Mưa lớn liên tục trong những ngày qua đã gây ngập lụt nghiêm trọng tại hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Nhiều huyện của các địa phương này đang bị cô lập, giao thông chia cắt. Trước tình hình đó, ngành y tế Quảng Ngãi và Bình Định đã khẩn trương bám sát tình hình diễn biến của thời tiết, kịp thời chỉ đạo các đơn vị y tế trong tỉnh tăng cường nhân lực, vật lực theo phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng cấp cứu người bệnh. Phóng viên (PV) báo SK&ĐS đã phỏng vấn BS. Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi và BS. Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế Bình Định về công tác y tế trong mưa, lũ.
BS. Lê Quang Hùng - Giám đốc Sở y tế Bình Định.
PV: Thưa ông, những ngày qua mưa lũ diễn ra trên diện rộng trong toàn tỉnh Quảng Ngãi, ông có thể cho biết, công tác y tế của địa phương thời gian qua có vấn đề gì đặc biệt không? Thiệt hại về y tế như thế nào?
BS. Nguyễn Tấn Đức: Nhận thức tình hình thời tiết cuối năm 2016 sẽ có nhiều diễn biến bất thường, ngay khi vào mùa mưa lũ, Sở Y tế đã có Công văn số 2398/SYT-NVY ngày 28/10/2016 về tăng cường công tác đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt. Trong văn bản trên, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị nhân lực, đảm bảo dự trữ đủ thuốc để phòng chống dịch, tổ chức tuyên truyền cho nhân dân các biện pháp ứng phó khi mùa mưa lũ. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã mua dự trữ 9.000kg chloramin B và chuyển cho các địa phương để ứng phó khi có lũ lụt. Thống kê nhanh, chưa đầy đủ, hiện cả tỉnh có hơn 1.500 giếng nước bị ngập, gần 200 nhà tiêu bị ngập, chưa có cơ sở y tế bị thiệt hại. Ngay khi nhận được báo cáo về tình hình mưa lũ, ngày 2/12/2016, trực tiếp tôi đã tổ chức đoàn kiểm tra để xuống địa bàn theo dõi tình hình mưa lụt và triển khai công tác y tế ngay tại cơ sở.
PV: Hiện nay, thời tiết vẫn diễn biến rất khó lường, nước vẫn còn cao, công tác y tế hiện nay có đáp ứng được yêu cầu của nhân dân? Quảng Ngãi có kiến nghị gì với Bộ Y tế hỗ trợ?
BS. Nguyễn Tấn Đức: Chúng tôi đã chỉ đạo y tế tuyến huyện bám sát tình hình diễn biến của thời tiết, bố trí đủ nhân lực ứng trực tại các cơ sở y tế sẵn sàng cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào đồng thời bố trí thêm đội trực tại bệnh viện sẵn sàng tham gia cấp cứu khi có tình huống nguy hiểm. Trung tâm YTDP các huyện lên ngay phương án xử lý nước và vệ sinh môi trường sau lũ theo đúng tinh thần hướng dẫn của Bộ Y tế tại tài liệu “Sổ tay hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt”. Sở Y tế đã chủ động chuẩn bị và triển khai công tác phòng chống bão lũ từ cuối tháng 10/2016 nên thuốc, vật tư tiêu hao về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân, trong quá trình triển khai nếu thiếu chúng tôi sẽ tiếp tục huy động từ nguồn dự trữ của tỉnh và tiếp tục mua bổ sung. Quảng Ngãi rất mong nhận được hỗ trợ từ Bộ Y tế về công tác khám chữa bệnh nếu người dân nhập viện tăng cao, đồng thời trang bị thêm các phương tiện phòng chống dịch cho địa phương. Cụ thể, kính đề nghị Bộ Y tế quan tâm hỗ trợ thuốc hóa chất phòng chống dịch bệnh và một số cơ số thuốc phòng chống bão lũ để sẵn sàng cung ứng cho người dân.
BS. Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi (người đội mũ trắng) và các cán bộ y tế hướng dẫn bà con xử lý nước thải sinh hoạt tại một số điểm ngập lụt.
PV: Xin ông cho biết cụ thể tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra trong những ngày qua ở Bình Định?
BS. Lê Quang Hùng: Từ đầu tháng 12 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có mưa lớn gây lũ lụt ở nhiều nơi, như thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước, Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão... Toàn tỉnh đã có 11 người chết và mất tích do mưa lũ. Trước đó, trong đợt mưa lũ đầu tháng 11, đã có 2 người chết. Đáng chú ý, mưa lũ kéo dài đã gây ngập nhiều địa bàn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt. Theo thống kê của ngành chức năng, chỉ trong đợt mưa lũ đầu tháng 11, toàn tỉnh có đến 1.850 giếng nước bị ngập.
Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là các cơ sở y tế vẫn đảm bảo an toàn, không có thiệt hại gì đáng kể. Công tác khám chữa bệnh vẫn được duy trì tốt ngay cả trong những ngày mưa lũ nghiêm trọng.
PV: Tình trạng ngập kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Ngành y tế tỉnh đối phó với nguy cơ này như thế nào, thưa ông?
BS. Lê Quang Hùng: Cụ thể, TTYT các huyện, thị xã, thành phố phân công các tổ y tế dự phòng về các xã để giám sát, hỗ trợ trạm y tế, nhất là các địa bàn trọng điểm; đảm bảo cung ứng đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị và tài liệu chuyên môn về phòng chống bão lụt cho trạm y tế. Đồng thời, chỉ đạo các trạm y tế triển khai công tác vệ sinh môi trường sau mưa lũ theo phương châm “nước rút đến đâu vệ sinh đến đó”. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh được yêu cầu triển khai công tác giám sát việc xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sau mưa lũ tại các địa phương trong tỉnh, tập trung tại các nơi ngập nặng.
Khi nước vừa rút, Sở Y tế đã tổ chức các đoàn công tác do Giám đốc và các Phó Giám đốc phụ trách tiến hành kiểm tra, giám sát việc khắc phục hậu quả mưa lũ và công tác xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng. Qua đó, yêu cầu cán bộ y tế cơ sở nhanh chóng xử lý nguồn nước để đảm bảo cho người dân có nước sạch sử dụng.
Hiện tại, tình hình mưa lũ vẫn đang diễn tiến phức tạp nên ngành y tế sẽ tiếp tục thực hiện các công việc liên quan đến đảm bảo vệ sinh môi trường, nước uống, vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch. UBND tỉnh Bình Định đã cấp bổ sung cho Sở Y tế 2,9 tỷ đồng để thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Bộ Y tế cũng đã cấp bổ sung hóa chất và phương tiện phòng chống bão lụt cho Sở Y tế.
PV: Xin cảm ơn ông!