Thuận lợi cho dân
Chị Lô Thị Bích, 28 tuổi từ xã Châu Hoàn (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) ra Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Quỳ Châu để khám, chữa bệnh (KCB) nhưng lại quên mang theo thẻ bảo hiểm y tế.
Chị Bích hết sức bối rối khi nghĩ đến quãng đường 60 km về nhà lấy thẻ, rồi tiếp tục quay trở lạ KCB.
Biết được nỗi lo này, cán bộ của TTYT đã có mặt, trực tiếp hướng dẫn chị cài đặt ứng dụng VssID trên máy điện thoại thông mình, lấy mã QR từ đây để tiếp tục thực hiện thủ tục KCB.
"Việc cài đặt cũng nhanh lắm. Mình cung cấp mã số thẻ, ảnh chụp, số căn cước công dân…một loáng là xong. Cán bộ y tế dùng máy đọc để quét mã QR và lấy thông tin từ mã. Màn hình máy tính hiển thị hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế của mình. Thế là mình được KCB bình thường. Bảo hiểm Xã hội, trung tâm y tế huyện ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết cho bà con như thế này thì rất tiện ích", chị Lô Thị Bích kể.
Theo bác sĩ Lô Thanh Quý – Phó Giám đốc TTYT huyện Quỳ Châu: Việc sử dụng ứng dụng VssID để KCB được Trung tâm bắt đầu thực hiện từ năm 2021. Ứng dụng này cho phép người dân đi KCB mà quên thẻ, mất thẻ. Việc sử dụng các phần mềm tương tự như VssID là một phần của quá trình chuyển đổi số của ngành y tế và bảo hiểm, đã và đang giảm thiểu sự phiền phức, khó khăn người dân trong quá trình KCB.
Thực hiện chuyển đổi số, ở thời điểm này, TTYT huyện Quỳ Châu đã và đang áp dụng phần mềm KCB bảo hiểm y tế, đảm bảo tốt công tác thanh quyết toán hay nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế cơ sở V20 trong quản lý thông tin y tế cơ sở. Để tạo sự tiện ích hơn cho người dân khi đến KCB, cán bộ công nghệ thông tin của Trung tâm đang viết phần mềm giúp người dân có thể đăng ký KCB trước qua cổng điện tử của đơn vị, giảm thời gian chờ đợi. Phần mềm này dự kiến đưa vào áp dụng trong năm 2023… Trung tâm cũng đang hướng tới việc triển khai bệnh án điện tử trong thời gian tới.
Xây dựng đơn vị y tế thông minh
Thời gian qua, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu trong công tác chuyên môn, như hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật mạng nội bộ, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành; phối hợp thành quyết toán chi phí KCB với cơ quan bảo hiểm y tế; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt…. đặc biệt là triển khai bệnh án điện tử.
Bệnh án điện tử chính là phiên bản số hóa của hồ sơ bệnh án giấy. Theo đó, toàn bộ các thông tin dữ liệu về người bệnh, quá trình thăm khám, điều trị của bệnh nhân đều được ở dạng số.
Nhân viên y tế tạo lập hồ sơ bệnh án trên phần mềm. Bệnh nhân/đại diện người bệnh dùng vân tay để ký điện tử. Thông qua bệnh án điện tử, bác sĩ có thể chỉ định điều trị kịp thời, chính xác cho bệnh nhân.
TS.BS Tăng Xuân Hải – Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết "Bắt đầu từ 15/7/2020, chương trình số hóa chuyển đổi bệnh án giấy sang bệnh án điện tử đã được triển khai; đến tháng 6/2021, bệnh viện chính thức bỏ bệnh án giấy và thực hiện giám định bảo hiểm y tế.
Việc đưa bệnh án điện tử vào hoạt động cũng giảm thiểu thời gian chờ đợi và thủ tục cho bệnh nhân và người nhà. Việc tương tác giữa người bệnh với nhân viên y tế cũng được thay đổi qua các thiết bị điện tử thông minh một cách nhanh chóng, thuận tiện và dễ dàng.
Với một chiếc điện thoại thông minh, bệnh nhân có thể xem kết quả xét nghiệm, đặt lịch khám, thanh toán điện tử... mọi lúc, mọi nơi".
Được biết, bệnh án điện tử được triển khai mang lại nhiều lợi ích: Bệnh nhân không còn phải mang nhiều loại giấy tờ khi đi KCB; việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế minh bạch, không còn tình trạng trục lợi thẻ bảo hiểm y tế; khi ứng dụng thẻ từ thông minh để tiếp đón bệnh nhân rút ngắn thời gian tiếp đón từ khoảng 3 phút/1 bệnh nhân xuống còn từ 5-10 giây/1 bệnh nhân; khi áp dụng khai báo vân tay trong khám bệnh rút ngắn thời gian tiếp đón người bệnh, tiết kiệm chi phí cho cả người bệnh và cho cả bệnh viện; thông tin của bệnh nhân được cập nhật thường xuyên, có thể liên thông nội dung, tình trạng bệnh cho các khoa trong bệnh viện hoặc liên viện, từ đó giúp chăm sóc sức khỏe cho người dân được tốt hơn
Việc triển khai bệnh án điện tử là bước đột phá quan trọng để chuyển đổi số hóa ngành Y tế, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Ở Nghệ An, không riêng Bệnh viện Sản Nhi, đã có rất nhiều bệnh viện đã lấy việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là bước đột phá trong chiến lược phát triển bền vững.
Trước Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, BVĐK Thành phố Vinh và BVĐK Quang Khởi cũng đã triển khai thành công bệnh án điện tử (là 2 trong 10 bệnh viện của cả nước được vinh danh là các đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số y tế Quốc gia năm 2020).
Theo báo cáo của ngành Y tế Nghệ An: Trong năm 2022, có 4 bệnh viện ở tỉnh tiếp tục triển khai bệnh án điện tử (BVĐK Tây Bắc, Bệnh viện Y học Cổ truyền, Bệnh viện Nội Tiết và Bệnh viện Mắt Nghệ An).
Bên cạnh bệnh án điện tử, các đơn vị y tế trong tỉnh cũng đã và đang xây dựng đơn vị y tế thông minh với việc 100% các cơ sở KCB tỉnh/huyện/xã, các bệnh viện tư nhân, bệnh viện bộ ngành trên địa bàn Nghệ An đã sử dụng phần mềm quản lý thông tin tổng thể bệnh viện trong công tác quản lý bệnh viện; 100% các cơ sở KCB đã triển khai phần mềm lưu trữ, truyền tải và hội chẩn hình ảnh y khoa, liên thông xét nghiệm hai chiều; kết nối liên thông dữ liệu KCB và thanh toán bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội thông qua hệ thống giám định điện tử; áp dụng công nghệ thông tin vào đăng ký khám bệnh trực tuyến; triển khai việc cấp phát và sử dụng thẻ khám bệnh thông minh giúp người dân đăng ký lấy số khám bệnh từ xa, giảm sự chờ đợi, giảm ùn tắc chờ đợi cho bệnh nhân…
Tiến tới số hóa ngành y tế - "người thầy thuốc số"
Theo đại diện Sở Y tế Nghệ An: Trong những năm qua, y tế Nghệ An là một trong những đơn vị dẫn đầu về công tác chuyển đổi số của ngành y tế Việt Nam (được Bộ Y tế biểu dương năm 2020) và tỉnh Nghệ An.
Phát huy những thành tích đã đạt được, thời gian qua, việc chuyển đổi số tiếp tục được đẩy mạnh, phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý, điều hành, quản trị bệnh viện, giám sát dịch bệnh, quản lý sức khỏe cho người dân…
Ngay cả trong thời gian dịch COVIDd-19, chuyển đổi số được thực hiện một cách quyết liệt. Cụ thể, ứng dụng hệ thống Tele Conference giao ban trực tuyến và hệ thống hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa được áp dụng triệt để. Các điểm cầu từ bệnh viện tuyến tỉnh của Nghệ An đã được kết nối với bệnh viện trung ương, cũng như kết nối với bệnh viện tuyến dưới. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành, nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo nhưng không thể chuyển tuyến đã được cứu sống.
Năm 2022, số hóa ngành y tế Nghệ An đã và đang thực hiện một số chương trình lớn, bao gồm: Phối hợp cùng ngành Bảo hiểm xã hội sử dụng căn cước công dân có gắn chíp, ứng dụng VssID để KCB bảo hiểm y tế; triển khai việc cấp phát và sử dụng thẻ khám bệnh thông minh giúp người dân đăng ký lấy số khám bệnh từ xa nhằm giảm thiểu sự phiền phức, khó khăn người dân trong quá trìnhKCB…
Tại tuyến y tế cơ sở, ngành đã triển khai 2 ứng dụng Công nghệ thông tin là phần mềm quản lý Hồ sơ sức khỏe điện tử và phân mềm H-MIS quản lý KCB.
Ở thời điểm này, việc sử dụng căn cước công dân có gắn chíp, ứng dụng VssID để KCB bảo hiểm y tế đã bước đầu phát huy hiệu quả tốt. Tất cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn đã sử dụng thành thục phần mềm quản lý khám chữa bệnh. Phần mềm quản lý Hồ sơ sức khỏe điện tử đã khởi tạo được hơn 96% người dân trên địa bàn. Trong đó, hơn 70% hồ sơ khởi tạo có dữ liệu khám chữa bệnh.
Tuy nhiên vẫn phải nói rằng, việc số hóa ngành y tế Nghệ An vẫn gặp nhiều khó khăn. Dược sĩ CKII Trần Minh Tuệ - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Dữ liệu các nền tảng của y tế chưa đồng bộ kết nối liên tục với cơ sở dữ liệu về dân cư căn cước công dân, dẫn đến các cơ sở dữ liệu còn thiếu kết nối chia sẻ, gây khó khăn vướng mắc trong khi triển khai các nền tảng như: Tiêm chủng COVID-19; hồ sơ sức khỏe điện tử, quản lý KCB H-MIS tại y tế cơ sở.
Các văn bản quy định việc triển khai công nghệ thông tin trong y tế còn chậm chưa đáp ứng thực tiễn. Ví dụ như việc quy định tính pháp lý trong chuyên môn y tế khi triển khai tư vấn, khám chữa bệnh từ xa; tính pháp lý của Sổ sức khỏe điện tử. Đặc biệt, hiện chưa có Cổng hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia, nên việc kết nối nền tảng hồ sơ sức khỏe giữa các địa phương chưa thực hiện được. (Dữ liệu trên hồ sơ sức khỏe điện tử đang là nguồn dữ liệu độc lập của Nghệ An).
Thực tế cho thấy việc đầu tư, tái đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và triển khai bệnh án điện tử khó đáp ứng lộ trình theo Thông tư 46/2018/TT- BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế về việc quy định bệnh án điện tử.
Các đơn đơn vị KCB không biết lấy từ nguồn nào để đầu tư hạ tầng, đầu tư phần mềm vì hiện nay chi phí đầu tư công nghệ thông tin chưa được cơ cấu vào giá dịch vụ y tế; chưa có căn cứ xây dựng giá về giá phần mềm công nghệ thông tin, nên quá trình triển khai, các đơn vị không có cơ sở để xây dựng giá thuê, giá đầu tư và có thể dẫn đến sai phạm.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Trần Minh Tuệ cũng nêu rõ: Trong khó khăn này, thời gian tới, ngành yêu cầu các đơn vị KCB cũng căn cứ khả năng, rà soát các tiêu chí tại Thông tư 54/2017/TT-BYT để từng bước triển khai bệnh án điện tử đáp ứng lộ trình tại Thông tư 46/2018/TT-BYT về bệnh án điện tử; tham mưu, đề xuất cho Bộ Y tế, UBND tỉnh ban hành những cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số một cách mạnh mẽ hơn để hình thành môi trường số, "người thầy thuốc số".