Với các tình huống được phân công trong diễn tập, Sở Y tế Thái Bình đã huy động 50 cán bộ, y, bác sĩ, 12 xe cứu thương và 2 xe ô tô với đầy đủ trang thiết bị, thuốc, hóa chất, vật tư y tế ở 10 đơn vị y tế trực thuộc tham gia việc cứu thương, chuyển thương, cứu sập đổ công trình nhà cao tầng, thảm hoạ tại khu vực cháy nổ, hoá chất độc và chăm sóc điều trị cho người bị thương, bị nạn trong diễn tập.
TS Phạm Quang Hoà - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình cho biết: Trong tình huống giả định khẩn cấp về thiên tai, bão mạnh đổ bộ vào đất liền người bị thương nhiều, quá tải cơ sở y tế, ngành Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập Bệnh viện dã chiến dự bị động viên, với 70 nhân lực, trang thiết bị đảm bảo thực hiện vận hành bệnh viện dã chiến với năng lực 200 giường bệnh.
Đồng thời huy động toàn bộ xe cứu thương tham gia vận chuyển người bị thương, bị bệnh. Thành lập 424 tổ cứu thương lưu động, các đội cấp cứu ngoại viện, mỗi tổ 3-4 người để sẵn sàng cấp cứu người bị thương đưa vào viện. Huy động sinh viên đang học tại trường Đại học Y Dược Thái Bình, Trường Cao đẳng Y tế tham gia công tác sơ cấp cứu, chuyển thương.
Việc xử lý môi trường, phòng chống dịch sau bão cũng được Sở Y tế xây dựng cụ thể, trong đó chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm y tế huyện, thành phố tăng cường tuyền truyền vệ sinh môi trường sau bão; tổ chức vệ sinh, xử lý môi trường tại các khu vực nguy cơ để phòng tránh bệnh truyền nhiễm, bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa.
Kết thúc diễn tập, ngành Y tế Thái Bình đã được lãnh đạo Quân khu 3, và các ban, ngành đánh giá cao về sự chuẩn bị chu đáo, chủ động, tích cực khi xây dựng kế hoạch, chương trình trước và trong diễn tập.