Ca mắc sốt mò tăng nhanh
Từ đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái ghi nhận 290 ca sốt mò. Riêng trong tháng 8, số ca mắc tăng, ghi nhận 106 ca, tăng 57 ca so với cùng kỳ năm 2022 (106/49 ca) và tăng 12 ca so với tháng 7 (106/94 ca), trong đó có 01 ca tử vong. Bệnh nhân tử vong là nữ, 16 tuổi, dân tộc H'Mông, ở huyện Trạm Tấu.
Nguyên nhân tử vong là do bệnh nhân đến viện khám và điều trị muộn. Khi đến bệnh viện các triệu chứng bệnh đã rất nặng nề, tình trạng bệnh lý diễn biến nhanh, kèm theo các biến chứng sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu, chảy máu tiêu hóa tiên lượng rất xấu và tử vong sau 01 ngày điều trị.
BSCKII Lại Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái cho biết, ngành y tế Yên Bái thường xuyên, chủ động truyền thông mạnh mẽ đến người dân về phòng chống dịch nói chung và bệnh sốt mò nói riêng. Tuy nhiên, người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh có tâm lý rất ngại đến cơ sở y tế. Chỉ khi bệnh quá nặng mới chịu đến bệnh viện, nên khi bác sĩ tiếp nhận, bệnh đã quá nặng và không thể cứu được.
Cũng theo BSCKII Lại Mạnh Hùng, cách tốt nhất để phòng bệnh sốt mò là thường xuyên vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà ở, diệt chuột, phun hóa chất diệt côn trùng…, vệ sinh chuồng trại gia súc, gia cầm, rắc vôi bột, phun hóa chất… để hạn chế nơi trú ngụ, phát triển của tác nhân gây bệnh sốt mò. Sử dụng bảo hộ lao động, không nằm ngủ, nghỉ trên bãi cỏ, bìa rừng, nương đồi khi đi làm, tắm giặt, thay quần áo sau khi đi rừng, làm rẫy về…
Khi có các triệu chứng nghi ngờ sốt cao không rõ nguyên nhân và tìm thấy vết loét đặc trưng của mò đốt như trên cần đến ngay cơ sở y tế khám và được tư vấn điều trị. Người dân không tự điều trị, không chữa bệnh bằng thuốc nam, tìm thầy mo, cúng và các biện pháp dân gian khác.
Sốt mò nguy hiểm không?
Bệnh sốt mò còn có tên gọi khác là sốt bụi rậm, sốt phát ban rừng... Nguyên nhân gây bệnh là do loại vi khuẩn Orientalis tsutsugamushi, thuộc họ Rickettsia, truyền bệnh sang người khi bị ấu trùng mò đốt. Nguồn truyền nhiễm là các động vật hoang dã như loài gậm nhấm (chủ yếu là chuột), thỏ, các loài chim, hoặc gia súc (chó, lợn, gà)…
Trung gian truyền bệnh là ấu trùng mò bị nhiễm R. orientalis khi hút máu vật chủ có mang mầm bệnh, sau đó ấu trùng mò phát triển thành mò trưởng thành và đẻ trứng, trứng nở thành ấu trùng đã mang sẵn mầm bệnh và sẵn sàng hút máu (mò có thể truyền mầm bệnh qua trứng đến đời thứ 3). Những con ấu trùng đời sau sẽ làm lây nhiễm cho các con vật khác và người khi đốt và hút máu, như vậy mò vừa là vật chủ, vừa là trung gian truyền bệnh.
Ấu trùng mò có kích thước bé dưới 1 mm, màu sắc từ vàng đến da cam, còn gọi là mò đỏ. Ấu trùng là giai đoạn phát triển duy nhất của mò ký sinh ở động vật có xương sống (chuột và thú nhỏ), thời gian đốt kéo dài trung bình 48-72h, đốt xong ấu trùng trở về mặt đất, trưởng thành và sinh sản ra thế hệ sau.
Chu kỳ sinh trưởng của mò dài 2-3 tháng (vùng ấm) và trên 8 tháng (vùng lạnh); mò trưởng thành sống trung bình 15 tháng. Đây cũng là một trong các yếu tố dịch tễ làm cho bệnh sốt mò phát triển, tồn tại dai dẳng, khó kiểm soát triệt để nguồn truyền nhiễm.
Bệnh xảy ra quanh năm nhưng chủ yếu về mùa mưa từ tháng 4-5 đến tháng 9-10, đỉnh cao của bệnh vào những tháng 6 đến tháng 9.
Điều kiện lây truyền: mò Leptotrombidium thường sống ở các bụi cây, bụi cỏ ẩm... phía trên là các vòm cây cao; hoặc trong các hang đá có các loài gặm nhấm sống. Mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm bệnh nhưng chủ yếu bệnh phân bố ở lứa tuổi lao động, phân bố theo tính chất nghề nghiệp như lâm nghiệp, người đi săn, phát rẫy làm nương... hoặc người đi qua các vùng ven suối, ven sông, vào các hang đá; bệnh gặp chủ yếu ở vùng nông thôn và miền núi.
Vị trí mò thường đốt ở những vùng da mềm, ẩm, như bộ phận sinh dục, hậu môn, bẹn, nách, cổ…, đôi khi ở vị trí trong vành tai, rốn, mi mắt.