Y tế Hà Nội thay đổi tích cực sau khi triển khai Chỉ thị 06/CT-BYT

05-07-2025 17:00 | Y tế
google news

SKĐS – Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, ngành y tế Hà Nội đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin.

Thay đổi tích cực sau khi triển khai Chỉ thị 06/CT-BYT

Triển khai thực hiện Chỉ thị 06/CT-BYT năm 2024 của Bộ Y tế về tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, ngành Y tế Hà Nội đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi quy trình khám chữa bệnh. Trong đó, các hoạt động như khám chữa bệnh bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, thanh toán không dùng tiền mặt, cấp giấy tờ điện tử... được triển khai rộng khắp, mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt.

Theo Sở Y tế Hà Nội, đến nay 100% cơ sở y tế công lập trên địa bàn đã áp dụng hình thức khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chíp và tài khoản định danh VNeID thay thế thẻ bảo hiểm y tế. Đã có gần 8,7 triệu lượt bệnh nhân được tiếp đón theo hình thức này.

Bên cạnh đó, 42/42 cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc ngành đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều bệnh viện đạt tỷ lệ trên 30%, tiêu biểu như Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đức Giang.

Trên địa bàn Hà Nội hiện đã có 10 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, giúp giảm thiểu thời gian, thủ tục cho người bệnh. 100% các cơ sở y tế công lập đã triển khai đón tiếp khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp, VNeID thay thế thẻ bảo hiểm y tế. Theo ông Nguyễn Văn Thường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, việc sử dụng bệnh án điện tử giúp bác sĩ nắm nhanh và đầy đủ thông tin bệnh nhân, đồng thời rút ngắn thời gian ra viện, thanh toán chi phí.

Y tế Hà Nội thay đổi tích cực sau khi triển khai Chỉ thị 06/CT-BYT- Ảnh 1.

Người dân đăng ký khám sức khỏe ở BV Đức Giang. Ảnh TL

Toàn ngành đã triển khai 100% phần mềm quản lý bệnh viện (HIS); 88% bệnh viện sử dụng phần mềm quản lý xét nghiệm (LIS); 64% bệnh viện trang bị hệ thống lưu trữ, truyền tải hình ảnh (RIS-PACS).

Người bệnh có thẻ BHYT khi đến khám chữa bệnh được bảo đảm quyền lợi, quy trình nhanh gọn nhờ hệ thống giám định BHYT trực tuyến kết nối với cơ quan BHXH thành phố. 42/42 cơ sở khám và cấp giấy khám sức khỏe lái xe đã cập nhật dữ liệu lên hệ thống, với trên 334.000 hồ sơ đã liên thông thành công.

Đặc biệt, việc cấp giấy chứng sinh, giấy báo tử điện tử và chia sẻ dữ liệu cũng được thực hiện hiệu quả. Đã có hơn 168.000 giấy chứng sinh và 2.100 giấy báo tử được cập nhật, liên thông dữ liệu lên Cổng giám định BHYT.

Một điểm nhấn trong chuyển đổi số y tế Hà Nội là việc triển khai các ki-ốt y tế thông minh tại bệnh viện theo Đề án 06 của Chính phủ tại một số bệnh viện đã giảm thời gian tiếp đón trung bình từ 5-15 phút/người xuống còn 6-7 giây/người. Những thiết bị tự động này giúp người dân tự đăng ký khám chữa bệnh, lấy số thứ tự, giảm tải cho bộ phận tiếp đón.

Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, 7 ki-ốt thông minh đã tiếp đón hơn 176.000 lượt bệnh nhân. Quy trình tiếp đón được rút gọn từ 6 bước xuống còn 2 bước, thời gian trung bình chỉ 10 giây/lượt so với 5–10 phút trước đây. Bệnh viện Hòe Nhai cũng ghi nhận thời gian tiếp đón chỉ còn 30 giây/người, giảm đáng kể áp lực cho cán bộ y tế.

Tính đến hết quý II/2025, thành phố Hà Nội đã khởi tạo gần 10,6 triệu đối tượng dân cư từ hệ thống tiêm chủng và phần mềm khám chữa bệnh. Trong đó, hơn 8,2 triệu dữ liệu dân cư đã được chuẩn hóa, 7,8 triệu người có hồ sơ sức khỏe điện tử, đạt tỷ lệ 95%. Hơn 21 triệu lượt khám chữa bệnh đã được đồng bộ dữ liệu từ phần mềm quản lý bệnh viện lên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử của thành phố.

Ngành Y tế thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu sức khỏe người dân với ứng dụng công dân Thủ đô (iHanoi), người dân khi đăng ký trên ứng dụng này có CCCD hoặc số điện thoại có thể tra cứu được dữ liệu sức khỏe của bản thân.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Trong năm 2025, ngành Y tế Hà Nội sẽ tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung thực hiện các nhiệm vụ của đề án 06 của Chính phủ đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Mục tiêu lớn là hoàn thiện hồ sơ sức khỏe điện tử cho 100% người dân, tích hợp sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID.

Bên cạnh đó, ngành sẽ liên thông kết quả xét nghiệm, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại, tiến tới đồng bộ dữ liệu giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử và mô hình bệnh viện thông minh, không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử.

Ngành cũng đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, 70% cơ sở y tế triển khai khám, chữa bệnh từ xa; 45% người dân sử dụng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến.

Nâng cao chất lượng y tế cơ sở để thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dânNâng cao chất lượng y tế cơ sở để thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân

SKĐS - Nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở đã được ngành y tế và các địa phương triển khai hiệu quả nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.


Hà My
Ý kiến của bạn