Những kết quả đáng khích lệ
Theo tổng hợp của 11 Trung tâm y tế miền núi tại Thanh Hóa, trong năm 2022, tỷ lệ trạm y tế xã được xây dựng kiên cố đạt 89,7%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 96%; tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ đạt 91,4%; tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế đạt 88,9%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi thể nhẹ cân 14,5%.
Về công tác tiêm chủng mở rộng, trong năm 2022 đã được triển khai đến tất cả các thôn, bản, không ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm. Trong phòng chống bệnh truyền nhiễm, đã ghi nhận 4 ca viêm não vi rút; 1 người tử vong do bệnh dại; 4 ca viêm màng não do não mô cầu; 110 ca sốt xuất huyết; 40 ca tay-chân-miệng; 45 ca viêm gan virus.
Đến hết đợt 1/2022, đã triển khai chiến dịch uống bổ sung Vitamin A liều cao với tỷ lệ trẻ 6-60 tháng đạt 96,82%; mẹ sau đẻ 1 tháng uống Vitamin A đạt 95,34%. Cùng với đó, đã xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát, tổ chức chiến dịch tẩy giun cho trẻ từ 24-60 tháng được uống thuốc đạt 98,15%; học sinh tiểu học uống thuốc đạt 97,97%; phụ nữ tuổi sinh sản uống thuốc đạt 96%. Ngoài ra, tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai ≥ 4 lần trong 3 thời kỳ ước đạt 79,84%; bà mẹ được chăm sóc sau sinh trong tuần đầu đạt 82,48%.
Năm 2022, đã phát hiện là 35.025 bệnh nhân tăng huyết áp; 6.060 bệnh nhân đái tháo đường, 1.834 bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản. Cùng năm này, tại 11 huyện miền núi có 60 ca nhiễm HIV mới, 19 ca tử vong. Hiện đang triển khai điều trị ARV cho 11 cơ sở với 1.194 bệnh nhân HIV/AID. Với điều trị bằng methadone, hiện đang triển khai cho 11 cơ sở với tổng số bệnh nhân là 349 người. Trong chương trình can thiệp giảm tác hại, đã triển khai tới 6 huyện, cấp 205.149 bơm kim tiêm cho 1.676 người nghiện chích ma túy, cấp miễn phí 39.230 bao cao su.
Năm 2022, Trung tâm y tế 11 huyện miền núi triển khai nhiều mô hình, dự án như: Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; đề án xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS; chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với vùng, đối tượng; chương trình củng cố và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Song song với đó, các bệnh viện huyện miền núi cũng tập trung phát triển các kỹ thuật mới, cao cấp như: Tán sỏi ngoài cơ thể bằng X Quang cố định hình ảnh; chụp X quang kỹ thuật số; chạy thận nhân tạo; chụp cắt lớp vi tính CT-Scanner; phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa; nội soi thực quản dạ dày có gây mê; phẫu thuật thay khớp gối; phẫu thuật nội soi cắt túi mật; Siêu âm màu 4D; siêu âm DOPLE tim mạch các khối u… Cùng với đó, công tác đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học cũng được chú trọng, trong đó có nhiều đề tài nghiên cứu được ứng dụng hiệu quả tại các bệnh viện. Đến hết năm 2022, số lượt bệnh nhân khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế là 731.873 lượt.
Trong bối cánh còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, công tác y tế miền núi cũng đã đạt được một số kết quả khả quan như: Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thể nhẹ cân giảm xuống 14,5%; xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 96%; việc quản lý thai nghén, phụ nữ có thai đi khám thai định kỳ ngày một tăng; nhiều đơn vị y tế được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị.
Khó khăn chất chồng
Giai đoạn 2021-2022 là những năm đầu thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa nhưng vì dịch bệnh COVID -19 nên làm lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh sụt giảm mạnh; những bất cập trong thanh, quyết toán bằng BHYT làm ảnh hưởng đến chi phí cho hoạt động thường xuyên của đơn vị; ngân sách nhà nước cắt giảm theo lộ trình tự chủ kinh phí dẫn đến nguồn thu của bệnh viện sụt giảm nghiêm trọng, nguy cơ mất cân đối tài chính…
Cùng với đó, trong 11 huyện miền núi thì có tới 6 huyện nghèo, nhiều năm qua hạ tầng giao thông được nâng cấp nhưng vẫn chưa hoàn thiện dẫn đến việc đi lại của người dân còn khó khăn khi họ sinh sống rất xa các cơ sở y tế. Ở khu vực núi cao, diễn biến thời tiết phức tạp do tình trạng biến đổi khí hậu cũng là một nguyên nhân khiến công tác khám, chữa bệnh gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, nhận thức của người dân về phòng bệnh, chữa bệnh còn nhiều hạn chế, tập quán sinh hoạt vẫn còn lạc hậu, gây khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động các chính sách, nhất là về chính sách Dân số - KHHGĐ.
Theo khảo sát, các trạm y tế trên địa bàn 11 huyện còn thiếu rất nhiều bác sĩ làm việc; tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ ngày càng giảm (Mường Lát 50%, Ngọc Lặc 86%, Quan Sơn 83,3%...); các cơ sở y tế còn thiếu hụt nhân lực cơ cấu chủng loại, đặc biệt còn thiếu bác sĩ ở cả TTYT tuyến huyện và BVĐK huyện.
Mạng lưới nhân viên y tế thôn, bản hiện rất mỏng (chỉ còn 115 thôn, bản miền núi có nhân viên y tế); việc sáp nhập các thôn, xã làm cho địa bàn những thôn, xã đã sáp nhập trở nên rộng lớn hơn rất nhiều, gây khó khăn cho công tác vận động Dân số-KHHGĐ của nhân viên y tế thôn bản.
Bên cạnh đó, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền núi chưa đủ mạnh, đặc biệt là đối tượng bác sĩ nên còn diễn ra tình trạng cán bộ không yên tâm công tác, xin chuyển về vùng đồng bằng, thành thị (kể cả những cán bộ là người địa phương đã được đào tạo theo địa chỉ), do vậy nhiều trạm y tế xã vẫn chưa có bác sĩ làm việc.
Song song với đó, cơ sở vật chất tại các trạm y tế xã còn gặp nhiều khó khăn cả về nhà cửa và trang thiết bị y tế, nhiều trạm y tế đã xuống cấp, trang thiết bị y tế chỉ đạt khoảng 50% so với quy định.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Thanh Hóa, để giảm bớt những khó khăn trên, theo các bệnh viện, trung tâm y tế phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành để tăng thu, tiết kiệm chi thông qua nhiều giải pháp như lựa chọn những dịch vụ kỹ thuật mới phù hợp, chi phí hợp lý nhưng mang lại hiệu quả cao; nâng cao chất lượng hoạt động khám chữa bệnh BHYT để giảm thiểu việc từ chối và xuất toán trong thanh quyết toán BHYT; lựa chọn, sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư, sinh phẩm an toàn, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm...