Đó là những phát biểu mở đầu hội thảo “Tập huấn công tác chỉ đạo tuyến, thực hiện đề án 1816, quyết định số 14/2013/QĐ-TTG và đề án bệnh viện vệ tinh năm 2018” của PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế). Hội thảo đã được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 31/10/2018.
Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), ngành y tế Việt Nam được nhều tổ chức độc lập đánh giá cao
Ngành y tế đã không ngừng đổi mới hoạt động khám chữa bệnh, từ việc thực hiện 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, đổi mới quy trình khám chữa bệnh, đổi mới tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, cho đến các đề án nâng cao chất lượng khám chữa bệnh như: Đề án 1816, đề án bệnh viện vệ tinh, củng cố mạng lưới chăm sóc sức khoẻ ban đầu theo nguyên lý y học gia đình, lập hồ sơ quản lý sức khoẻ…
Tất cả các hoạt động này đều hướng đến mục tiêu chính là hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao
Mô hình bệnh tật của Việt Nam vô cùng đa dạng. Bệnh lây nhiễm diễn tiến phức tạp, bệnh không lây nhiễm gia tăng, tai nạn giao thông còn lớn. Kinh phí đầu tư cho ngành y tế còn hạn chế, quy mô giường bệnh/1 vạn dân còn thấp.
Khoảng cách chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh giữa các vùng miền có sự khác biệt rõ rệt. Ở những vùng miền khó khăn, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao của người dân còn rất hạn chế.
Trong khi đó, năng lực y tế tuyến cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. nhiều bệnh viện tuyến huyện xuống cấp. Một số cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới được các dự án hoặc tổ chức quốc tế trang bị một số máy móc trang thiết bị y tế nhưng không có cán bộ y tế đủ năng lực trình độ khai thác đưa vào sử dụng, dẫn đến lãng phí.
Bên cạnh đó, sự chênh lệch về thu nhập, điều kiện sống ở các tuyến tạo nên xu hướng dịch chuyển cán bộ có tay nghề cao, chuyên môn giỏi từ tuyến dưới lên tuyến trên, từ công lâp ra tư lập.
Thực tế, nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao của người dân ngày càng tăng cao, khi hiện nay trong điều kiện kinh tế phát triển, giao thông thuận lợi nên người bệnh có xu hướng lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh có trình độ kỹ thuật cao gây ra tình trạng quá tải trầm trọng tại các bệnh viện tuyến trên.
Chuyển giao kỹ thuật, tăng cường chất lượng tuyến dưới
Trong 8 năm qua, từ đề án Chỉ đạo tuyến 1816, 4689 kỹ thuật mới đã được tuyến trên chuyển giao cho các bệnh viện tuyến dưới, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho các cơ sở y tế tuyến dưới, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, vùng thiếu cán bộ y tế. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng lực của cả ngành y tế khi có thiên tai, dịch bệnh, hoả hạn, tai nạn…
Người dân đến khám và điều trị tại trạm y tế phường Thảo Điền, Quận 2, TP.HCM
4.500.000 người bệnh đã được các bác sĩ tuyến trên khám chữa bệnh trực tiếp, phẫu thuật hơn 1.600 ca, cứu sống hàng trăm người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo nếu đưa về tuyến trên, nguy cơ tử vong cao.
Chính vì vậy, giảm tải từ xa cho bệnh viện tuyến trên nhất là các bệnh viện tuyến trung ương đến 30%. Ở một số địa phương, những loại bệnh trước đây có tỷ lệ chuyển tuyến cao nay đã không còn người bệnh chuyển tuyến như ung bướu, chẩn đoán tim mạch.
PGS. Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, những chuyển giao kỹ thuật này không chỉ giúp người dân địa phương tiếp cận được các kỹ thuật điều trị cao, mà còn giúp khách du lịch hay những người lao động di cư từ nơi khác cũng yên tâm hơn, nhờ đó kinh tế - xã hội của địa phương càng phát triển.
Sắp tới, theo PGS. Khuê, dự kiến ngành y tế sẽ phân thành 3 tuyến chuyên môn kỹ thuật: tuyến chăm sóc ban đầu để điều trị, chăm sóc, quản lý các bệnh nhân ngoại trú, đặc biệt tăng cường mạng lưới y tế cơ sở để phát hiện sớm, điều trị kịp thời và theo dõi lâu dài các bệnh mạn tính không lây như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, ung thư; tuyến điều trị nội trú; tuyến chuyên sâu như ghép tạng.