COVID-19 diễn biến khó lường
Thế giới đã vượt qua mốc 17 triệu ca nhiễm COVID-19, số ca nhiễm theo ngày đã leo lên một đỉnh mới. Chỉ trong 1 ngày, số ca nhiễm mới đã vượt 260.000 ca, với hơn 6.200 trường hợp tử vong. Dịch bệnh COVID-19 diễn biến cực kỳ nghiêm trọng, nhiều chuyên gia dịch tễ cho biết, đợt dịch này còn mạnh và nguy hiểm hơn đợt dịch COVID-19 trước đây.
Mỹ vẫn là tâm dịch của thế giới với hàng chục nghìn ca mắc mỗi ngày, số người chết vượt qua 150.000 trường hợp. Trong ngày 29/7, Mỹ ghi nhận 1.456 trường hợp tử vong, mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ ngày 27/5. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất trong 2 tháng qua, chỉ trong 11 ngày, Mỹ có thêm 10.000 người phải “bỏ mạng” vì dịch bệnh. Cứ mỗi phút trôi qua lại có một người Mỹ tử vong vì COVID-19, tỷ lệ tử vong trên đầu người ở Mỹ là 45 người tử vong/100.000 người nhiễm.
Người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Harris nhận định, việc không tuân thủ các nguyên tắc về giãn cách là nguyên nhân dẫn đến bùng phát các trường hợp COVID-19 ở nhiều nước. Người phát ngôn của WHO cho rằng, không nên cho đây là làn sóng thứ hai hay thứ 3 bởi “sự thật là con virus vẫn luôn quanh quẩn chúng ta. Nó sẽ trồi lên và lặn xuống một chút” - bà Margaret Harris nói, dịch bệnh COVID-19 vẫn luôn “chờ đợi các cơ hội”.
Dịch bệnh có thể làm sụp đổ hệ thống y tế.
Hệ thống y tế “gồng mình” ứng phó
Trong khi vắc-xin phòng COVID-19 vẫn chưa xuất hiện, nền kinh tế nhiều nước gặp khó khăn, các quốc gia phải huy động hết nguồn lực của mình để ứng phó với dịch bệnh.
Châu Mỹ vẫn là tâm điểm của dịch bệnh. Trong đợt bùng phát dịch vài tháng trước Mỹ đã từng có giai đoạn lâm vào tình trạng hệ thống y tế bị quá tải, thiếu các trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế, thiếu máy thở và trang thiết bị điều trị, bệnh viện dã chiến “mọc” lên nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Trong tình hình hiện nay, dịch bệnh đang khiến hệ thống y tế của quốc gia đứng đầu thế giới về kinh tế là Mỹ “lao đao”. 14 tiểu bang ở Mỹ cho biết đã sử dụng tới 70% năng lực các cơ sở điều trị tích cực. Tại bang Texas đã ngừng thông báo về những bệnh viện có thể nhận bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện nhi ở Houston phải nhận điều trị cả người lớn, lực lượng quân y cũng được huy động để hỗ trợ các bác sĩ. Nhiều bệnh viện trở nên quá tải, các bác sĩ là người quyết định ai được điều trị và ai phải đưa về nhà chờ chết. Trong khi đó ở Arizona, số giường của đơn vị chăm sóc đặc biệt đã hết 90%, nhà xác hết chỗ trống, người ta phải huy động xe tải đông lạnh để trữ thi thể. Hệ thống y tế ở một số bang bị lâm vào tình trạng quá tải.
Cũng tại châu Mỹ, như ở El Salvador, nhất là ở thủ đô - nơi số bệnh nhân đang gia tăng nhanh chóng, đã xuất hiện tình trạng người dân khó có thể tiếp cận cơ sở y tế, thậm chí ghi nhận nhiều trường hợp tử vong mà không thể đến bệnh viện. Tại quốc gia này, hệ thống cứu thương, các bệnh viện đang hoạt động hết công suất.
Ở Hong Kong, Trưởng đặc khu hành chính Carrie Lam đã lên tiếng cảnh báo, hệ thống y tế của Hong Kong có thể sụp đổ trước sự bùng phát của dịch COVID-19 trong cộng đồng. Bộ trưởng Y tế Malaysia ông Datuk Seri Dr Adham Baba mới đây cũng xác nhận có tình trạng nhân viên y tế phải làm việc trong điều kiện thiếu trang thiết bị bảo vệ cá nhân. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC) cảnh báo, do sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, một số quốc gia châu Phi thiếu trang thiết bị bảo vệ cho nhân viên y tế. Tại Iraq, một số khu vực, nhân viên y tế còn bị nợ lương, làm việc ít nhất 10 tiếng mỗi ngày, thậm chí chỉ được phát 5 khẩu trang N95 mỗi tháng hoặc phải bỏ tiền túi ra mua đồ bảo hộ cá nhân... Tất cả những lý do trên khiến hệ thống y tế của nhiều quốc gia bị ảnh hưởng trầm trọng, thậm chí có nguy cơ bị sụp đổ.