Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trao đổi với TTND. TS. BS Trịnh Hữu Hùng - Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh hiện nay.
PV: Xin ông cho biết, đến nay, toàn tỉnh đã tiêm được bao nhiêu liều vaccine COVID-19? Tỷ lệ tiêm chủng đạt bao nhiêu %?
TS. Trịnh Hữu Hùng: Cho đến thời điểm hiện tại, Thanh Hóa đã tổ chức được 03 đợt tiêm chủng với 113.852 lượt tiêm trong tổng số 104.730 liều vaccine được tiếp nhận. Cụ thể:
- Đợt 1 (22/4-07/5): tỉnh đã tiếp nhận 22.650 liều vaccine ( trong đó dân sự 20.200 liều; LLVT 2.450 liều) đã tiêm được cho 26.402 người.
- Đợt 2 (16/6-20/6): đã tiêm được cho 22.639 người trong tổng số 19.730 liều vaccine tiếp nhận.
- Đợt 3 (triển khai từ 06/8/2021 đến 12/8) cho đến đến 12h00 ngày 12/8 tỉnh đã tiêm được 64.811 người (bao gồm cả mũi 1 và mũi 2 cho người đã tiêm đợt 1) trong tổng số 62.070 liều được tiếp nhận.
Sở dĩ số liều vaccine đã tiêm chủng cao hơn số vaccine tiếp nhận là do vaccine đóng lọ dư để phòng hao phí, trên lý thuyết 10 liều/lọ nhưng thực tế tiêm được cho 11-12 người/lọ, vẫn đủ liều theo hướng dẫn của Chương trình Tiêm chủng quốc gia.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, lượng vaccine triển khai tiêm chủng trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo độ bao phủ, chưa đáp ứng công tác phòng bệnh chủ động trước tình hình dịch hiện nay. Tỷ lệ tiêm chủng đến nay mới chỉ đạt 2,1% dân số của tỉnh, chưa đạt so với yêu cầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và mong muốn của nhân dân.
Đến nay, tỉnh Thanh Hóa mới được cung ứng 104.730 liều vaccine, đạt 41% so với dự kiến. Do vậy, Sở Y tế cũng đề nghị Ban chỉ đạo Quốc gia cung ứng thêm vaccine phòng COVID-19 đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trước mắt, đáp ứng đủ nhu cầu cho trên 750.000 đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.
PV: Sở Y tế đã có chuẩn bị gì cho những đợt tiêm chủng tiếp theo?
TS. Trịnh Hữu Hùng: Để chuẩn bị cho những đợt tiêm chủng tiếp theo, Sở đã lập kế hoạch và triển khai chiến dịch tiêm chủng với năng lực tiêm tối thiểu là 75.450 liều/ngày và sẵn sàng nâng lên gấp 3 năng lực tiêm chủng hiện tại khi có sự phân bổ vaccine từ Trung ương nhiều hơn.
PV: Về năng lực xét nghiệm hiện nay của tỉnh như thế nào? Thưa ông.
TS. Trịnh Hữu Hùng: Tính đến ngày 17/8, tỉnh đã thực hiện tổng số mẫu xét nghiệm RT PCR là 122.975 mẫu/67.835 người.
Để chuẩn bị tinh thần xét nghiệm với số lượng lớn trên địa bàn, Sở Y tế đã dự trù bổ sung số vật tư, hóa chất, test kít để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm. Tuy nhiên, hiện số cơ sở y tế được cấp phép thực hiện xét nghiệm khẳng định Realtime-PCR chưa đáp ứng được công tác xét nghiệm giai đoạn hiện nay, cả tỉnh chỉ có 03 cơ sở là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Đa khoa Tỉnh và Bệnh viện đa khoa Hợp Lực được cấp phép.
Trong khi đó hình thức xét nghiệm Test nhanh có độ tin cậy thấp, chưa mang lại hiệu quả trong công tác phòng chống dịch. Do vậy, công tác xét nghiệm chưa đảm bảo tiến độ, số lượng mẫu/ngày thực hiện xét nghiệm chưa đạt chỉ tiêu.
Hơn nữa, nhân lực y tế phục vụ cho công tác lấy mẫu đối tượng cách ly tại nhà khó triển khai, nhân viên y tế phải đến từng hộ gia đình thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, càng khó thực hiện hơn nữa đối với khu vực miền núi Thanh Hóa.
Qua đây, Sở Y tế cùng đề nghị các cấp có thẩm quyền tăng cường nhân lực, vật tư trang thiết bị cho công tác xét nghiệm, mở rộng năng lực xét nghiệm trên địa bàn tỉnh để đáp ứng với tình hình dịch COVID hiện nay.
PV: Thời gian gần đây, đã xuất hiện một số ca nhiễm trong cộng đồng, Sở Y tế đã có những biện pháp gì để tăng cường công tác phòng chống dịch trên địa bàn?
TS. Trịnh Hữu Hùng: Hiện tại (tới hết ngày 17/8) trên địa bàn tỉnh có 136 người đang cách ly điều trị (trong đó bao gồm F0 và các trường hợp nguy cơ cao), hơn 6 nghìn người đang cách ly tập trung theo dõi và hơn 11 nghìn người cách ly tại nhà.
Dự kiến số bệnh nhân và số người cách ly tập trung sẽ còn tăng cao trong thời gian tới, bởi hiện nay theo khảo sát số người từ vùng dịch có nguyện vọng trở về quê thanh Hóa là rất lớn, khoảng hơn 30 nghìn người.
Trước tình hình đó, tỉnh đã xây dựng kịch bản đáp ứng cách ly, điều trị trong trường hợp có nhiều ca bệnh lây nhiễm cộng đồng trong các tình huống có 500 F0; có 1.000 F0 và trên 3.000 F0 cùng một thời điểm trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, tỉnh có 154 khu cách ly sẵn sàng hoạt động với khả năng thu dung 16.301 người. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai đồng thời nhiều biện pháp như:
Dự phòng phương châm 4 tại chỗ ở cấp cơ sở để điều trị cho các bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng lâm sàng khi tình huống dịch phức tạp, khó kiểm soát, số lượng ca mắc tăng nhanh hơn khả năng đáp ứng của tuyến tỉnh. Tỉnh cũng thiết lập 3 Trung tâm Hồi sức tích cực tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phổi và Bệnh viện đa khoa Khu vực Ngọc Lặc để cấp cứu, điều trị các trường hợp bệnh nặng, nguy kịch.
Đồng thời, rà soát, tăng cường đào tạo, tập huấn huy động nguồn nhân lực y tế từ Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa, Trường Cao đẳng y tế Thanh Hóa, sẵn sàng tham gia công tác PCD trong tình huống dịch diễn biến phức tạp.
Các biện pháp chủ động phòng dịch COVID-19 cũng được tăng cường. Sở Y tế đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm soát người đến, trở về từ các tỉnh, thành phố có dịch, mở rộng quy mô và tổ chức tốt hoạt động các khu cách ly tập trung; chủ động rà soát từ sớm, từ xa để có phương án cách ly phù hợp cho những người có dự định trở về Thanh Hóa.
Tiếp tục tổ chức rà soát truy vết các trường liên quan đến các chuyến bay, chuyến xe, điểm dịch có bệnh nhân dương tính. Tăng cường các hoạt động giám sát người ra vào tại các cửa khẩu.
Đẩy mạnh truyền thông về phòng, chống dịch, chú trọng truyền thông về thực hiện thông điệp 5K, cài đặt và sử dụng các ứng dụng khai báo y tế tự nguyện, ứng dụng Bluezone, NCovi...
Phối hợp với các ngành, các cấp xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân khi có tình huống giãn cách xã hội.
Tuy nhiên công tác điều trị hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Cụ thể: Số lượng bệnh nhân COVID-19 dự báo tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, tình trạng quá tải bệnh viện, bệnh nhân phải ở ghép… là những nguy cơ lây lan và tăng nặng mức độ bệnh.
Hiện nay tỉnh mới có 01 cơ sở là Bệnh viện Phổi thực hiện chức năng điều trị bệnh nhân COVID-19. Kế hoạch, phương án đáp ứng trong công tác điều trị Sở Y tế đã xây dựng và hoàn thiện, tuy nhiên, hiện chưa triển khai thực hiện.
Công tác chuẩn bị cho điều trị ca bệnh nặng: toàn tỉnh chỉ có 02 hệ thống ECMO và khoảng 500 máy thở các loại. Có 11 bệnh viện công lập có hệ thống oxy hóa lỏng; các khu cách ly ở cấp huyện, cấp xã phần lớn có quy mô nhỏ nên phải phân tán lực lượng tổ chức khu cách ly.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!