Y tế Thanh Hóa tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

09-08-2019 06:36 | Thời sự
google news

SKĐS - Từ ngày 30/7 đến ngày 4/8/2019, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, kết hợp với hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới, khu vực tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra giông lốc kèm theo mưa lớn, gây nhiều thiệt hại về người, nhà cửa, hoa màu làm hư hỏng các công trình giao thông, thủy lợi, đê điều,... ở các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Vĩnh Lộc,...

Đặc biệt là tại huyện Quan Sơn, Mường Lát, lũ đã làm 16 người chết và mất tích, 5 người bị thương; gần 1.300 ngôi nhà bị ngập trong nước, 402 ngôi nhà bị đổ sập, bị cuốn trôi và hư hỏng nặng; 27 ngôi nhà đang trong tình trạng nguy hiểm phải di dời khẩn cấp; hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập; hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị chết, bị cuốn trôi; nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, trường học, trạm y tế, công trình công cộng, hệ thống thông tin viễn thông bị hư hại nặng nề, nhiều tuyến đường bị sạt lở dẫn đến nhiều xã bị cô lập, hàng nghìn gia đình hiện đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn về nhà ở và cuộc sống.

Lãnh đạo Sở Y tế Thanh Hóa do ông Trịnh Hữu Hùng - Giám đốc Sở Y tế cùng đoàn công tác đã trực tiếp đến kiểm tra, giám sát và chỉ đạo công tác cứu chữa bệnh nhân, phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường sau mưa lũ tại huyện Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Đoàn công tác đã trực tiếp khám bệnh, thăm hỏi và tặng quà động viên các bệnh nhân đang  điều trị tại “bệnh viện dã chiến” ở Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn). Được biết , tại bản Sa Ná, xã Na Mèo hiện có tổ cấp cứu cơ động gồm 8 cán bộ của Trung tâm Y tế huyện Quan Sơn và BVĐK huyện Quan Sơn thường trực khám, cấp cứu, cấp phát thuốc và xử lý nguồn nước sinh hoạt cho người dân.

Trước đó, để kịp khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cơ sở y tế tổ chức việc trực ban, sẵn sàng cấp cứu tai nạn do mưa lũ gây nên; chuẩn bị triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho nhân dân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ; lập kế hoạch chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống.

Bên cạnh đó, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đã giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền,  hướng dẫn người dân các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước sinh hoạt, vệ sinh thân thể, vệ sinh ăn uống trong mùa mưa lũ. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động giám sát và phòng chống dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh thường xảy ra sau khi nước rút; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về phương tiện, nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất phòng chống bão lụt, sẵn sàng chi viện và hỗ trợ cho các điạ phương khi có yêu cầu.


Ngọc Hùng
Ý kiến của bạn