Mới đây, Wavelength - tạp chí chuyên về ung bướu của Áo đã cử phóng viên sang Việt Nam tìm hiểu cuộc sống, con người cách xa họ nửa vòng trái đất. Nhà báo Jerry Duncan với con mắt am hiểu về ngành y tế đã đến Bệnh viện Trung ương Huế và có cảm nhận của mình về sự phát triển hiện đại trong tầm soát ung bướu của bệnh viện. Báo SK&ÐS xin trích đăng bài viết để bạn đọc hiểu người nước ngoài đánh giá y tế nước ta.
Mặc dù thành phố Huế (với 345.000 dân) không có trong danh sách 10 thành phố đông dân nhất ở Việt Nam, rất nhỏ khi so sánh với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải Phòng, nhưng Bệnh viện Trung ương Huế lại là một trong những bệnh viện thuộc loại lớn của Việt Nam, là nơi tiên phong áp dụng các kỹ thuật xạ trị hiện đại.
Khởi đầu từ 22 năm trước
Cách đây 22 năm, Khoa Ung bướu - Bệnh viện Trung ương Huế đã thành lập (nay là Trung tâm Ung bướu) với cơ sở chỉ có 30 giường và được trang bị một máy xạ trị Cobalt-60 của Cộng hòa Séc. PGS.TS. Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: “Năm 1995, chúng tôi bắt đầu điều trị khoảng 30 bệnh nhân mỗi ngày bằng kỹ thuật 2D. Chúng tôi chỉ thực hiện được kỹ thuật đơn giản bằng cách tính liều tại điểm đại diện cho khối u, không có hình ảnh kiểm tra cũng như các thiết bị cố định tiêu chuẩn. Chính vì không thể kiểm soát vị trí chính xác khi xạ trị và phân bố liều cực đại chỉ 0,5cm nên lúc đó chúng tôi không thể thực hiện liệu pháp xạ trị chất lượng tốt được, ngay cả khi nâng cấp phần mềm tính liều lên 3D.
Hội chẩn đa khoa với chuyên gia nước ngoài.
Sau 15 năm, bệnh nhân xạ trị tại Bệnh viện Trung ương Huế đã tăng lên con số 60-80/ngày. Tại thời điểm đó, với khoảng 20 triệu dân ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, chỉ có 2 máy xạ tri Cobalt- 60 phục vụ xạ trị (thêm 1 máy ở BVĐK Đà Nẵng). Xét nhu cầu bức thiết đó, Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế khởi đầu kỷ nguyên xạ trị chất lượng cao bằng việc quyết định đầu tư máy xạ trị gia tốc Elekta Precise vào năm 2010, là máy gia tốc đầu tiên hoạt động tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giải quyết được tình trạng quá tải về nhu cầu xạ trị chất lượng cao hơn”.
Bác sĩ xạ trị Phan Cảnh Duy cho biết: “Với hệ thống máy xạ trị gia tốc đa mức năng lượng được đầu tư, chúng tôi dễ dàng sử dụng các kỹ thuật xạ trị 3D hoàn hảo hơn, điều trị chính xác hơn, tối ưu hóa liều xạ trong hệ thống lập kế hoạch điều trị nhằm cung cấp liều tối đa cho khối u trong khi vẫn tránh xạ vào các cơ quan quan trọng xung quanh. Vì máy có chùm điện tử nên cho phép điều trị cho các khối u ở bề mặt hoặc tăng liều cho hệ thống hạch cổ hoặc trong ung thư vú”.
Trong giai đoạn 2010-2015, tình trạng xạ trị tại Bệnh viện Trung ương Huế đã quá tải, với số lượng lên đến 120 bệnh nhân/ngày, nên chúng tôi phải làm việc thành 3 ca, bắt đầu từ 6 giờ sáng cho đến 9 giờ tối.
Bệnh nhân được thụ hưởng ứng dụng công nghệ
PGS. Hiệp kể lại: “Năm 2010, chúng tôi đã có cơ hội cực kỳ quý giá để nâng cao chất lượng xạ trị khi tiếp nhận dự án nâng cấp thiết bị cho Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Trung ương Huế của Chính phủ Áo thông qua nhà tư vấn toàn cầu về thiết bị y tế VAMED Engineering GmbH. Sau chuyến thăm và làm việc tại Bệnh viện AKH ở Thủ đô Vienna - Áo, nơi đang sử dụng hệ thống Elekta Axesse ™ và phần mềm lập kế hoạch xạ trị Monaco®; chúng tôi đã quyết định chọn lựa hệ thống này”.
Bấm khởi động máy Axesse.
Đây là hệ thống máy gia tốc có tính năng xạ trị/xạ phẫu đầu tiên và hiện đại nhất Việt Nam, áp dụng mọi vị trí trong cơ thể, vì nó có độ chính xác rất cao nhờ vào hệ thống định vị bằng hình ảnh 3D ngay tại thời điểm điều trị, hệ thống hiệu chỉnh vị trí theo 6 hướng (HexaPOD evo-RT), bộ cố định không xâm lấn và phần mềm Monaco® có thể lập được các kế hoạch điều trị phức tạp.
Theo BS. Duy, hệ thống này thực sự là lựa chọn tối ưu cho các phương pháp điều trị đòi hỏi độ chính xác cao. Các khối u sẽ được xạ theo hình thái của nó một cách chính xác nhờ vào cấu tạo ống chuẩn trực đa lá độ nét cao và hệ thống giường điều trị di chuyển 6 hướng. Trên máy gia tốc được trang bị tích hợp một hệ thống chụp CT (chùm hình nón) với công nghệ hình ảnh rõ nét giúp định vị chính xác mục tiêu. Hiện nay, các kỹ thuật xạ trị/xạ phẫu hiện đại như xạ trị điều biến liều IMRT, xạ trị hình cung điều biến liều theo thể tích VMAT, xạ phẫu não SRS và xạ phẫu toàn thân SBRT, xạ trị có hướng dẫn hình ảnh IGRT đã thực hiện thường quy tại Bệnh viện Trung ương Huế. Đặc biệt, Bệnh viện Trung ương Huế là nơi duy nhất ở Việt Nam có thể thực hiện được xạ trị chất lượng cao đối với trẻ em.
Kỹ thuật VMAT được sử dụng thường xuyên cho các khối u não và các khối u ác tính ở phần đầu, cổ, ngực và vùng chậu. Xạ phẫu SRS được áp dụng đối với nhiều bệnh lý như bất thường động - tĩnh mạch não, u mạch hang, u màng não, u dây thần kinh thính giác, u tuyến yên, đau dây thần kinh sinh ba, u não ác tính nguyên phát hoặc di căn... Kỹ thuật SBRT thường áp dụng cho u phổi, gan và xương cột sống...
Phần mềm Monaco rất thuận lợi nhanh chóng trong việc lập kế hoạch xạ trị/xạ phẫu, hình ảnh CT, MRI và PET có thể “hòa ảnh” với nhau để vẽ đích chính xác.
Với hệ thống Elekta Axesse hiện đại này, trung bình một ngày có khoảng 30 bệnh nhân được điều trị với các kỹ thuật xạ trị/xạ phẫu cao cấp (IMRT, VMAT, SRS, SBRT, IGRT). Được biết, tổng số bệnh xạ trị hàng năm tại Bệnh viện Trung ương Huế là 1.000 người.
Ðào tạo nguồn nhân lực liên tục là chìa khóa thành công
Để triển khai thành công công nghệ xạ trị mới, đội ngũ bác sĩ, kỹ sư, nhân viên vận hành đã trải qua nhiều khóa đào tạo chuyên sâu tại trung tâm y tế lớn ở Áo, Singapore và Thái Lan. Theo PGS. Phạm Như Hiệp, các học viên được đào tạo kỹ lưỡng về kỹ thuật xạ trị tiên tiến, chẳng hạn vẽ thể tích bia, lập kế hoạch và vận hành thiết bị. Ngoài ra, các chuyên gia y tế hàng đầu trên thế giới cũng đến Bệnh viện Trung ương Huế để triển khai đào tạo tại chỗ, cầm tay chỉ việc nên chúng tôi nhanh chóng làm chủ được thiết bị và công nghệ, đưa máy móc vào vận hành hiệu quả và chính xác.
Bài báo đã được đăng trên tạp chí Wavelength.
Đặc biệt, nhờ vào hợp tác tốt với các đối tác nước ngoài, hàng năm chúng tôi được nhiều đoàn chuyên gia về xạ trị/xạ phẫu đến từ Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ, Canada, Australia, Pháp, Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore đến bệnh viện triển khai việc đào tạo liên tục và nâng cao nên chất lượng xạ trị hiện nay có thể nói ngang tầm với thế giới. Việc đào tạo toàn diện này thực sự là vô giá trong việc khai thác tối đa tiềm năng các giải pháp của chúng tôi. Bệnh viện Trung ương Huế còn tổ chức các khóa đào tạo lâm sàng về xạ trị tiên tiến cho nhân viên y tế tại các bệnh viện khác ở Việt Nam nhằm chia sẻ kiến thức đã đạt được.
Theo phân tích của PGS. Phạm Như Hiệp, với 150.000 trường hợp ung thư mới được chẩn đoán mỗi năm ở Việt Nam, cuộc cách mạng về công nghệ tại bệnh viện rất đáng tự hào vì chúng tôi là người tiên phong trong lĩnh vực xạ trị cao cấp ở Việt Nam. Nhờ vào các giải pháp ưu việt về công nghệ, cùng với sự nỗ lực trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, việc triển khai thành công và hiệu quả các kỹ thuật xạ trị hiện đại tại Bệnh viện Trung ương Huế không những đem lại có lợi ích cho người dân Việt Nam, mà cả người dân từ các nước như Lào và Campuchia. Điều rất quan trọng là Bệnh viện Trung ương Huế là nơi hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu xạ trị chất lượng cao cũng như kỹ thuật hiện đại với giá cả hợp lý mà bệnh nhân không cần phải ra nước ngoài để điều trị.