Y tế là lĩnh vực tiên phong triển khai ứng dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia

17-11-2022 15:39 | Y tế

SKĐS - Y tế là lĩnh vực tiên phong triển khai ứng dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia, với mong muốn đưa công nghệ tới gần y bác sĩ, người dân. Chuyển đổi số trong y tế không phải là vấn đề xa xôi mà gắn liền với lợi ích thiết thực của bệnh viện, thầy thuốc và người dân.

Bộ Y tế: Chuyển đổi số y tế tạo tiện ích cho người dân khi khám chữa bệnhBộ Y tế: Chuyển đổi số y tế tạo tiện ích cho người dân khi khám chữa bệnh

SKĐS - Thực hiện chuyển đổi số y tế, Bộ Y tế đề ra mục tiêu 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa giúp người dân tiếp cận được dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng hơn, giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên.

Phát biểu sáng 17/11 tại Hội thảo "Ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh", do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức trong hai ngày (16-17/11), tại Hà Nội, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: Trong những năm gần đây, thế giới đã có những bước tiến mạnh mẽ về khoa học, công nghệ.

Y tế là lĩnh vực tiên phong triển khai ứng dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia - Ảnh 2.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, nơi nào công nghệ thông tin phát triển, nơi đó sẽ hiện đại hơn, ưu việt hơn, thuận tiện hơn và có điều kiện tốt hơn để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

"Trong lĩnh vực y tế, rất nhiều ứng dụng công nghệ đã được triển khai trên thế giới. Thực tế đã cho thấy, nơi nào công nghệ thông tin phát triển, nơi đó sẽ hiện đại hơn, ưu việt hơn, thuận tiện hơn và có điều kiện tốt hơn để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh", GS.TS Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Nối gần khoảng cách y tế tuyến trên và tuyến dưới

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, hơn hai năm qua, hệ thống khám bệnh, chữa bệnh ở nước ta đã ghi nhận những nỗ lực phi thường, những vất vả gian lao trong phòng chống dịch COVID-19 và thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.

Trong những lúc khó khăn đó, chúng ta đã triển khai thành công đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" và khai trương 1.000 điểm cầu trên cả nước. Đến nay, Đề án đang được các nơi tích cực triển khai với hàng vạn lượt người bệnh được tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và lan tỏa ra khắp mọi miền Tổ quốc.

"Để thực hiện thành công các nhiệm vụ trên, cùng đồng hành hỗ trợ với những người thầy thuốc chính là đội ngũ chuyên gia công nghệ thông tin cùng các phương tiện, máy móc, đường truyền... Chúng ta đã làm việc rất hiệu quả, tích cực như những người lính, giúp kết nối giữa các bệnh viện tuyến trên với tuyến dưới và người bệnh"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.

Tuy nhiên, Lãnh đạo Bộ Y tế cũng thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù đã có sự phối hợp tốt, đã có nhiều cố gắng nhưng việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh vẫn còn những hạn chế, cụ thể: Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin chòn chưa tương xứng với khối lượng dữ liệu y tế cần quản lý, hệ thống thông tin và các cơ sở dữ liệu còn rời rạc, chưa liên thông với nhau; An toàn thông tin và nhiều yêu cầu về công nghệ thông tin còn chậm triển khai,,…

"Những hạn chế trên dẫn đến việc phát triển công nghệ thông tin tại các bệnh viện rất khác nhau giữa các bệnh viện công lập, tư nhân và giữa bệnh viện các tuyến. Nơi nào lãnh đạo quan tâm, nơi đó công nghệ thông tin sẽ phát triển hơn, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao, giảm thời gian chờ đợi, giảm sai sót, nhầm lẫn, tăng cường tính công khai, minh bạch… và chắc chắn người bệnh sẽ hài lòng hơn"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.

Y tế là lĩnh vực tiên phong triển khai ứng dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia - Ảnh 3.

Y tế là lĩnh vực tiên phong triển khai ứng dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đánh giá, y tế là lĩnh vực tiên phong triển khai ứng dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia, với mong muốn đưa công nghệ tới gần y bác sĩ, người dân. Ứng dụng công nghệ thông tin giúp thầy thuốc thực hiện công việc tốt hơn, giúp người dân sử dụng dịch vụ tiện lợi hơn. Hiện, việc quét mã QR, thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến ngay cả sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, dữ liệu là nguyên liệu, là đầu vào quan trọng của chuyển đổi số, phục vụ công việc của bệnh viện, thầy thuốc.

"Nhìn từ góc độ này, ngành Y tế đang sở hữu nguồn tài nguyên lớn, đó là dữ liệu liên quan công tác khám chữa bệnh của người dân Việt Nam. Đây là đầu vào để thông minh hoá, tối ưu hóa các dịch vụ"- Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn Bộ Y tế tiếp tục quan tâm, thúc đẩy thêm nhiều mô hình chuyển đổi số có hiệu quả vượt trội, tạo niềm tin và cảm hứng mạnh mẽ cho các cơ sở khác.

"Đơn thuốc điện tử, người dân không còn phải đau đầu dịch đơn thuốc"

Chia sẻ về vấn đề chuyển đổi số trong ngành Y tế, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, chuyển đổi số trong y tế không phải là vấn đề xa xôi mà gắn liền với lợi ích thiết thực của bệnh viện, thầy thuốc và người dân.

"Đơn giản nhất là việc kê đơn thuốc điện tử hay bệnh án điện tử. Nếu chuyển từ viết tay sang đơn thuốc điện tử, người dân không còn phải đau đầu dịch đơn thuốc, cũng không còn sự so sánh chữ bác sĩ "xấu như gà bới" như trước đây nữa"- Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chia sẻ.

Y tế là lĩnh vực tiên phong triển khai ứng dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia - Ảnh 4.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, chuyển đổi số trong y tế không phải là vấn đề xa xôi mà gắn liền với lợi ích thiết thực của bệnh viện, thầy thuốc và người dân.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai đơn thuốc điện tử còn giúp các bệnh viện kiểm soát việc kê đơn, dự trù thuốc cho từng năm/giai đoạn, hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh…

Một khảo sát mới đây do Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thực hiện tại 732 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc cho thấy: 71% cơ sở đã thực hiện thanh toán viện phí điện tử, số còn lại thanh toán bằng tiền mặt.

Tuy nhiên, chưa đến 50% bệnh viện thực hiện đặt lịch khám trực tuyến. Con số này với bệnh viện tuyến trung ương là 70%. Bệnh nhân đặt lịch qua điện thoại là phổ biến nhất đạt gần 39%, qua website của bệnh viện hơn 28%, qua tổng đài hơn 21% và qua app hơn 11%.

Về bệnh án điện tử, qua khảo sát, còn hơn 32% cơ sở chưa triển khai. Trong số các cơ sở đã thực hiện, mới có 3% cơ sở có phần mềm quản lý được ghi chép của hồ sơ bệnh án đã được thẩm định và bỏ bệnh án giấy.

Bộ Y tế ngày 28/10 đã ban hành Quyết định số 2955/QĐ-BYT về việc phê duyệt kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế, thực hiện chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Việc này nhằm thúc đẩy việc số hóa thông tin chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân thông tin khám bệnh, chữa bệnh để hình thành kho dữ liệu quốc gia về y tế, phục vụ chuyển đổi số ngành y tế.

Theo đó, các nền tảng số y tế thuộc chương trình phát triển nền tảng số quốc gia bao gồm: Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; Nền tảng quản lý tiêm chủng; Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa; Nền tảng trạm y tế xã… và một số nền tảng khác.

Ngành Y tế đặt mục tiêu năm 2030, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Sáng 17/11: 66 ca COVID-19 nặng thở máy, oxy; những tỉnh, thành nào tiêm vaccine chậm?Sáng 17/11: 66 ca COVID-19 nặng thở máy, oxy; những tỉnh, thành nào tiêm vaccine chậm?

SKĐS - Thống kê của Bộ Y tế cho thấy hiện có 66 bệnh nhân COVID-19 nặng đang thở oxy, thở máy; Việt Nam đã tiêm gần 263 triệu liều vaccine COVID-19 các loại, tuy nhiên nhiều địa phương vẫn tiêm chậm, thấp hơn bình quân cả nước.

Thái Bình
Ý kiến của bạn