Y tế thôn bản: Cần lắm, sự quan tâm

26-05-2012 20:26 | Tin nóng y tế
google news

Là cánh tay nối dài của cán bộ y tế cơ sở, nhân viên y tế thôn bản có vai trò rất lớn trong công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đối với các địa phương có nhiều vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, nhân viên y tế thôn, bản là những thông tin viên,

(SKDS) - Là cánh tay nối dài của cán bộ y tế cơ sở, nhân viên y tế thôn bản có vai trò rất lớn trong công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đối với các địa phương có nhiều vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, nhân viên y tế thôn, bản là những thông tin viên, là cán bộ y tế có mặt sớm nhất khi xảy ra dịch. Vì vậy, nhân viên y tế thôn bản cần lắm sự quan tâm, động viên để họ yên tâm theo nghề.

Theo nghề vì yêu nghề

Là người gắn bó lâu năm với nghề, chị Đêl Thị Dinh, cán bộ y tế thôn Aduông 2, thị trấn P’rao, huyện Đông Giang, Quảng Nam luôn thấy day dứt nếu từ bỏ công việc bấy lâu nay chị gắn bó. Mặc dù thôn Aduông 2 thuộc khu vực thị trấn nhưng nơi đây được biết đến như một “ốc đảo” tách biệt với bên ngoài bởi không đường, điện, trường, trạm. Để tới được thôn Aduông 2 phải băng rừng, lội suốt hơn 3 tiếng đồng hồ.
 
Đa số dân số trong thôn là người dân tộc thiểu số Cơtu, cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào nương, rẫy nên công tác chăm sóc sức khỏe của người dân hoàn toàn trông cậy vào cán bộ y tế thôn, bản. Với phụ cấp 100 ngàn đồng/tháng, chị Đêl Thị Dinh đảm nhận công việc nắm bắt tình hình dịch bệnh, thường xuyên thông tin hai chiều với trạm y tế; số phụ nữ sắp sinh, số trẻ sẽ tiêm chủng trong tháng; tuyên truyền vận động nhân dân phòng, chữa các bệnh thông thường… Công việc nghĩ đơn giản nhưng lại gặp khá nhiều khó khăn.
 
 Cán bộ y tế cơ sở tư vấn cho phụ nữ độ tuổi sinh đẻ ở Quảng Nam.
Bởi đời sống bà con rất nghèo, mỗi khi mắc bệnh thường ở nhà cúng bái thần, giàng, chỉ khi bệnh nặng lắm thì mới chịu đi khám ở trạm y tế. Cũng một phần nhận thức của bà con còn kém, tivi, điện đài chẳng có nên mỗi khi đi tuyên truyền chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em, kế hoạch hóa gia đình chị Dinh phải đến từng nhà để vận động…. Điều kiện gia đình khó khăn, Chị Dinh định bỏ nghề từ mấy năm trước, nhưng nghĩ vì đồng bào nên chị cố gắng bám trụ với nghề kết hợp với làm nương rẫy để ổn định cuộc sống.

Theo bà Lê Thị Quyết, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, huyện có 95 thôn/11 xã, thị trấn nhưng chỉ có hơn 70 nhân viên y tế tại các thôn bản. Hầu hết cán bộ y tế thôn bản ở đây đều tỏ ra không mặn mà với công việc của mình, nhưng vì lòng yêu nghề nên cán bộ y tế thôn vẫn chấp nhận theo nghề.

Người đồng hành của đồng bào

Xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên có 20 bản, có những bản cách xa trung tâm xã cả chục cây số, giao thông đi lại hết sức khó khăn. Chị Nông Thị Điệp, Trạm trưởng Trạm y tế xã Pú Nhi cho biết: Vừa mới có ca sinh và ngộ độc thuốc tẩy được cấp cứu và điều trị tại đây. Nhưng do nhà xa, bệnh nhân không chịu nằm điều trị tại trạm nên chúng tôi buộc phải cho về. Lúc này chủ yếu chỉ trông chờ vào lực lượng y tế thôn bản. Toàn xã hiện có 19 cán bộ y tế thôn bản là chính những người dân ngay tại bản và được tập huấn các kiến thức y tế cơ bản nhất. Ở đây, hầu hết người dân chỉ lên trạm y tế khi đã trong tình trạng nguy cấp.
 
Hoặc có lên khám thì chủ yếu là những hộ dân ở ngay gần trung tâm xã. Vì vậy, lực lượng y tế thôn bản vẫn là lực lượng nòng cốt. Ngoài việc nắm tình hình dịch bệnh trong bản; thường xuyên thông tin hai chiều với trạm y tế về dịch bệnh; y tế thôn bản cũng chính là những cộng tác viên dân số đắc lực, tuyên truyền các biện pháp KHHGĐ cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ; tuyên truyền về phòng chống suy dinh dưỡng cho các bà mẹ nuôi con dưới 5 tuổi...

Ông Hạ A Công, cán bộ y tế bản Phù Lồng, xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên nói: Nhiều lúc muốn bỏ việc lắm, cũng xin nghỉ mấy lần rồi. Nhưng mà cán bộ trạm y tế cứ động viên nhiều, mình cũng đang quen việc nên lại làm tiếp. Cũng vì bà con mình thôi. Chia sẻ khó khăn trong công việc của mình, ông Công cũng cho biết: Với người Mông, việc tuyên truyền bằng miệng không có hiệu quả. Họ thường thích học theo những gì họ đã thấy thực tế. Nhưng do bản chưa có điện, hệ thống phát thanh, truyền hình chưa có nên tuyên truyền chay bà con nghe xong lại bỏ ngoài tai, không chịu làm theo. Tờ rơi, áp-phích thì họ không biết đọc nên cũng không hiểu, chỉ nhìn thấy hình đẹp thì thích.

Hiện nay, một số địa phương đã tạo điều kiện cho nhân viên y tế thôn bản kiêm nhiệm thêm nhiều công việc khác như: cộng tác viên dân số, cán bộ mặt trận,… để giảm phần nào áp lực kinh phí. Song từ đó lại gia tăng khối lượng công việc và ảnh hưởng đến chất lượng công việc chính là chăm sóc sức khỏe bà con... Về lâu dài, rất cần các cấp chính quyền có những chính sách quan tâm phù hợp để cán bộ y tế thôn, bản thực sự phát huy hiệu quả và gắn bó lâu dài với nghề.  

Bài, ảnh:Lê Hòa


Ý kiến của bạn