Theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, từ hôm nay (1/7), toàn hệ thống y tế mới của "siêu đô thị" này có sự thay đổi rất lớn.
Cụ thể, từ 1 chi cục và 57 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc (tính tới hết năm 2024), sau ngày 1/7/2025, ngành Y tế TPHCM sẽ có tới 2 chi cục và 124 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế TPHCM. Trong đó, có 32 bệnh viện đa khoa, 28 bệnh viện chuyên khoa, 11 trung tâm không giường bệnh, 15 trung tâm bảo trợ xã hội, 38 trung tâm y tế khu vực.
Để mạng lưới y tế ổn định hoạt động ngay từ đầu, Sở Y tế TPHCM đã hoạch định chi tiết như sau:
Đối với Trạm y tế: 443 trạm y tế phường, xã hiện hữu vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, chức năng như hiện nay, để không xáo trộn hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân.
Trong thời gian 60 ngày, Sở Y tế TPHCM sẽ thực hiện chuyển đổi thành 168 trạm y tế phường, xã tương ứng với với các phường, xã mới, đồng thời thiết lập 296 điểm y tế.
Sở Y tế TPHCM cũng giao các trung tâm y tế khu vực ưu tiên bổ sung nguồn nhân lực cho các trạm y tế và các điểm y tế, để thỏa điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT (đối với các trạm và các điểm y tế chưa ký hợp đồng).

Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế luôn là mối quan tâm hàng đầu của người dân. Ảnh: Thanh Giang
Đối với Trung tâm y tế: 38 trung tâm y tế (17 đơn vị có giường bệnh, 21 đơn vị không giường bệnh), Sở Y tế TPHCM sẽ chuyển đổi thành 38 trung tâm y tế khu vực, phụ trách 168 trạm y tế xã, phường.
Đối với hệ thống cấp cứu 115: Gồm 1 trung tâm và 45 trạm cấp cứu vệ tinh, ngành Y tế TPHCM sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới vệ tinh để bao phủ toàn bộ địa bàn mới.
Đối với hệ thống các trung tâm bảo trợ xã hội: Ngành Y tế cũng đã tiếp nhận và vận hành mạng lưới trung tâm bảo trợ xã hội từ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trước đó.
Số liệu cho thấy, từ 1/7, trên địa bàn TPHCM sẽ có 110 trung tâm BTXH (15 trung tâm BTXH công lập, 95 trung tâm BTXH ngoài công lập). Đây cũng là thách thức mới trong quản lý đối với ngành Y tế TPHCM.
Riêng với mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh: Từ 1/7, toàn địa bàn TPHCM có tổng cộng 162 bệnh viện (12 bệnh viện Bộ, ngành; 32 bệnh viện đa khoa; 28 bệnh viện chuyên khoa; 90 bệnh viện ngoài công lập). Đáng chú ý, số lượng phòng khám tư nhân gia tăng đáng kể với hơn 9.880 phòng khám chuyên khoa, hơn 350 phòng khám đa khoa, hơn 15.600 cơ sở kinh doanh dược, nhà thuốc.
Theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, với hệ thống y tế mới đa dạng về loại hình, gia tăng số lượng cơ sở, quy mô địa bàn mở rộng... sẽ đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý. Vì vậy, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM nhấn mạnh tới cơ chế quản lý thống nhất, linh hoạt, hiện đại cần phải có trong những ngày tới.
Để sớm hình thành cơ chế quản lý như mong muốn, Sở Y tế TPHCM cam kết "sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản trị điều hành, đảm bảo phân bổ hợp lý nguồn lực, tăng cường kết nối giữa các tuyến và cơ sở y tế".
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM còn quyết tâm xây dựng đội ngũ nhân lực đủ năng lực thích ứng với mô hình tổ chức mới. Điều này là hết sức cần thiết vì yếu tố con người luôn là yếu tố quyết định.