài chia sẻ thêm.

Ưu tiên chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ người DTTSƯu tiên chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ người DTTS

SKĐS - "Dù là bùng nổ hay suy giảm dân số, giải pháp với tỷ suất sinh luôn nằm ở việc ưu tiên cho sức khỏe sinh sản và quyền sinh sản của tất cả mọi người", Thông điệp của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) gửi tới các quốc gia cũng là vấn đề mà Việt Nam luôn quan tâm, nhất là với các đối tượng yếu thế.

Bảo Nguyên
Ý kiến của bạn