Hà Nội

Y tế Nghệ An hướng tới: Công bằng - Chất lượng - Hiệu quả

02-01-2019 12:17 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hướng tới nền y tế công bằng, chất lượng và hiệu quả, năm 2019, y tế Nghệ An tiếp tục tập trung cho y tế cơ sở. Ở tuyến tỉnh, lãnh đạo ngành chỉ đạo các đơn vị nâng cao vị thế với việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị... PGS.TS Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế trao đổi cùng phóng viên

PV: Được biết năm 2018, ngành Y tế Nghệ An tập trung cho cơ sở, xin ông cho biết những hành động cụ thể nhằm nâng cao chất lượng các trạm y tế?

PGS.TS Dương Đình Chỉnh: Với phương châm “y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”, ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII có Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc ​và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.

PGS - TS Dương Đình Chỉnh (thứ 2 từ phải sang) trong lần kiểm tra tiến độ thực hiện mô hình trạm y tế xã điểm

Thực hiện Nghị quyết, Nghệ An đã mạnh dạn xây dựng Đề án triển khai mô hình điểm tăng cường năng lực y tế cơ sở tại 6 Trạm Y tế của huyện Nam Đàn giai đoạn 2018 - 2020. Từ tháng 6/2018, Ngành Y tế triển khai mô hình điểm dựa trên cơ sở bám theo mô hình điểm Trạm Y tế tại 26 xã, phường giai đoạn 2018 - 2020 của Bộ Y tế. Và trong tương lai mô hình điểm tăng cường năng lực y tế cơ sở này sẽ được triển khai cho tất cả các Trạm Y tế trong toàn tỉnh.

Xây dựng mô hình điểm tăng cường năng lực y tế cơ sở, ngành Y tế Nghệ An đã thực hiện hoạt động truyền thông, vận động người dân và cộng đồng tại 6 xã thuộc phạm vi đề án nhận thức rõ ý nghĩa của việc triển khai đề án trên địa bàn; chỉ đạo rà soát, thu thập thông tin về các bệnh không lây nhiễm; thực hiện mua sắm trang thiết bị y tế trị giá 1,2 tỷ đồng... Đặc biệt, ngành đã phối hợp với Trường Đại học Y Dược Hải Phòng mở lớp chuyên khoa định hướng chuyên ngành y học gia đình. Tham gia lớp có 96 bác sĩ đang công tác tại các Trạm Y tế trong tỉnh.

Việc mở lớp chuyên khoa định hướng chuyên ngành y học gia đình là một bước tạo tiền đề mở đường để tăng cường năng lực y tế cơ sở. Khi bác sĩ học xong sẽ được nâng cao tay nghề, được cấp chứng chỉ hành nghề, có thể triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản theo Thông tư số 39/2017/TT – BYT. Sau lớp này, trong năm 2019 - 2020, ngành y tế sẽ tiếp tục mở 1 lớp nữa với sự tham gia của 100 bác sĩ.

Cùng với việc xây dựng mô hình điểm, năm 2018, ngành Y tế còn tập trung nâng cao chât lượng hoạt động y tế cơ sở với việc đầu tư sửa chữa, xây mới 18 Trạm Y tế. Tính đến nay, toàn tỉnh hiện vẫn còn khoảng 70 Trạm Y tế cần xây mới và sửa chữa; tiếp tục tuyển dụng và ưu tiên biên chế cho bác sĩ về xã; tăng cường công tác đào tạo cho cán bộ y tế tuyến xã; tham mưu cho các cấp có chính sách đầu tư cho y tế cơ sở.

PV: Bên cạnh y tế tuyến xã, việc phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện đã được ngành quan tâm đầu tư như thế nào?

PGS.TS Dương Đình Chỉnh: Năm 2018, ngành y tế đã có nhiều chỉ đạo để cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện thực hiện tốt nhiệm vụ. Bản thân các cơ sở cũng đã có sự chủ động, đổi mới để nâng cao chất lượng chuyên môn. Cụ thể: Các cơ sở khám chữa bệnh đã tích cực đổi mới phong cách tinh thần thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Thống kê cho thấy, các cuộc điện thoại gọi về đường dây nóng phản ánh về tinh thần phục vụ của cơ sở tuyến huyện giảm nhiều so với trước đây.

Một ca phẫu thuật tim hở được thực hiện tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An

Các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện đã chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Số lượng bác sĩ, kĩ thuật viên, điều dưỡng được cử đi đào tạo chuyên khoa, chuyên sâu, sau đại học tăng nhiều so với trước đây. Và theo sự chỉ đạo của ngành, các cơ sở y tế cũng chủ động đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị phục vụ phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu bằng nhiều nguồn vốn khác nhau như: nguồn tự chủ, ngân sách tỉnh, nguồn xã hội hóa. Điển hình, Trung tâm Y tế (TTYT) Nam Đàn đã đầu tư sửa chữa phòng khám, xây mới khu chạy thận nhân tạo từ ngân sách địa phương.

Chuyển mình mạnh mẽ, nhiều kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật cao tuyến tỉnh đã được các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện triển khai thành thục. Năm 2018, các cơ sở tuyến huyện đã thực hiện được 56,5% danh mục kỹ thuật theo phân hạng của Bộ Y tế. Dự kiến đến năm 2020, 95% số cơ sở này sẽ thực hiện trên 60% danh mục kỹ thuật... Và trong năm, 6/7 Bệnh viện đa khoa hạng 2 tuyến huyện đã thực hiện tự chủ. Qua thống kê của ngành Y tế và bảo hiểm xã hội, ở tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện, số bệnh nhân tới khám đều tăng từ 120 - 130% so với năm 2017. Số bệnh nhân chuyển tuyến cũng ít hơn.

Ngành y tế Nghệ An đã và đang đẩy mạnh việc thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực y tế tuyến dưới về khám, chữa bệnh. Ở tuyến huyện đã có TTYT huyện Nam Đàn trở thành Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai. Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương, Sở Y tế Nghệ An và huyện Nghĩa Đàn đã ký kết biên bản hợp tác về “ Dự án triển khai và đào tạo chăm sóc sức khỏe ban đầu Nhi khoa”  tại TTYT huyện Nghĩa Đàn.

PV: Xin ông cho biết những định hướng lớn của ngành Y tế Nghệ An trong năm 2019 và những giải pháp cụ thể để thực hiện?

PGS.TS Dương Đình Chỉnh: Để hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững, ngành Y tế Nghệ An xác định năm 2019 là năm bản lề để thực hiện các chỉ tiêu. Về mặt định hướng, ngành Y tế thực hiện quy hoạch mạng lưới y tế dự phòng tuyến tỉnh theo hướng tập trung giảm đầu mối. Năm 2019, ngành sẽ thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh trên cơ sở sáp nhập 6 đơn vị thuộc hệ dự phòng tuyến tỉnh.

Thứ hai, ngành thực hiện quy hoạch mạng lưới khám, chữa bệnh phục hồi chức năng và y học cổ truyền theo địa bàn dân cư, đảm bảo tính hệ thống liên tục; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị với việc xây dựng Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An trở thành Bệnh viện hạng đặc biệt vào năm 2021 - 2022; xây dựng các Bệnh viện chuyên khoa như: Ung bướu, Phổi, Mắt, Chấn thương và Chỉnh hình trở thành Bệnh viện vùng; tăng cường phát triển kỹ thuật chuyên sâu trên cả 2 mảng ở Bệnh viện Sản Nhi; xây dựng các Trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm - mỹ phẩm, Pháp y trở thành Trung tâm vùng theo chủ trương của Bộ Y tế.

Thứ ba, Ngành tiếp tục chỉ đạo cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện phát triển danh mục kỹ thuật, khám, chữa bệnh được tất cả các kỹ thuật thông thường nhằm giảm tải cho tuyến trên. Ở tuyến xã, ngành mở rộng mô hình điểm tăng cường năng lực y tế cơ sở, phấn đấu cuối năm 2019, Nghệ An có từ 15 - 20% số Trạm Y tế xã thực hiện mô hình tăng cường năng lực y tế cơ sở.

Thứ tư, Ngành sẽ tiếp tục chú trọng việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị. Năm 2019 là Bệnh viện Mắt và Bệnh viện Da liễu Nghệ An sẽ thực hiện tự chủ.

Để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, ngành Y tế đã đề ra 2 giải pháp chính:

Với giải pháp nguồn nhân lực, ngành tiếp tục đẩy mạnh thu hút tuyển dụng, ưu tiên biên chế cho tuyến cơ sở. Trong năm 2019, ngành giải quyết dứt điểm việc có 43 bác sĩ về không có vị trí việc làm, đang chờ tuyển dụng ở các Trung tâm tuyến huyện; chú trọng hoạt động đào tạo, nhất là ở các Bệnh viện tuyến tỉnh, cán bộ quản lý ngành y. Đồng thời, ngành cũng tiếp tục luân chuyển, điều động cán bộ tuyến tỉnh tăng cường tuyến huyện, tuyến huyện giúp đỡ tuyến xã theo hướng hiệu quả hơn.

Với giải pháp tài chính, ngành tranh thủ, cố gắng tận dụng nguồn vốn từ Trung ương, các tổ chức Quốc tế; tham mưu cho UBND tỉnh có sự đầu tư cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn; đẩy mạnh giao quyền tự chủ; thúc đẩy và tận dụng các nguồn xã hội hóa. Trong đó chỉ đạo các phòng của Sở Y tế nghiên cứu, xây dựng hành lang pháp lý cho các đơn vị thực hiện xã hội hóa, trình UBND tỉnh phê duyệt, tránh tình trạng “trông chờ” từ nguồn BHYT./.


Bài, ảnh: Từ Thành
Ý kiến của bạn