Xuất phát từ mục tiêu nâng cao chất lượng, lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh, “Y tế thông minh” được cụ thể hóa thành nhiều yêu cầu và tạo được thuận lợi cho các chủ thể liên quan.
Công cụ quan trọng
Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, trên địa bàn thành phố hiện có 113 bệnh viện, bao gồm 13 bệnh viện và viện nghiên cứu thuộc bộ, ngành Trung ương quản lý, 54 bệnh viện thành phố, bệnh viện quận/huyện, 46 bệnh viện tư nhân, 186 phòng khám đa khoa, 4.169 phòng khám chuyên khoa, 118 cơ sở chẩn đoán, 8 nhà hộ sinh và 336 phòng chẩn trị y học cổ truyền. Bên cạnh đó là hệ thống y tế dự phòng gồm 12 trung tâm, 2 chi cục, 24 trung tâm y tế dự phòng quận huyện và 319 trạm y tế phường/xã. Với hệ thống cơ sở y tế như trên, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trở thành một công cụ quan trọng trong hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nhân viên y tế dễ dàng tra cứu hồ sơ bệnh án nhờ ứng dụng CNTT
Người dân dễ dàng tiếp cận và trao đổi với các cơ sở khám chữa bệnh từ xa; dễ dàng chọn lựa chuyên khoa cần thiết, chọn bệnh viện, chọn giờ khám thuận lợi mà không phải đến bệnh viện ngồi chờ để đến lượt khám; không phải làm lại những xét nghiệm vừa mới được bệnh viện trước đó đã làm… và có thể truy cập dễ dàng thông tin về tình hình sức khỏe của bản thân.
Nhân viên y tế được cập nhật thông tin khoa học, dễ dàng tra cứu hồ sơ bệnh án trước đây của cùng một bệnh nhân trong hoạt động điều trị và nghiên cứu khoa học, dễ dàng trao đổi thông tin lâm sàng, cận lâm sàng trong cùng một bệnh viện và giữa các bệnh viện với nhau, hội chẩn từ xa thay vì phải chuyển viện, được đào tạo liên tục từ xa.
Các nhà quản lý bệnh viện giám sát được thời gian, việc tuân thủ các quy trình kỹ thuật, phác đồ, quy chế kê đơn; triển khai “quản lý tinh gọn” nhằm chống lãng phí trong sử dụng thuốc, vật tư y tế tiêu hao; số hóa kho hồ sơ bệnh án; rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chánh cho cả nhân viên y tế và người bệnh; triển khai hệ thống nhắc người bệnh đến tái khám, đến tiêm chủng; xây dựng hệ thống khó mắc lỗi, xây dựng hệ thống cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất tai biến y khoa.
Các chuyên viên, lãnh đạo Sở Y tế tiếp cận được dữ liệu chính xác và kịp thời của ngành y tế để đưa ra những dự báo có cơ sở thực tiễn và chủ động can thiệp hiệu quả như: dự báo và chủ động can thiệp phòng chống hiệu quả các dịch bệnh; điều phối hoạt động cấp cứu ngoại viện của mạng lưới cấp cứu 115 của thành phố; điều phối tình trạng quá tải tại các bệnh viện; kiểm tra giám sát hành nghề y tế tư nhân…
Ứng dụng CNTT mới đạt mức trung bình
Từ năm 1996, ngành y tế TP.HCM bắt đầu triển khai áp dụng phần mềm quản lý khám chữa bệnh tại các bệnh viện, hệ thống báo cáo thống kê qua mạng và luôn nỗ lực đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNTT. Tuy nhiên, đến nay, việc ứng dụng CNTT mới đạt mức trung bình.
Dù đã được triển khai áp dụng phần mềm quản lý khám chữa bệnh và báo cáo thống kê qua mạng được 20 năm nhưng đến nay, việc ứng dụng CNTT trong ngành y tế TP.HCM mới đạt mức trung bình, còn tùy theo nhu cầu và khả năng từng cơ sở nên các yếu tố kỹ thuật như chuẩn dữ liệu, mã danh mục… chưa được chuẩn hóa, thống nhất. Hệ thống CNTT chưa đồng bộ, chưa tương xứng, tuyến quận huyện còn thiếu máy chủ, máy tính; không có thiết bị dự phòng, giải pháp sao lưu, phục hồi dữ liệu chưa đầy đủ; nhân lực CNTT còn thiếu, trung bình chỉ có 0,8 người/đơn vị; chưa khai thác tốt dữ liệu cho công tác quản lý, điều hành. Đáng quan tâm là ứng dụng CNTT
Qua khảo sát gần đây của Sở Y tế TP.HCM tại 92 bệnh viện (gồm 29 bệnh viện thành phố, 23 bệnh viện quận huyện, 40 bệnh viện tư nhân), có 53 bệnh viện (58%) còn thực hiện thủ công các biểu mẫu, thống kê. Hệ thống báo cáo thống kê về hoạt động khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở cũng chưa đáp ứng yêu cầu hoạch định chính sách, lập quy hoạch, xây dựng kế hoạch…
Điều đáng ngại là có hơn 20 công ty cung cấp phần mềm cho các bệnh viện, do đó, phần mềm hệ thống, hệ quản trị cơ sở dữ liệu không đồng nhất; các phần mềm quản lý xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh thường không kết nối với hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện. Về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), phần mềm quản lý của các bệnh viện đều có chức năng quản lý khám chữa bệnh BHYT, còn khoảng 28% bệnh viện, hầu hết là bệnh viện tư nhân, không kết xuất được dữ liệu cho cơ quan BHYT.
Ở tuyến phường, xã, chỉ có 8%, tức 25 trạm y tế, có phần mềm quản lý khám chữa bệnh. Hệ y tế dự phòng thành phố đang triển khai thử nghiệm hệ thống thông tin địa lý GIS phòng chống dịch bệnh, điều hành cấp cứu tại Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và 9 phường của 3 quận: 8, Thủ Đức, Tân Phú. Tuy nhiên, các trung tâm y tế dự phòng quận - huyện còn quản lý hoạt động chuyên môn nhờ vào các phần mềm văn phòng như Excel, Access…
Về công tác quản lý nhà nước, Sở đã có phần mềm quản lý đối với các lĩnh vực hoạt động quan trọng, đáp ứng yêu cầu quản lý về văn bản, quy trình xử lý hồ sơ dịch vụ hành chính công, quản lý hành nghề y tế, hoạt động thanh tra… Tuy nhiên, còn một số lĩnh vực vẫn chưa triển khai phần mềm quản lý như công tác quản lý danh mục kỹ thuật tại các cơ sở khám chữa bệnh, quản lý nhân sự hoạt động khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, nhất là cơ sở y tế tư nhân…
3 mục tiêu phát triển ứng dụng CNTT
Trong giai đoạn sắp tới, việc triển khai ứng dụng CNTT của ngành y tế TP.HCM phải tính đến việc trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống thông tin y tế trong nước và bên ngoài. Do vậy, phải xây dựng một hệ thống thông tin hoàn chỉnh theo mô hình kiến trúc tổng thể thông tin y tế, đảm bảo tính đồng bộ, kết nối trong toàn ngành, với thành phố và Bộ Y tế; hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Do vậy, ngành y tế đưa ra 3 mục tiêu.
Thứ nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại. Đến năm 2017 hoàn chỉnh hạ tầng Trung tâm dữ liệu tập trung; năm 2018 các cơ sở y tế đều có hạ tầng kỹ thuật CNTT đồng bộ; và năm 2020, tất cả cơ sở y tế kết nối vào trục liên thông tích hợp chung của TP, có thể kết nối, trao đổi thông tin với thành phố, Bộ Y tế và một số cơ quan Trung ương.
Thứ hai là xây dựng, triển khai ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước, hoạt động khám chữa bệnh, y tế dự phòng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách hành chánh. Trước hết là hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản điện tử và công tác chỉ đạo, điều hành; hoạt động chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến hành chính công đều được quản lý bằng phần mềm; triển khai hệ thống quản lý hoạt động y tế dự phòng, hệ thống ứng dụng GIS thông tin địa lý phòng chống dịch bệnh cho tất cả các trung tâm y tế dự phòng quận/huyện và trạm y tế.
Thứ ba là hoàn chỉnh nguồn nhân lực về CNTT. Cuối năm 2017, tất cả cơ sở y tế đáp ứng đủ nhân lực CNTT theo quy định: đơn vị sự nghiệp hạng đặc biệt, hạng 1 phải có phòng CNTT, có ít nhất 5 nhân sự, trong đó 60% có trình độ từ cao đẳng chuyên ngành CNTT trở lên; đơn vị sự nghiệp hạng 2, hạng 3 phải có tổ CNTT trở lên, có ít nhất 3 nhân sự có trình độ từ trung cấp CNTT.
Cần giải pháp đồng bộ
Trong thời gian tới, để ngành y tế TP.HCM triển khai ứng dụng CNTT một cách hiệu quả, cần có các giải pháp đồng bộ cả về chính sách, tài chính, nhân lực và công nghệ. Các giải pháp này phải kết hợp chặt chẽ với các chương trình, kế hoạch phát triển ứng dụng CNTT của TP và Bộ Y tế, hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, phục vụ tốt nhu cầu của người dân.
Về chính sách, trước hết, cần xây dựng kiến trúc tổng thể cho hệ thống thông tin y tế thành phố Đồng thời xây dựng các chương trình, kế hoạch 5 năm, 10 năm về phát triển ứng dụng CNTT, gắn kết với các chương trình, kế hoạch phát triển ứng dụng CNTT của thành phố và Bộ Y tế để định hướng và làm căn cứ cho các đơn vị xây dựng kế hoạch phát triển ứng dụng CNTT.
Bên cạnh đó là khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng giải pháp, sản phẩm ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu chung của ngành y tế và cung cấp dưới hình thức cho thuê sản phẩm, thuê dịch vụ; chú trọng đầu tư phát triển ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế dự phòng; đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng yêu cầu triển khai các hệ thống ứng dụng; đảm bảo tất cả trạm y tế phường/xã có đủ máy tính phục vụ cho công việc. Đặc biệt là xây dựng nền hành chính y tế điện tử.
Về giải pháp tài chính, theo Sở Y tế, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ ứng dụng và phát triển CNTT y tế; đưa chi phí ứng dụng CNTT thành một thành tố tính giá dịch vụ y tế; cùng với huy động tối đa các nguồn tài chính thông qua thu hút tài trợ nước ngoài, hợp tác đối tác công tư (PPP), thuê dịch vụ CNTT, các đơn vị phải dành tối thiểu 1% các nguồn kinh phí của đơn vị để chi cho ứng dụng và phát triển CNTT.
Về nhân lực, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút nhân lực CNTT có trình độ chuyên môn cao vào làm việc tại các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế về nguồn lực, mô hình, kinh nghiệm ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế… Đặc biệt là thành lập Trung tâm Công nghệ thông tin Y tế, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế, để triển khai thực hiện các nhiệm vụ CNTT, cung cấp dịch vụ CNTT cho các đơn vị.