Hà Nội

Y tế tuyến dưới đổi thay nhờ xã hội hóa

31-12-2020 08:23 | Y tế
google news

SKĐS - Trong những năm qua, việc thực hiện xã hội (XHH) y tế không chỉ được triển khai ở các cơ sở y tế tuyến trên mà ngay cả ở trạm y tế của một số địa phương hay tuyến y tế quận, huyện cũng đã triển khai XHH. Đây là bước đột phá trong xã hội hóa lĩnh vực y tế với mục tiêu hướng tới tất cả người dân được chăm sóc sức khỏe, thụ hưởng các dịch vụ y tế tốt nhất từ tuyến cơ sở.

Trạm Y tế - Phòng khám DHA phường 11, quận 3, TP. Hồ Chí Minh là mô hình trạm y tế XHH thí điểm đầu tiên trên cả nước. Với mô hình XHH trạm y tế (TYT) đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh, TYT phường 11 là sự nâng cấp và kết hợp giữa cơ sở y tế địa phương với mô hình phòng khám đa khoa hiện đại, được trang bị đầy đủ các thiết bị y tế theo đúng tiêu chuẩn như máy siêu âm 4D, máy Xquang kỹ thuật số, máy xét nghiệm sinh hóa huyết học tự động sẽ giúp hoạt động chẩn đoán tại trạm y tế tốt hơn. Bên cạnh đó, TYT này còn được bổ sung đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, được tư vấn hỗ trợ về mặt chuyên môn từ các bệnh viện lớn cấp thành phố cũng như cấp Trung ương.

Theo đó, mô hình TYT XHH được thực hiện các nhiệm vụ từ phục vụ công tác khám chữa bệnh ban đầu, khám bảo hiểm y tế, khám sức khỏe, trở thành tuyến kế cận giảm tải cho các tuyến trên, đặc biệt phát huy hoạt động bác sĩ gia đình theo định hướng của Bộ Y tế. Quan trọng hơn cả, theo đánh giá của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, Trạm Y tế phường 11 vẫn giữ được chức năng chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế như tiêm chủng, phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh, khám chữa bệnh cho gia đình chính sách.

Chính vì thế, mỗi ngày trạm đã tiếp nhận vài chục bệnh nhân đến khám bệnh, trong khi trước đó hầu như không có người bệnh đến khám vì cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu bác sĩ.

Nét tích cực từ mô hình đầu tiên là động lực thúc đẩy tiếp tục nhân rộng tại hệ thống TYT các phường lân cận trên địa bàn quận 3 và lần lượt các quận 1, quận 2, quận Phú Nhuận, huyện Nhà Bè và nhiều quận huyện khác trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Y tế tuyến dướiNhờ thực hiện xã hội hóa, cơ sở vật chất của TTYT Cẩm Khê được thay đổi rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng KCB cho người dân trên địa bàn.

Từ năm 2016 đến nay, các Trung tâm Y tế (TTYT): Cẩm Khê, Thanh Ba, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Yên Lập của tỉnh Phú Thọ đã đầu tư khu nhà điều trị nội trú chất lượng cao quy mô 150 - 200 giường bệnh XHH theo mô hình đối tác công tư với tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng. Các TTYT: Lâm Thao, Phù Ninh, Tân Sơn, Tam Nông, Hạ Hòa, Đoan Hùng, BVĐK thị xã Phú Thọ cũng đầu tư 470 tỷ đồng (vốn vay Ngân hàng Sacombank) xây dựng khu nhà điều trị nội trú chất lượng cao, quy mô 100 - 200 giường bệnh XHH.

Nếu như những năm trước, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế tuyến huyện trên địa bàn tỉnh vừa thiếu và không đồng bộ thì nay diện mạo đã hoàn toàn khác. Toàn bộ các cơ sở y tế tuyến huyện đều đã có cơ sở hạ tầng khu khám chữa bệnh chất lượng cao khang trang; phòng mổ, khoa hồi sức cấp cứu hiện đại phục vụ người bệnh. Hiện các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện đã thực hiện được từ 15-30% kỹ thuật vượt tuyến; thực hiện thành công các kỹ thuật cấp cứu nội, ngoại, sản, nhi và chấn thương, triển khai phẫu thuật nội soi, phẫu thuật PHACO, một số phẫu thuật về chấn thương sọ não, cắt tử cung toàn phần, thay ổ khớp nhân tạo...

Tại Phú Thọ, nhiều bệnh lý trước đây phải chuyển tuyến từ 60-80% như: ung bướu, tim mạch, huyết học... thì đến nay tỷ lệ này đã còn dưới 1%. Người dân được sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, qua đó góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh...

Tại BVĐK khu vực Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, do nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trong khu vực tăng cao, tạo ra áp lực về quá tải đối với cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật của bệnh viện, trong khi nguồn lực đầu tư của Nhà nước có hạn, bệnh viện đã liên kết với Công ty CP Thiết bị vật tư y tế Thanh Hóa đầu tư nhiều trang thiết bị kỹ thuật hiện đại. Từ các nguồn lực đầu tư, nhiều kỹ thuật cao từ trước đến nay chưa làm được như phẫu thuật kết hợp xương, phẫu thuật cắt gan không điển hình do vỡ gan, phẫu thuật sọ não đã được triển khai ngay tại bệnh viện.

Có thể nói, trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước hạn chế, giải pháp huy động các nguồn lực từ xã hội đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế thực sự là một nhiệm vụ bức thiết. Tuy nhiên, một vấn đề hết sức quan trọng hiện nay là các cấp, các ngành cùng với ngành y tế cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, để mỗi người dân cần tự “xã hội hos” trong phòng tránh dịch bệnh ngay từ ban đầu, vệ sinh môi trường nơi mình sinh sống, chủ động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Có như vậy, công tác XHH mới thực sự mang lại hiệu quả.


Hoàng Nguyễn
Ý kiến của bạn