Hà Nội

Y tế Nghệ An làm theo lời Bác dạy

26-02-2020 10:08 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sinh thời, Bác Hồ luôn dành nhiều tình cảm đặc biệt đối với ngành Y tế. Người luôn nhắc nhở các cán bộ y tế “Lương y phải như từ mẫu”. Thực hiện lời dạy của Người, trong những năm qua, ngành y tế Nghệ An không ngừng xây dựng, củng cố, phát triển; làm tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân… Kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, PGS.TS Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ A đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống

PV: Trong thời gian phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua, vai trò của ngành y tế Nghệ An đã được thể hiện rõ nét với nhiều nỗ lực, cố gắng. Là người đứng đầu của ngành, ông có thể nói gì về điều này?

PGS.TS Dương Đình Chỉnh: Được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà giao cho trọng trách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân, mỗi cán bộ y tế nói riêng và ngành y tế nói chung ý thức rõ trách nhiệm của mình để rồi luôn nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt những phần việc của mình. Phòng, chống các loại dịch bệnh và đặc biệt dịch COVID-19 là một trong những nhiệm vụ như thế...

Phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã thực sự là một “cuộc chiến” toàn diện mà ở đó không riêng gì ngành y mà tất cả các cấp, ngành, từ tỉnh xuống xã đã tích cực cùng vào cuộc. Ngay ở cấp xã, việc nắm bắt thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch, giám sát trường hợp nghi ngờ cũng được thực hiện rất sát sao. Chính sự chung tay vào cuộc đồng bộ, đến thời điểm này, phòng chống COVID-19 đã có sự chủ động cao nhất. Song vẫn phải nói rằng: Trong bối cảnh là một tỉnh rộng, giao thông thuận lợi, nơi trung chuyển lớn của người và hàng hóa, lại có nhiều người đi làm ăn xa ở Trung Quốc trở về, Nghệ An may mắn khi chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh.

PGS - TS Dương Đình Chỉnh Giám đốc Sở Y tế Nghệ An thăm hỏi bệnh nhân chạy thận. Ảnh: Thanh Hoa

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An (TTKSBT) được hình thành từ sự hợp nhất của 6 trung tâm dự phòng tuyến tỉnh vào cuối năm 2019. Sự hợp nhất đã giúp cho TTKSBT có đủ nguồn lực từ cơ sở vật chất, phương tiện và con người để phòng, chống dịch bệnh nói chung. Trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, TTKSBT là đơn vị tham mưu chính, cũng như đứng ra thực hiện nhiều giải pháp, phương án. Các y bác sĩ trung tâm đã có nhiều đóng góp, hy sinh thầm lặng.

Và không riêng gì COVID-19, yêu cầu thực tế đang đòi hỏi mỗi cán bộ y tế không ngừng vươn lên mỗi ngày, mỗi giờ. Ở lĩnh vực khám, chữa bệnh, các y bác sĩ phải đối mặt với mô hình bệnh tật ngày thêm một phức tạp; nhu cầu người dân ngày càng cao hơn từ chất lượng khám và điều trị cho đến mô trường bệnh viện. Ở lĩnh vực dự phòng, áp lực đến từ các dịch bệnh mới nổi, tái nổi trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cắt giảm nhiều mà vai trò thì được đề cao và nâng lên.

PV: Sinh thời, Bác Hồ vẫn hằng mong muốn Nghệ An phát triển trở thành tỉnh khá. Để giúp cho Nghệ An vươn lên, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 26 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Để góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26, xây dựng quê hương, ngành y tế Nghệ An đã có những chương trình hành động và kết quả ra sao?

PGS.TS Dương Đình Chỉnh: Triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết số 26-NQ/TW, Sở Y tế đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26 trong toàn ngành. Cùng với đó, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt, ban hành 03 đề án để triển khai thực hiện gồm: Đề án đầu tư hạ tầng y tế trọng yếu giai đoạn 2015 – 2020; Đề án xây dựng, phát triển y tế kỹ thuật cao để thành phố Vinh trở thành trung tâm y tế khu vực Bắc Trung Bộ giai đoạn 2015 – 2020; Đề án phát triển y tế Miền Tây tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 – 2020.

Phẫu thuật điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

Đi vào thực hiện, Y tế Nghệ An đã thu được nhiều kết quả tích cực. Mạng lưới y tế dự phòng đã được củng cố và phát triển, có đủ khả năng dự báo, giám sát, phát hiện và khống chế các dịch bệnh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân. Tỷ lệ xã hoàn thành bộ tiêu chí quốc gia về y tế năm 2019 đạt 90,6%. Mạng lưới khám, chữa bệnh trong thời gian qua đã phát triển thêm một số Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa; trung bình mỗi năm các bệnh viện khám bệnh cho hơn 5 triệu lượt người, công suất sử dụng giường bệnh hàng năm đều trên 100%.

Thực hiện tự chủ tài chính bước đầu phát huy hiệu quả. Y tế ngoài công lập phát triển nhanh, đứng tốp đầu cả nước về xã hội hóa đầu tư. Nhờ đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hiện đại, các bệnh viện đã áp dụng thành công nhiều phương pháp và kỹ thuật mới, hiện đại vào khám và điều trị như: ghép thận, mổ tim, phẫu thuật thần kinh sọ não; các phẫu thuật chuyên sâu trong các chuyên khoa; chụp nong và đặt stent động mạch thận số hóa xoá nền; đặt stent động mạch chủ; nong van hai lá; tiêm botulinum toxine điều trị co thắt nửa mặt và rối loạn vận động; định lượng gen với bệnh máu ác tính; giải trình tự gen bằng kỹ thuật sinh học phân tử;

Trân trọng cảm ơn ông!


An Cát – Khánh Tâm ( thực hiện )
Ý kiến của bạn