Điện Biên là tỉnh thiệt hại nặng nhất khi mưa lũ làm 1 người chết và 3 người bị thương. Tại tỉnh này đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại huyện Tuần Giáo và ngập úng tại các huyện Mường Ảng, Tủa Chùa và thị xã Mường Lay; 44 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng; gần 1.100ha nông nghiệp nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi, vùi lấp; khoảng 20.100 con gia cầm bị chết; ước tổng thiệt hại khoảng 11 tỷ đồng. Nạn nhân bị thiệt mạng trong trận lũ được xác định là anh Lò Văn Pẻn (sinh năm 1994), trú tại bản Mường Một, xã Mường Mùn huyện Tuần Giáo. Trong lúc đi xẻ gỗ trên lán nương thuộc địa phận xã Quài Cang, mưa lũ bất chợt làm sạt lở đất, khiến anh Pẻn tử vong tại chỗ; 3 người khác đi cùng bị thương nặng và hiện đang được cấp cứu tại bệnh viện huyện. Theo ước tính ban đầu của chính quyền tỉnh Điện Biên, thiệt hại tại các địa phương trong toàn tỉnh khoảng 11 tỷ đồng. Trao đổi với PV báo Sức khỏe&Đời sống, BS. Triệu Đình Thành - Giám đốc Sở Y tế cho biết, qua nắm thông tin sơ bộ từ các địa phương báo về, rất may trong thời gian trong và sau mưa lũ, các cơ sở y tế địa phương trong tỉnh không có thiệt hại nào đáng kể. Điều đó có được do các trạm y tế xã và BVĐK khu vực đều nằm ở khu vực đồi cao nên không bị nước lũ tràn vào. Hiện tại, tỉnh Điện Biên không có tình ở bị nước lũ chia cắt, giao thông đi lại giữa các huyện và huyện tới xã tương đối tốt. Để phòng ngừa những diễn biến bất thường của thời tiết, ngay từ đầu mùa mưa bão, y tế tỉnh Điện Biên chỉ đạo các cơ sở y tế chủ động lên phương án chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc dự trữ, rà soát các phương án phòng chống lụt bão với đẩy đủ nhân lực, vật lực nếu bị mưa lũ chia cắt dài ngày.
Nước lũ tràn qua đường ở huyện Tuần Giáo. Ảnh: Đỗ Lan |
Tại Thái Nguyên, vào đêm ngày 2, rạng sáng ngày 3/7, trên địa bàn tỉnh có mưa to kéo dài, gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhiều hộ dân. Là trận mưa được đánh giá là lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây, đã gây ngập úng hơn 600ha lúa, gần 1.300ha hoa màu, trên 500 nhà dân và làm sập đổ, hư hỏng nặng hàng chục ngôi nhà... Tổng thiệt hại ước tính trên 8 tỷ đồng. Ông Bùi Tiến Chính, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và PCLB, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Thái Nguyên cho biết: Điều đáng tiếc nhất là đợt mưa lớn xảy ra vừa qua trên địa bàn đã làm 3 người tử vong (do bị sa chân xuống cống, bơi thuyền đi vớt củi, đuối nước) gồm: bà Vũ Thị Thắm, 53 tuổi, ở tổ 16 phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên); ông Hoàng Văn Khanh, 55 tuổi ở xóm Mỏ Đá, xã Linh Sơn, cháu Phạm Văn Đạt, 10 tuổi ở xóm Phúc Thành, xã Hóa Trung (Đồng Hỷ). So với những trận thiên tai đã từng xảy ra trên địa bàn Thái Nguyên trước đây, mức độ thiệt hại về tài sản do trận mưa vừa qua gây ra không quá lớn, chỉ ở phạm vi cục bộ vì mưa không kéo dài. Tuy nhiên lại có thiệt hại về người mà lẽ ra không đáng có, cụ thể là trường hợp của bà Vũ Thị Thắm bị rơi xuống cống do sự tắc trách, không có biện pháp cảnh báo nguy hiểm tại công trường của đơn vị thi công. Đây là bài học cho những người có trách nhiệm, không thể chủ quan, lơ là trong mọi tình huống, tránh để xảy ra sự việc đáng tiếc như nêu trên. BS. Phan Bá Đào, Phó Giám đốc BVĐK Trung ương Thái Nguyên cho CTV báo SK&ĐS biết, nước lên nhanh đã tràn vào gây ngập sâu trong sân của bệnh viện nhưng không gây thiệt hại đáng kể. Hiện nay, bên cạnh việc tiếp tục tổ chức đón tiếp người bệnh, BVĐK Trung ương Thái Nguyên đang tích cực thu dọn và xử lý môi trường ngay khi nước rút, đảm bảo môi trường cảnh quan của bệnh viện được xanh - sạch - đẹp ngay sau khi nước rút. Về công tác KCB, trong những ngày mưa lũ, theo BS. Đào, không có những đột biến, công tác trực cấp cứu và KCB vẫn được đảm bảo.
Tại tỉnh Hà Giang đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên; ngập úng tại một số khu vực thuộc huyện Hoàng Su Phì, Bắc Mê và thành phố Hà Giang. Toàn tỉnh Hà Giang có 25 nhà bị sập, đổ, hư hỏng; 23,2ha lúa bị mất trắng; một số tuyến tỉnh lộ, đường liên thôn, liên huyện bị sạt lở gây ách tắc giao thông; 1 cầu bê tông dài 33m từ xã Chiến Phố đi xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì và 2 cầu gỗ tại thôn Tân Sơn, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên bị cuốn trôi... ước thiệt hại trên 7 tỷ đồng. Qua điện thoại, sáng 5/7, BS. Trần Đức Quý - Giám đốc Sở Y tế Hà Giang nói, hiện nay về cơ bản đường giao thông trong tỉnh đã đi lại được. Thống kê bước đầu được biết, các cơ sở y tế trong tỉnh không có thiệt hại đáng kể. Hiện nay, lãnh đạo ngành y tế Hà Giang đã chỉ đạo y tế cơ sở bám sát địa bàn, sẵn sàng tham gia ứng cứu người bệnh, người bị nạn khi có yêu cầu. Đồng thời với đó, kịp thời sửa sang lại nhà cửa, cơ sở khám chữa bệnh để sẵn sàng đón người dân đến khám, chữa bệnh.
Hiện nay, Ban chỉ huy PCLB& TKCN các tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương tập trung huy động các lực lượng, phương tiện để khắc phục thiệt hại và sớm ổn định đời sống nhân dân.
Nhóm CTV