Nếu như trước đây trong quan niệm của nhiều người, hệ thống y tế tuyến huyện chỉ thực hiện những phẫu thuật ngoại khoa đơn giản như mổ đẻ, mổ mở ruột thừa... và điều trị những bệnh mạn tính thông thường khác như tăng huyết áp, ho, sốt... Thế nhưng, giờ cách nhìn nhận ấy đã lạc hậu khi thời gian qua, hàng loạt các bệnh viện (BV) tuyến huyện trên cả nước đã có bước chuyển mình đầy “thuyết phục” khi thực hiện được những kỹ thuật vượt tuyến để phục vụ người bệnh tốt hơn. Ðơn cử như thực hiện lọc thận ngay tại BV huyện mà không phải lên tận các BV tuyến tỉnh hay Trung ương, hoặc phẫu thuật nội soi một số bệnh như sỏi túi mật, viêm ruột thừa... một trong những kỹ thuật mà trước đây chỉ được làm ở các BV tuyến tỉnh, tuyến Trung ương thì giờ cũng đã có mặt ở một số BV tuyến huyện...
Phẫu thuật nội soi tại Trung tâm y tế Thăng Bình, Quảng Nam.
Mổ nội soi - Chuyện thường ngày ở huyện
Nội soi là một kỹ thuật y học hiện đại được ứng dụng trong việc khám bệnh, chẩn đoán bệnh bằng việc sử dụng các loại dụng cụ chuyên biệt để quan sát trực tiếp bên trong các cơ quan của cơ thể. Với kỹ thuật nội soi, người ta có thể quay phim, chụp hình bên trong các cơ quan, lấy dị vật, sinh thiết và thậm chí là thực hiện phẫu thuật nội soi. So với mổ hở, mổ nội soi có nhiều ưu điểm: sẹo mổ nhỏ, ít đau sau mổ, rút ngắn thời gian nằm viện, hồi phục sức khỏe nhanh, sớm trở lại công việc và sinh hoạt hàng ngày,...
Bà N.T.H. ở xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang nhập Bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện Sơn Dương vì bị đau bụng dữ dội. Sau khi khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết, bà H. được chẩn đoán viêm ruột thừa cấp. Bà H. được chỉ định phẫu thuật nội soi. Sau phẫu thuật 1 ngày bà đã ngồi dậy, đi lại được, sau 2 ngày sức khỏe ổn định và chỉ đến ngày thứ ba bà đã được xuất viện. Bà H. rất ngạc nhiên và vui mừng vì mình lại có thể ra viện nhanh như vậy. Bởi, theo bà trước đây mổ ruột thừa ở huyện thì phải mất cả tuần nằm viện, đau đớn, nhưng hiện tại sau mổ bà thấy rất nhẹ nhàng. Các bác sĩ đã giải thích, trước đây các ca viêm ruột thừa thường mổ hở, gây nhiều đau đớn, bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng sau phẫu thuật, đặc biệt là thời gian hậu phẫu kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Nhưng với phẫu thuật nội soi sẽ rút ngắn thời gian nằm viện của người bệnh, giảm nguy cơ mất nhiều máu, nhiễm trùng... BS. Đỗ Văn Minh, Giám đốc BV cho biết, để triển khai kỹ thuật mới này, BV đã cử 1 kíp phẫu thuật đi đào tạo tại BV Việt Đức và BVĐK Tuyên Quang. Hiện BV đã triển khai kỹ thuật nội soi đối với các bệnh viêm ruột thừa, u nang buồng trứng, mang thai ngoài tử cung, phù hợp với xu hướng phát triển chuyên môn sâu tại các BV tuyến huyện.
BVĐK huyện Bắc Hà, Lào Cai cũng là một BV miền núi đã thực hiện được kỹ thuật mổ nội soi. Với hình thức “cầm tay chỉ việc” của các y, bác sĩ Khoa Ngoại - BVĐK tỉnh Lào Cai, BVĐK huyện Bắc Hà đã nhanh chóng nắm vững chuyên môn và độc lập thực hiện được kỹ thuật này. Bệnh nhân Hoàng Văn H, thị trấn Bắc Hà chia sẻ, tôi được bác sĩ chẩn đoán viêm ruột thừa cấp cần phải phẫu thuật ngay. BV áp dụng kỹ thuật mổ nội soi nên chỉ 2 ngày sau phẫu thuật, sức khỏe của tôi đã hồi phục nhanh chóng”.
Theo BS. Nguyễn Như Tuấn, BVĐK Bắc Hà, hiện tại, bác sĩ ở BVĐK Bắc Hà đã có thể thực hiện kỹ thuật mổ nội soi nhanh gọn, thành thục, giúp bệnh nhân tránh được nhiều biến chứng.
Có thể nói, phẫu thuật nội soi đã thực sự đã mở ra hướng điều trị mới và mang một ý nghĩa hết sức to lớn trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở những vùng kinh tế khó khăn, xa trung tâm...
Triển khai chạy thận nhân tạo tại Trung tâm y tế Bến Lức, Long An.
Thụ tinh nhân tạo (IUI) tại BV tuyến huyện
Ngày 21/6/2016, BVĐK huyện Mộc Châu đã đón cháu bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo - phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI). Đây là thành quả to lớn của một BV tuyến huyện miền núi của Sơn La. Điều trị vô sinh bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung IUI đã được thực hiện thành công tại một số BV sản khoa tuyến tỉnh. Tuy nhiên, phát triển kỹ thuật này ở BV hạng III, tuyến huyện hiện còn rất ít BV làm được. Bởi, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ sở vật chất, trình độ bác sĩ... Nhưng năm 2015, BVĐK Mộc Châu đã mạnh dạn thực hiện kỹ thuật này. BS. Vi Hồng Kỳ, Giám đốc BVĐK Mộc Châu cho biết, với mục tiêu lựa chọn sản phụ khoa là một trong những chuyên ngành mũi nhọn trong năm 2015 nói riêng và tạo điểm nhấn trong kế hoạch phát triển của BV giai đoạn 2015-2020, Ban lãnh đạo BVĐK Mộc Châu đã cử 1 kíp gồm: bác sĩ, hộ sinh, kỹ thuật viên đi đào tạo về kỹ thuật IUI. Tuy là BV tuyến huyện còn gặp nhiều khó khăn về trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực y tế cũng như trình độ bác sĩ, nhưng BV đã quyết tâm đầu tư để đưa kỹ thuật mới về gần dân hơn, để người dân được hưởng lợi. Cũng theo BS. Kỳ, để có thành công này, BV đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các đồng nghiệp ở BV Phụ sản Trung ương về đào tạo, chuyển giao kỹ thuật IUI mà trực tiếp là TS. Lê Hoàng - Phó Giám đốc BV, Giám đốc Trung tâm Chỉ đạo tuyến chủ trì tham gia đào tạo. Kết thúc khóa học, Ban Giám đốc BV Phụ sản Trung ương đã đánh giá cao khả năng thực hiện kỹ thuật IUI của kíp thầy thuốc và cam kết tiếp tục có kế hoạch triển khai hỗ trợ kỹ thuật sản phụ khoa đối với BV.
Chạy thận nhân tạo đã về tới vùng sâu, vùng xa
Hàng năm ở nước ta có hàng nghìn người mắc các bệnh thận mạn tính, để duy trì sự sống, ngoài điều trị nội khoa cần kết hợp 1 trong 3 phương pháp chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc (hay còn gọi là lọc màng bụng) và ghép thận. Trong 3 phương pháp đó thì chạy thận nhân tạo vẫn là sự lựa chọn phổ biến nhất. Nếu như trước đây, những bệnh nhân này phải lũ lượt kéo lên các BV tuyến trung ương hay tuyến tỉnh để được chạy thận nhân tạo. Điều này vừa gây tốn kém về công sức tiền bạc của người bệnh, nhất là những bệnh nhân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự phát triển của hệ thống y tế, chạy thận nhân tạo đã được đưa về tuyến huyện, nhờ đó những bệnh nhân ở địa phương này không phải đi xa, giảm gánh nặng về chi phí.
Cháu bé ra đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo IUI đầu tiên ở huyện miền núi Mộc Châu, Sơn La.
Trung tâm Y tế Bến Lức, Long An là một trong những cơ sở y tế tuyến huyện của Long An triển khai kỹ thuật này. Được biết, thông thường Trung tâm Y tế Bến Lức có khoảng 75 bệnh nhân chuyển viện để được chạy thận nhân tạo ở tuyến trên và vẫn còn một số bệnh nhân suy thận mạn có chỉ định chạy thận nhân tạo nhưng không được tuyến trên tiếp nhận do không có đủ máy. Việc triển khai chạy thận nhân tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương và các vùng lân cận như: Cần Đước, Thủ Thừa,... đồng thời giảm thời gian và chi phí đi lại cho bệnh nhân và thân nhân khi phải đi tuyến tỉnh hay lên TP. Hồ Chí Minh.
Từ cuối tháng 7/2015, BVĐK huyện Phú Bình, Thái Nguyên chính thức đưa kỹ thuật chạy thận nhân tạo vào hoạt động; tạo điều kiện thuận lợi cho những bệnh nhân bị suy thận trên địa bàn huyện được khám, chữa bệnh ngay tại địa phương, giúp giảm bớt chi phí điều trị cho người bệnh. Đây là BV tuyến huyện đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên đưa kỹ thuật chạy thận nhân tạo vào điều trị.
Cùng với Phú Bình, Thái Nguyên, Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn và Hữu Lũng, Bình Gia, Lạng Sơn cũng đã triển khai và thực hiện rất hiệu quả chạy thận nhân tạo. Nằm trên giường chạy thận nhân tạo tại Khoa Thận nhân tạo của Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn, anh Ngô Văn Minh, thôn Tiến Hậu, xã Nhất Tiến, Bắc Sơn thổ lộ: “Được nằm chạy thận ở một BV trên chính quê hương mình, em như đang nằm mơ vậy. Trước đây, chúng em thường “tiền túi, gạo chợ” nằm chờ trực tại BVĐK Trung ương Thái Nguyên để được chạy thận tuần 3 lần. Nay, chỉ cần 2 giờ đi xe máy từ nhà ra đây, em đã có thể được điều trị”. Niềm vui của anh Minh cũng là niềm vui của gần 80 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bắc Sơn, Bình Gia và Hữu Lũng.
Có thể nói, những kỹ thuật mới được đưa vào áp dụng tại các BV tuyến huyện đã mang lại bộ mặt hoàn toàn mới cho y tế tuyến huyện. Đây là bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng thành tựu của y học hiện đại vào công tác điều trị cho bệnh nhân, qua đó, từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngay chính quê hương của mình.