Trong một tuần, liên tiếp có hai cuộc hội nghị của ngành y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tại hai miền Nam- Bắc để cùng lắng nghe về thực tiễn công tác thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), từ đó có những tháo gỡ cả về cơ chế, chính sách và tư duy xử lý những vấn đề đang khúc mắc giữa hai bên với mong muốn lớn nhất là đặt quyền lợi chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người bệnh lên trên hết… PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế cùng Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đồng chủ trì hội nghị.
Bệnh viện không được tiêu thoải mái, BHXH cũng không được gây khó khăn
Phát biểu tại hội nghị “Giải quyết vướng mắc trong khám chữa bệnh BHYT” diễn ra ngày 19/10 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, việc tăng chi tiền khám chữa bệnh BHYT vừa qua không hẳn chỉ đáng lo mà cũng đáng mừng bởi người dân được hưởng nhiều quyền lợi hơn, được chi trả nhiều hơn, được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn.
Theo Bộ trưởng, quỹ BHYT là quỹ ngắn hạn, là tiền của nhân dân và phải sử dụng cho nhân dân. Ngược lại, từ 2010-2016 quỹ BHYT kết dư 49.000 tỷ, theo Bộ trưởng đó không hẳn là điều đáng mừng. Lý do kết dư quỹ là vì kỹ thuật cao ở bệnh viện tuyến dưới không có, người dân không được thụ hưởng, quyền lợi của bệnh nhân BHYT chưa được đảm bảo, thậm chí nhiều bệnh nhân tuyến dưới vì thấy thủ tục khám chữa bệnh phiền toái mà mức được BHYT chi trả không nhiều nên tự ý chuyển sang khám dịch vụ cho nhanh.
“Giá dịch vụ khám chữa bệnh chưa được tính đúng tính đủ, bệnh nhân có BHYT mới chỉ được hưởng vài dịch vụ kỹ thuật cao, đi khám chỉ được hưởng vài loại thuốc BHYT… nên kết dư. Vì thế có thể nói kết dư người bệnh thiệt thòi” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tình trạng bội chi quỹ BHYT hiện nay thì số tiền kết dư 49.000 tỷ đồng chỉ có thể đảm bảo duy trì cân đối quỹ được 2-3 năm tới, do đó nhiệm vụ của cả ngành y tế và BHXH là vừa phải bảo tồn quỹ vừa phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để hài đáp ứng sự lòng người bệnh. “Với các bệnh viện, chúng ta không thể tiêu thoải mái quỹ BHYT được, nhưng với BHXH cũng không được gây cản trở khó khăn để các cơ sở khám chữa bệnh căng thẳng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh” – Bộ trưởng nói rõ
Không nói “vỡ quỹ bảo hiểm” để tránh hoang mang cho người dân
Tại hội nghị, ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã rất thắng thắn cho hay: Quỹ BHXH do nhà nước bảo hộ, quỹ BHYT nếu có thâm hụt và thiếu thì ngân sách nhà nước sẽ lo. Do đó, chúng ta không nên nói với nhân dân là sắp vỡ quỹ BHYT và BHXH, bởi như thế sẽ gây hoang mang cho người dân vì họ lo nguy cơ mất cân đối và vỡ quỹ nên khi tôi đi giám sát đã có người dân nhiều nơi không nói dám tham gia bảo hiểm vì sợ mất quyền lợi.
Theo ông Lợi, việc tăng chi từ Quỹ BHYT có nhiều nguyên nhân, trước hết là do tăng chi phí khám chữa bệnh lên 30-33%, bên cạnh đó mức đóng BHYT hiện nay của chúng ta là thấp trong khi mức hưởng cao và không có mức trần nên “không tăng mới là lạ”. Ngoài ra, hiện nay trong tổng số tỷ lệ bao phủ BHYT của nước ta có đến hơn 30% do ngân sách nhà nước chi trả và khá nhiều người dân còn chưa có ý thức tham gia BHYT... Một yếu tố nữa, ông Lợi cũng thẳng thắn chỉ ra là việc thiếu tính hướng dẫn đồng bộ của các văn bản quy phạm pháp luật của cả hai ngành y tế và BHXH ví như việc phân hạng BV, định mức bác sĩ khám bệnh... Bên cạnh đó, do thực hiện cơ chế tự chủ nên nhiều địa phương đã cắt ngân sách khiến các BV không có nguồn thu dẫn đến tình trạng bệnh viện phải lách để có kinh phí hoạt động, chi trả thêm cho cán bộ y bác sĩ...
Tuy nhiên, ông Lợi cho hay, tại cuộc họp chuyên đề mới đây, các đại biểu Quốc hội đánh giá công tác an sinh xã hội, trong đó có công tác chăm sóc sức khỏe nhân ở nước ta đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, đặc biệt việc thực hiện chính sách BHYT rất tốt. “Do đó, qua lắng nghe thông tin từ hai ngành trình bày tại hội nghị tôi cho rằng khi giải quyết các vướng mắc về BHYT cần theo hướng có cái tình trong cái lý và có cái lý trong cái tình"- ông Bùi Sĩ Lợi nói
Cũng theo ông Lợi hai ngành y tế- bảo hiểm xung đột là chuyện bình thường, nhưng qua những hội nghị như thế này hai ngành cần thẳng thắn nhận ra những tồn tại của mình để cùng ngồi lại với nhau tìm cách tháo gỡ. Thực tế qua giám sát của Quốc hội cho thấy, nơi nào có sự gắn kết, đồng thuận chặt chẽ thì ở nơi đó mọi khúc mắc đều sớm được giải quyết.
Ông Lợi cũng đề nghị ngành tế cần xem lại những tồn tại về văn bản chính sách để sớm điều chỉnh cho phù hợp và luôn luôn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như tinh thần phục vụ người bệnh. Đối với ngành BHXH mặc dù có nhiệm vụ giữ Quỹ BHYT nhưng từ thực tiễn hiện này ngành cần nghiên cứu lại việc giao chỉ tiêu kinh phí khám chữa bệnh BHYT đồng thời phải đảm bảo thanh toán đúng, kịp thời cho các cơ sở khám chữa bệnh.
Cán bộ ngành BHXH phải luôn cầu thị, lắng nghe
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh khẳng định, mọi vấn đề khúc mắc giữa hai bên thời gian qua cần được đánh giá thấu đáo.
Ngành y tế đảm đương nhiệm vụ quan trọng là sức khỏe nhân dân trong khi nguồn lực hạn hẹp; BHXH giữ quỹ nhưng nguồn lực cũng không quá dồi dào, trong khi phải đảm đương nhiệm vụ an toàn quỹ. “Quan trọng nhất là cùng ngồi lại để cùng tháo gỡ những tồn tại. Chúng tôi ở trên quyết liệt nhưng ở dưới không thực hiện thì chúng tôi có cố gắng cũng chịu”- Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh nói
Về ngành BHXH, Tổng giám đốc Nguyễn Thị Minh yêu cầu nghiêm túc tiếp thu các kiến nghị của ngành y tế, cái gì là lỗi thì sửa ngay, cái gì không thuyết phục, không chuẩn thì sớm nắn chỉnh lại và sớm ngồi với nhau để có sự đồng thuận trong tháo gỡ khó khăn tất cả vì quyền lợi của người bệnh.
“Cán bộ ngành BHXH phải thực hiện trách nhiệm cầu thị, mềm mỏng. Cái gì đúng làm nhanh kịp thời, cái gì chưa đúng thì hướng dẫn lại. Không thể lồng cảm xúc cá nhân trả lời không thuyết phục, không thể để một vài cá nhân làm ảnh hưởng đến cả nỗ lực của cả ngành. Khi tôi nói chuyện vói lãnh đạo ngành y tế Quảng Ninh, tôi đã rất buồn vì cán bộ của mình có trình độ nhưng lại chưa tạo nên sự chia sẻ với công việc của các đồng chí ngành y tế”- Tổng giám đốc BHXH Việt Nam thẳng thắn nói
Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cũng nói rõ, vấn đề lạm dụng, trục lợi BHYT… không phải là phổ biến do đó ngành BHXH từ nay không nên dùng những từ này mà chỉ là “chỉ định/sử dụng dịch vụ kỹ thuật chưa hợp lý”.
Về những vấn đề liên quan đến chính sách, văn bản của ngành y tế, Tổng giám đốc Nguyên Thị Minh đề nghị ngành y tế sớm ban hành, chỉnh sửa cho phù hợp, tạo thuận lợi cho cả hai bên trong quá trình làm việc...
Đồng thời ngành y tế cũng sớm có những hướng dẫn về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành, sớm ban hành thông tư về quy trình khám chữa bệnh để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh viện. Ngành y tế sẽ tiến đến mô hình phần tầng là chăm sóc sức khỏe ban đầu, tuyến giữa và tuyến cao nhất...