Vấn đề nan giải bây giờ là sau khi nước rút xử lý môi trường và phòng chống dịch bệnh sau lũ thế nào?
Quảng Ngãi: Phản ứng nhanh nên không xảy ra dịch bệnh lớn sau lũ rút
Thống kê của Trung tâm YTDP tỉnh Quảng Ngãi, đợt mưa lũ lần này đã gây thiệt hại nặng nề với 16 trạm y tế bị ngập, nhiều trạm bị sạt lở ta luy, tường bao như Trạm y tế xã Ba Tô huyện Ba Tơ, Trạm y tế xã Sơn Tân huyện Sơn Tây, Trạm y tế xã Trà Thanh huyện Tây Trà… Hơn 9.000 giếng nước bị ngập và gần 13.000 nhà tiêu bị ngập. Mưa lũ đã làm 5 người chết, 1 người mất tích. Hiện nước đang rút rất chậm nên chưa thể đánh giá được thiệt hại do môi trường gây ra. Trao đổi nhanh với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống qua điện thoại, BS. Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Sở y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm kế hoạch phòng chống thiên tai và kế hoạch phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả do lụt bão gây ra trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Trung tâm YTDP tỉnh đã chủ động cấp thuốc, hoá chất vật tư và cung cấp đầy đủ đến tận cơ sở trước mùa bão lụt. Cùng với đó, Ban chỉ huy phòng chống bão lụt của Trung tâm YTDP tỉnh và TTYT huyện đã cử cán bộ tham gia khắc phục và trực tiếp đến địa bàn hướng dẫn nhân dân cách giữ vệ sinh, phòng chống dịch bệnh và đặc biệt là hướng dẫn xử lý nước giếng, nhà tiêu bị ngập và hướng dẫn cách xử lý xác súc vật chết... Nhờ công tác chuẩn bị khá chu đáo nên các địa phương đã chủ động thực hiện phương châm “nước rút đến đâu vệ sinh môi trường và xử lý nguồn nước đến đó”. Mạng lưới y tế huyện và xã nhanh chóng triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường, xử lý nước giếng, nhà tiêu đảm bảo, tất cả các giếng và nhà tiêu đều được xử lý. Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh có thể mắc sau lũ rút…
Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi chỉ đạo xử lý giếng nước cho người dân.
Quảng Nam: Bác sĩ cùng bệnh nhân vượt lũ
Mưa lũ đã khiến cho BVĐK khu vực Quảng Nam bị cô lập trong nhiều giờ liền, từ 5-6/11 đến chiều ngày 7/11 nước bắt đầu rút và các y bác sĩ cùng bệnh nhân tích cực khắc phục hậu quả sau khi lũ rút. Công tác vệ sinh, phòng dịch đã được các y bác sĩ thực hiện ngay.
Điều đáng ghi nhận là trong và sau cơn lũ, tinh thần, trách nhiệm, tình người của các y bác sĩ với bệnh nhân lại được khơi dậy và điều đó đã giúp họ vượt qua những ngày khó khăn do lũ. BS. Nguyễn Hữu Thu - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc “trực chiến” tại đơn vị để nắm tình hình và trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với cơn lũ đang bao vây, cô lập bệnh viện cho biết, trong suốt hai ngày 5 và 6/11, toàn bộ tầng 1 của các dãy nhà thuộc bệnh viện đều ngập sâu trong nước từ 1,5 - 2m. Cũng may là đã lường được thời tiết diễn biến phức tạp nên trong ngày 4/11 mọi công tác di dời trang thiết bị y tế, bệnh nhân đã được bệnh viện tiến hành khẩn trương và khoa học, nên dù khối lượng và con người cần di dời rất lớn nhưng không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra.
Được biết, đơn vị đã chuẩn bị hơn 400 lít dầu và hàng chục thùng mì tôm nhưng vì lũ kéo dài nên vẫn thiếu trước, hụt sau. Theo tính toán của BS. Nguyễn Hữu Thu, mỗi giờ chạy máy nổ phát điện mất tới 25 lít dầu nên nếu phát liên tục thì chỉ chưa tới một ngày là cạn nhiên liệu, vì vậy để tiết kiệm, đơn vị chỉ chạy máy phát điện khi thực hiện ca phẫu thuật hay vào giờ nấu ăn cho bệnh nhân. Nhờ đó, trong 3 ngày qua bệnh viện tiếp nhận 5 sản phụ mổ đẻ và đều thực hiện thành công, trong đó có ca xảy ra trong thời điểm lũ đạt đỉnh. Trong thời gian này, bệnh viện còn tiếp nhận 30 ca nhập viện và đều điều trị ổn định.
Khánh Hòa: Thiệt hại về y tế 46 tỷ đồng
Là tỉnh nằm trong tâm bão số 12, Khánh Hòa chịu nhiều hậu quả nặng nề với hơn 40 người chết, thiệt hại vật chất gần 7.000 tỷ đồng. Riêng ngành y tế thiệt hại trên 46 tỷ đồng. Nhiều bệnh viện, trạm y tế, trung tâm cấp cứu đều hư hỏng nặng.
Để vượt qua khó khăn, ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, trong và sau bão số 12, ngành y tế vẫn xác định tập trung mọi nguồn lực để chăm lo cho người dân vùng bão. Cơ số thuốc để cứu chữa và phòng chống dịch sau bão bố trí đầy đủ ở ngay tại các huyện. Trung tâm YTDP, các bệnh viện đều thành lập các đội cơ động sẵn sàng đến tâm bão lũ để cứu giúp người dân khi gặp sự cố. Sau bão, tại các trạm y tế bị sập, tốc mái đều bố trí nhân viên y tế trực để hướng dẫn người dân đến các điểm tập trung chữa bệnh ở tuyến trên nên đã hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm từ các bệnh do bão lũ gây nên.
Để công tác phòng chống dịch được thực hiện một cách tốt nhất, với sự chỉ đạo, động viên của lãnh đạo Bộ Y tế, đến ngày 9/11, hầu hết các địa phương bị ảnh hưởng của bão lũ đều có chloramin B phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; hàng trăm cơ số thuốc phòng chống dịch, hàng ngàn kg chloramin B đã về các cơ sở y tế. Cùng với đó, các trạm y tế tuyến xã vừa chữa bệnh vừa bố trí người khắc phục, dọn dẹp cơ sở để có thể phục vụ thăm khám một số bệnh thông thường cho người dân. Nhiều nhân viên y tế đã tình nguyện làm thêm giờ, tình nguyện tham gia khắc phục hậu quả bão lũ.