Y tế tham gia khắc phục hậu quả sau bão

09-08-2013 21:40 | Tin nóng y tế
google news

Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6 đã gây mưa to đến rất to ở các địa phương phía Bắc, gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Y tế các địa phương đang gấp rút khắc phục hậu quả sau bão, hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...

Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6 đã gây mưa to đến rất to ở các địa phương phía Bắc, gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Y tế các địa phương đang gấp rút khắc phục hậu quả sau bão, hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...

Y tế tham gia khắc phục hậu quả sau bão 1Khuôn viên Bệnh viện E nước tràn ngập. (Ảnh chụp sáng 9/8).        Ảnh: PV

* Tại Phú Thọ, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6 trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to đến rất to, sáng 9/8, trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống, ông Hồ Đức Hải, Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, một trạm y tế xã thuộc huyện Thanh Sơn bị gió lốc làm đổ tường bao, ngoài ra không có thiệt hại về người. Ngành y tế Phú Thọ đã yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn chủ động. Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị từ tuyến tỉnh, huyện tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc phòng, chống và khắc phục hậu quả sau bão tại các địa phương. Tại các địa phương bị ngập úng, các đơn vị trong ngành đã tập trung khẩn trương khắc phục hậu quả, tiến hành thu gom rác, phế thải, xử lý môi trường phòng chống dịch bệnh. Là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 6, tỉnh Thanh Hóa ước tính thiệt hại khoảng 167 tỷ đồng. Về phía ngành y tế, ông Hoàng Sỹ Bình, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, tính đến sáng ngày 9/8, báo cáo nhanh của các huyện đều không có thiệt hại lớn cho ngành y tế. Hiện nay, đề phòng hoàn lưu của bão, Sở Y tế đã chỉ đạo các trung tâm y tế huyện miền núi kiểm tra những khu vực xung yếu, yêu cầu các xã có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực đề phòng bị cô lập.

*  Tại Hà Tĩnh, bên cạnh những thiệt hại do bão gây ra ở các huyện đồng bằng ven biển, các trận mưa lớn đã xảy ra trên diện rộng. Lượng mưa đo được tại huyện miền núi Hương Khê đạt 110mm. Theo dự báo, mưa do hoàn lưu bão dễ gây ra lũ quét và sạt lở đất ở các huyện miền núi. Theo bà Phan Thị Ninh, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh, hiện nay ngành y tế đã chỉ đạo các trung tâm y tế địa phương bám sát diễn biến tình hình thời tiết địa phương, phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão các huyện lập các đoàn công tác đi kiểm tra phòng chống lụt bão tại các xã trọng điểm, xây dựng phương án di dời dân khi có tình huống xảy ra.

* Tại Hà Nội, trao đổi qua điện thoại với PV, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, mặc dù không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 6 nhưng Hà Nội cũng phải hứng chịu những cơn mưa to kéo dài. Ghi nhận từ các địa phương báo về đều không có thiệt hại đối với các cơ sở y tế. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV báo SK&ĐS, nhiều tuyến phố của Hà Nội ngập chìm trong biển nước, do đó đã ảnh hưởng đến một số cơ sở khám chữa bệnh. Tại Bệnh viện E, nước ngập mênh mông lối đi, sân bệnh viện, nước tràn vào khu hành chính. Ngay từ sáng sớm ngày 9/8, các nhân viên y tế của bệnh viện đã thay phiên vệ sinh, khơi thông dòng chảy thoát nước, đảm bảo công tác khám chữa bệnh diễn ra bình thường.

* Tại Nam Định, lãnh đạo Sở Y tế Nam Định cho biết, ngành y tế tỉnh này đã chủ động triển khai công tác khắc phục hậu quả sau bão như hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi bão vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm...

PV - CTV


Ý kiến của bạn