Hà Nội

Y tế Việt Nam hội nhập quốc tế

17-02-2015 08:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN là hội nghị lớn nhất về y tế của khu vực ASEAN.

Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12

Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN là hội nghị lớn nhất về y tế của khu vực ASEAN. Việc Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức thành công hội nghị được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, góp phần nâng cao vị thế và vai trò của ngành y tế Việt Nam trên trường quốc tế.

Sự kiện này là dịp để Việt Nam quảng bá những thành tựu y tế nổi bật của Việt Nam đã được quốc tế công nhận như đạt được các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, bao phủ y tế toàn dân...

Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN 12. Ảnh: Trần Minh

Quốc tế đánh giá Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia đi đúng lộ trình thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG)

Tại Diễn đàn Đối tác sức khỏe bà mẹ và trẻ em (tại Nam Phi vào tháng 6/2014), Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia đi đầu trên thế giới đang trong đúng lộ trình thực hiện thành công các mục tiêu giảm tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi (MDG 4) và giảm tỷ vong bà mẹ (MDG 5a) và tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản (MDG 5b). Việt Nam cũng ngày càng củng cố được uy tín và vị thế tại các diễn đàn quốc tế quan trọng như Đại hội đồng Y tế thế giới, Hội nghị WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương, ASEAN, ACMEC, CLMV...

Việt Nam được mời tham gia vào Sáng kiến an ninh y tế toàn cầu do Tổng thống Obama khởi xướng

Tại Hội nghị An ninh y tế toàn cầu do Chính phủ Hoa Kỳ tổ chức vào tháng 9/2014, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có bài phát biểu quan trọng với cam kết Việt Nam đóng vai trò tích cực như những nước hàng đầu trong việc phòng chống các bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người cũng như đóng góp tích cực trong việc áp dụng và phát triển mô hình Trung tâm Đáp ứng tình huống khẩn cấp (EOC) trong phòng chống dịch bệnh và các vấn đề y tế công cộng để cùng với các nỗ lực của cộng đồng quốc tế giải quyết nhanh, hiệu quả các vấn đề sức khỏe mang tính toàn cầu, bảo vệ sức khỏe người dân. Với những nỗ lực của nước ta trong những năm qua, Việt Nam là nước đầu tiên khống chế thành công dịch SARS năm 2003, khống chế sớm đại dịch cúm A/H1N1 năm 2010 và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả cùng với các dịch cúm gia cầm trên người; cùng với vị trí quan trọng trong bản đồ dịch tễ của dịch bệnh toàn cầu. Việt Nam được chọn là một trong hai quốc gia đầu tiên triển khai thí điểm Dự án An ninh y tế toàn cầu của Chính phủ Hoa Kỳ và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những đóng góp trong việc góp phần bảo đảm an ninh sức khỏe trên phạm vi toàn thế giới.

Vận động nguồn vốn ODA lớn cho ngành

Công tác hợp tác quốc tế trong năm 2014 đã vận động, thu hút được nhiều dự án viện trợ không hoàn lại, các dự án vốn vay ưu đãi, các dự án hỗ trợ cho ngành y tế  như: Dự án xây dựng Bệnh viện Hữu nghị Việt Nhật Chợ Rẫy (cơ sở 2), kinh phí dự kiến 300 triệu USD; EU tài trợ 114 triệu euro cho Việt Nam theo hình thức hỗ trợ ngân sách; triển khai thực hiện dự án tăng cường y tế các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2 trị giá 76 triệu USD; World Bank tài trợ 120 triệu USD cho dự án phát triển nguồn nhân lực; Quỹ Toàn cầu đã phê duyệt nguồn tài trợ 158,4 triệu USD cho 4 lĩnh vực sốt rét, lao, HIV/AIDS và tăng cường hệ thống y tế (HSS) trong giai đoạn 2015-2017 tại Việt Nam và nhiều dự án hợp tác khác.

Tăng cường kiểm dịch biên giới giúp kiểm soát tốt dịch bệnh.

Việt Nam được Liên hợp quốc chọn là quốc gia đầu tiên khởi động mục tiêu 90/90/90 trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Michel Sidibe đánh giá cao những kết quả mà Việt Nam đạt được trong công tác phòng chống HIV/AIDS thời gian qua và cho biết, đây là một trong những lý do mà LHQ chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương hưởng ứng mục tiêu 90/90/90 nhằm hướng tới mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Theo đó, 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virut ở mức thấp và ổn định hay còn gọi là tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế.

Phòng chống hiệu quả các bệnh dịch mới nổi và tái bùng phát

Trước tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp (như dịch Ebola ở Tây Phi; H7N9, H5N6 tại Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Malaysia; MERS-CoV ở Trung Đông, dịch hạch tại Madagascar), Việt Nam đã khống chế thành công, không để các dịch bệnh trên xâm nhập vào Việt Nam. Đặc biệt, Ebola hoành hành từ châu Phi sang châu Âu nhưng Việt Nam đã kịp thời có các biện pháp hữu hiệu, ngăn chặn thành công, không để Ebola “tấn công” Việt Nam…

Thế giới đánh giá cao mạng lưới y tế cơ sở của Việt Nam

Chính vì vậy, các nước bạn sang học tập thành công trong mạng lưới y tế cơ sở của Việt Nam. Vừa qua, đoàn báo chí Liên hợp quốc đã có chuyến thăm Việt  Nam nhằm hiểu sâu sát về hệ thống y tế cơ sở cũng như tiến bộ đạt được trong việc hoàn thành sớm các mục tiêu thiên niên kỷ.

Điều khiến các nhà báo ấn tượng là ở tại các thôn bản, đội ngũ y tế thôn bản đã thực sự phát huy thế mạnh. “Qua chuyến tham quan hệ thống y tế cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã của Việt Nam, tôi thấy rằng Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu. Việc sử dụng hệ thống y tế cộng đồng tăng hiệu quả lên rất nhiều. Đó là điều chúng tôi có thể học hỏi từ Việt Nam”, các nhà báo quốc tế chia sẻ. Hệ thống cơ sở Việt Nam vững mạnh và được WHO đánh giá cao là nhờ mạng lưới nhân viên y tế di động tại vùng sâu, vùng xa và các cô đỡ thôn bản này.

Tiếp tục hội nhập sâu rộng

Sửa đổi luật Bảo hiểm y tế thể hiện tính hội nhập sâu sắc: Việt Nam đã học hỏi kinh nghiệm quốc tế để sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế. Đặc biệt, hai điểm nổi bật là học tập các nước bạn Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan thực hiện bảo hiểm bắt buộc toàn dân và cả hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế.

Ký kết nhiều văn kiện hợp tác quốc tế quan trọng: Trong năm 2014, nhiều văn kiện hợp tác quốc tế quan trọng trong lĩnh vực y tế đã được ký kết, tạo nền tảng cơ sở pháp lý vững chắc thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế, chuyển giao khoa học kỹ thuật, trao đổi nguồn nhân lực… Cụ thể, trong chuyến tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Nhật Bản, Bộ Y tế Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực y tế giữa với Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản; Trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Cuba, Bộ Y tế Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ với Bộ Y tế, Tập đoàn Công nghiệp dược và Công nghệ sinh học BioCubaFarma nước CH Cuba.

Diễn đàn nhóm đối tác y tế HPG được các đối tác đánh giá là diễn đàn chính sách cấp độ ngành thành công nhất.

Yến Châu


Ý kiến của bạn