Vừa qua, tình trạng những nhà vệ sinh trên các đoàn tàu hỏa được đầu tư hàng trăm tỷ, nhưng nhìn giống như… “hố xí tự hoại” cách đây hàng chục năm đang khiến nhiều hành khách bức xúc. Bài viết này không nhằm biện hộ cho một bên nào mà muốn đưa ra quan điểm nhìn nhận một cách khách quan, có cơ sở, để thấy một ý rằng: đôi khi công nghệ hay vẫn cần phụ thuộc ý thức người sử dụng.
“Hố xí tự hoại” tiền tỷ có thật?
Mới rồi, tôi có dịp đi trên một chuyến tàu đường sắt Thống Nhất. Chỗ tôi ngồi gần cuối toa, đôi khi có mùi hôi từ khu vực nhà vệ sinh thoảng tới. Ông khách ngồi cạnh tôi thì tỏ ý khó chịu ra mặt, nói rằng vệ sinh sinh học vừa được ngành đường sắt lắp đặt tốn hàng chục tỷ đồng mà một số hành khách sau khi đi cầu cứ thói quen cũ dội nước làm hỏng cả hệ thống.
Nhà vệ sinh sinh học được lắp đặt vận hành trên tàu SNT2 tại ga Sài Gòn.
Tìm hiểu tôi được biết, đây là thiết bị vệ sinh sinh học (bio-toilet) của Nhật Bản. Công nghệ bio-toilet ra đời ở Nhật khoảng 20 năm trước, đã được khẳng định với nhiều giải thưởng lớn như: Giải thưởng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (năm 2002); Giải thưởng của Bộ Văn hóa giáo dục (2007); Giải thưởng của Ủy ban Sáng chế (2010)…
Tuy về hình thức có nhiều nét tương đồng, nhưng công nghệ sử dụng bên trong hoàn toàn khác những nhà vệ sinh của ta cách đây hàng chục năm. Công nghệ này xử lý phân và nước tiểu trong bể trộn lẫn với giá thể cùng chế phẩm sinh học. Sau một thời gian ngắn dưới tác động của vi sinh vật, hỗn hợp phế thải sinh nhiệt làm nước bốc hơi, được quạt hút ra ngoài, còn chất thải cùng giá thể là mùn cưa, vỏ trấu trộn lẫn với nhau trở thành phân bón hữu cơ sinh học sạch. Như vậy, loại công nghệ này rất kỵ nước, trong khi một số hành khách không cần đọc bản chỉ dẫn, cứ hành động theo thói quen, xả nước bừa bãi sau khi đi cầu, hay vứt rác xuống chỗ vệ sinh làm hỏng thiết bị và kết quả là mùi hôi không bị hút đi mà lan tỏa khắp trong toa.
Công nghệ hay còn trông chờ ý thức
Trở về Hà Nội, tôi có dịp gặp TS. Nguyễn Huy Hoàng - Trưởng đại diện của một hãng Nhật Bản ứng dụng công nghệ có bio-toilet, được ông cho biết cụ thể về dự án lắp thiết bị xử lý chất thải trên các toa tàu khách.
Trong quá trình thực hiện dự án, hãng đã tổ chức 4 lớp tập huấn hướng dẫn lắp đặt, bảo dưỡng thiết bị cho 300 cán bộ ngành đường sắt và trên mỗi toa có lắp thiết bị đều có bảng hướng dẫn sử dụng, bên cạnh đó còn phát nhiều tờ rơi cho hành khách trên các tuyến tàu thử nghiệm, hướng dẫn cách sử dụng bio-toilet. Rõ ràng với loại thiết bị này, khi sử dụng không được đổ nước hoặc xịt rửa nước vào trong bể xử lý làm chết các vi sinh hiếu khí, không được vứt rác, trừ giấy vệ sinh vào hệ xử lý khiến hệ thống đảo trộn, cấp nhiệt và không khí trong bể bị hỏng. Ngoài ra, thiết bị phải được theo dõi, vệ sinh sạch sẽ trong suốt quá trình vận hành, bảo dưỡng định kỳ. Tiếc rằng tất cả những quy định trên đều bị vi phạm do thói quen cố hữu của một số khách đi tàu.
Cũng theo ông Nguyễn Huy Hoàng, việc đưa công nghệ bio-toilet vào Việt Nam nằm trong chiến lược xuất khẩu các công nghệ mới thân thiện với môi trường của Nhật Bản ra toàn thế giới, góp phần vào sự phát triển xanh của các quốc gia đang phải đối mặt với nhiều thách thức ô nhiễm môi trường.
Trước khi lắp đặt thiết bị trên tàu hỏa, từ năm 2011, hãng đã đưa công nghệ này vào các khu vực công cộng, hộ gia đình, trường học, bến cảng, nhà máy thuộc các tỉnh, thành như Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Giang… đều cho kết quả khả quan. Ở tỉnh Quảng Ninh còn đang tiếp tục ứng dụng công nghệ này vào khu vực du lịch. Đến giữa năm 2018 sẽ hoàn thành tiếp việc lắp đặt thêm 20 nhà vệ sinh sinh học trên các tàu thuyền phục vụ tham quan và một số địa điểm công cộng ở thành phố Hạ Long; lắp đặt 11 thiết bị xử lý nước thải kiểu mới tại khu vực dân cư của huyện Vân Đồn.
Không phải ngẫu nhiên mà trang Asia Pacific Adaptation Network (ngày 15/11/2013) đánh giá bio-toilet là công nghệ giúp bảo vệ môi trường nước, giảm nguy cơ bệnh tật và nâng cao năng lực xử lý nước thải, đặc biệt ở những vùng ô nhiễm nguồn nước khi dân số đô thị gia tăng do tăng trưởng kinh tế hoặc do tốc độ phát triển công nghiệp nhanh chóng. Nhiều nhà vệ sinh sử dụng công nghệ này cũng được lắp đặt tại những địa điểm du lịch nổi tiếng, đông nghịt du khách của Nhật Bản như núi Phú Sĩ…
Có thể nói, công nghệ bio-toilet đã được chấp nhận tại nhiều khu vực và vượt qua nhiều thách thức, trong đó có cả những thách thức mà ngành đường sắt đang gặp phải.
Trước việc nhiều bio-toilet trên tàu bị hư hỏng, sử dụng kém hiệu quả, phía Nhật vừa có công văn gửi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đề nghị sớm có biện pháp hữu hiệu để tuân thủ nghiêm các quy định dành cho hành khách cũng như với nhân viên trên tàu, duy tu bảo dưỡng thiết bị theo định kỳ.
Chuyện nhiều nhà vệ sinh công cộng được đầu tư hoành tráng, to đẹp ở khắp nơi trong thành phố, bệnh viện… nhưng qua sử dụng một thời gian đều bửa, vỡ, gãy, xuống cấp thiết nghĩ cũng không khác là mấy. Để thấy rằng một công nghệ dù hay hoặc tinh vi cỡ nào cũng còn phải phụ thuộc vào ý thức người sử dụng bởi dẫu sao điều khiển các loại máy móc vẫn là con người.