Hà Tĩnh, Quảng Bình là hai địa phương gánh chịu hậu quả nặng nề sau đợt mưa lũ lịch sử vừa qua. Đáng lưu ý, hệ thống y tế cũng phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề. Theo thống kê của ngành y tế Quảng Bình, 100% cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, phần lớn là bị tốc mái, vỡ cửa kính; hệ thống điện, nước bị hư hỏng. Một số công trình, hạng mục phục vụ cho công tác thu dung điều trị bệnh nhân ở các bệnh viện bị lũ, lụt phá vỡ, có khoảng 90/159 trạm y tế xã/phường/thị trấn bị ngập nước, ước tính tổng số thiệt hại ban đầu là khoảng trên 40 tỷ đồng.
Tại Quảng Bình: Với phương châm nước rút đến đâu, xử lý vệ sinh môi trường đến đó, những ngày vừa qua, ngành y tế đã tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh. Sở Y tế đã thành lập các đoàn về tận cơ sở và các bệnh viện để chỉ đạo các đơn vị triển khai tốt công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh cũng như các hoạt động thu dung cấp cứu cho người bị tai nạn do hậu quả thiên tai.
Cán bộ y tế Hà Tĩnh hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt . (Ảnh: SYT Hà Tĩnh).
BS. Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình cho biết, cùng với việc nhanh chóng trả lại môi trường sạch cho bà con và chủ động các phương án đối phó khi có dịch bệnh xảy ra, ngành y tế cũng sẽ tiến hành phân bổ kịp thời hóa chất, thuốc men thiết yếu cho các địa phương, tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân các vùng bị thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ. Bên cạnh đó, toàn ngành sẽ tập trung nguồn lực nhằm đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, hoá chất, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để khắc phục hậu quả mưa lũ và chủ động đối phó với các cơn bão mới có thể xảy ra, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người, tài sản. Quyết tâm của ngành là dù khó khăn đến mấy cũng sẽ nỗ lực hết sức để thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị người bệnh.
Tại Hà Tĩnh, theo báo cáo nhanh của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Tĩnh, trong đợt lũ vừa qua, toàn tỉnh có 24 trạm y tế xã, 12.914 giếng nước, 11.659 công trình vệ sinh bị ngập.
BS. Nguyễn Lương Tâm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, đơn vị đã cử đội cơ động phòng chống dịch xuống chỉ đạo trạm y tế xã, nhân viên y tế thôn bản đồng loạt ra quân hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước sinh hoạt, phun hóa chất ở những vùng có nguy cơ xảy ra sốt xuất huyết, phun cloraminB khử khuẩn phòng chống một số bệnh về đường tiêu hóa… Theo đó, tại huyện Hương Khê - rốn lũ của địa phương này, nơi bị ảnh hưởng nặng nhất với hơn 7.000 hộ dân, 4 trạm y tế, 7.226 giếng nước và 7.239 công trình vệ sinh bị ngập, ngay sau khi lũ rút, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã trực tiếp xuống nhà dân hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước để sinh hoạt, đồng thời giúp dân xử lý nguồn nước và phun hóa chất phòng chống sốt xuất huyết, tiêu độc vệ sinh môi trường.