“Chúng tôi tin tưởng rằng hỗ trợ song phương cho Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy quá trình cải cách chính sách trong nhiều lĩnh vực như các quy định pháp luật, quản lý tài chính công và y tế. Chúng tôi cũng hỗ trợ Việt Nam hội nhập vào khu vực, hỗ trợ trực tiếp xã hội dân sự và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, du lịch, biến đối khí hậu và môi trường. EU hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện chất lượng sản phẩm, chú trọng tới vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao tiêu chuẩn, phòng chống cúm gia cầm, hỗ trợ Bộ Y tế dập dịch tốt hơn để đạt phát triển nông nghiệp bền vững. EU hỗ trợ y tế cho Việt Nam, trọng tâm nhằm vào phổ cập chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho các vùng xa xôi, đồng bào dân tộc thiểu số. EU hỗ trợ nâng cấp hệ thống y tế và đào tạo y tế để nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Bản thân tôi đã tới thăm các dự án y tế, các trạm y tế xã và gặp gỡ các y tá, nữ hộ sinh và thấy được sự chuyển biến dịch vụ ở những nơi đây. Tới thăm Điện Biên, tôi nhận thấy mạng lưới nhân viên y tế đã được tăng cường và cảm thấy rất mừng vì nhiều bệnh nhân đồng bào dân tộc thiểu số được thăm khám. |
Tôi đánh giá hợp tác Việt Nam- EU trong lĩnh vực y tế rất hiệu quả, phát huy tối đa các nguồn lực nhờ tài trợ qua ngân sách và qua hệ thống y tế của Việt Nam do đó tiết kiệm chi phí đồng thời lại giúp hệ thống phát triển bền vững. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực y tế và tiến tới đạt các MDG. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với chênh lệch các chỉ số sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, chẳng hạn như giữa các khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên, những vùng nghèo nhất đất nước với phần cư dân còn lại. Uỷ ban châu Âu (EC) phân bổ 40% (trên 120 triệu euro) ngân sách hợp tác phát triển 2007-2013 cho những can thiệp trong lĩnh vực y tế. EU có hai dự án hỗ trợ cho lĩnh vực y tế bao gồm 2 dự án: Hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ cho người nghèo ở vùng núi Tây Bắc và ở Tây Nguyên (HEMA- hoàn tất vào tháng 12/2012) và Nâng cao Năng lực y tế (SCSP) với tổng số vốn gần 33 triệu euro. Ngoài ra, EU cũng đóng góp gần 40 triệu euro thông qua hỗ trợ ngân sách cho ngành y tế, và là nhà tài trợ lớn nhất cho Quỹ Toàn cầu phòng chống lao, AIDS và sốt rét (GFTAM), mà Việt Nam thụ hưởng 9 dự án với tổng ngân sách 95 triệu euro. Giai đoạn 2 hỗ trợ ngân sách ngành cho ngành y tế chương trình 2013 có tổng giá trị 114 triệu Euro. Để chia sẻ về hệ thống chăm sóc sức khoẻ ban đầu ở châu Âu, có thể nói khá khác so với Việt Nam. Ở châu Âu, thường thì khi người dân bị bệnh, họ không tới bệnh viện mà dùng dịch vụ tư nhân hay bác sỹ gia đình. Tuy nhiên, các dịch vụ này đều được bảo hiểm y tế (BHYT) nhà nước chi trả. Do vậy, tiết kiệm ngân sách vì tiết kiệm được chi phí bệnh viện mà lại không gây quá tải bệnh viện. Các nước phát triển ở EU cũng tự hào vì có hệ thống BHYT rất tốt, bao phủ rộng khắp và chi trả cho nhiều loại bệnh chi phí đắt tiền. Cải cách hệ thống chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại Việt Nam cũng là một nội dung được các chuyên gia y tế của EU và Việt Nam đang bàn thảo, tìm hướng đi cho Việt Nam. |
Bích Vân