Hà Nội

Y tế dự phòng Hà Nội trong mùa dịch: Bám từng nhà, gõ từng cửa

20-02-2020 15:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tính đến 8h sáng 20/2/2020, Hà Nội đã trải qua ngày thứ hai liên tiếp không ghi nhận trường hợp nào nghi nhiễm COVID-19. Cả 74 ca nghi ngờ trước đó ở Hà Nội đều đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã phỏng vấn TS. Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 Hà Nội về việc giữ Hà Nội an toàn trong những ngày qua.

PV: Thưa ông, đến thời điểm này, Hà Nội chưa ghi nhận ca bệnh nào dương tính với COVID-19 mặc dù là cửa ngõ thông thương với quốc tế, trung tâm của cả nước, ông có thể chia sẻ điều gì?

TS. Nguyễn Khắc Hiền: Đúng là thời điểm này, Hà Nội chưa ghi nhận ca bệnh dương tính với COVID-19 nhưng chúng tôi không lấy đó là thành công, chỉ khi nào Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch trên cả nước, lúc đó những người làm y tế nói chung, y tế dự phòng nói riêng và cả ngành y tế Thủ đô mới có thể coi là hoàn thành nhiệm vụ chống dịch.

Tại thời điểm này, 100% cán bộ y tế Thủ đô, trong đó lực lượng y tế dự phòng là then chốt vẫn phải bám sát địa bàn, đi từng ngõ phố, vào từng nhà để truyền thông phòng chống dịch. Nắm vững, nắm chắc số người đi về từ vùng dịch, kịp thời tư vấn, hướng dẫn phòng bệnh cho họ.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội vẫn chủ trì thường xuyên 2 ngày/lần nghe báo cáo và trực tiếp chỉ đạo Ban chỉ đạo phòng chống dịch của thành phố.

Chúng tôi trực tiếp nhận thông tin 24/24h qua đường dây nóng: 0969082115 và 0949396115. Ngành y tế Thủ đô đã tăng cường giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh qua Sân bay quốc tế Nội Bài, đồng thời triển khai việc áp dụng tờ khai y tế khi nhập cảnh tại cửa khẩu.

Bên cạnh đó, tiến hành điều tra, khoanh vùng xử lý triệt để tại nhà bệnh nhân và các khu vực liên quan của những trường hợp nghi mắc bệnh đầu tiên, lập danh sách theo dõi sức khỏe của người tiếp xúc gần được thực hiện rất sớm và nghiêm túc.

Y tế dự phòng Hà Nội trong mùa dịchTS. Nguyễn Khắc Hiền (bên trái ảnh) trao quyết định cử cán bộ y tế lên Vĩnh Phúc.

Quan sát Hà Nội phòng chống dịch COVID-19 trong những ngày qua, tôi cảm nhận được không khí khẩn trương, tích cực, chủ động và quan trọng nhất là không gây hoang mang trong cộng đồng cư dân, đó có phải là một trong nhiều yếu tố giúp Hà Nội tạm thời ở thời điểm này là thành công trong chống dịch?

Thủ tướng Chính phủ đã nói: Chống dịch như chống giặc. Lĩnh hội tư tưởng đó của Thủ tướng, lãnh đạo Thành ủy và UBND TP, cả hệ thống chính trị của thành phố đã khẩn trương vào cuộc từ rất sớm. Chúng tôi xác định, nguy cơ xâm nhập dịch vào Hà Nội là rất lớn, trước thời điểm Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, ngành y tế Hà Nội đã tổ chức tập huấn giám sát phát hiện sớm ca bệnh COVID-19 tại cộng đồng cho 30 trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã. Ngay trong những ngày nghỉ Tết, toàn bộ khối y tế dự phòng của ngành y tế Thủ đô đã tổ chức thường trực 24/24h để phòng, chống ca bệnh COVID-19 xâm nhập, nhất là tại Sân bay quốc tế Nội Bài.

Truyền thông của chúng tôi với phương châm là bám sát địa bàn, các tổ dân phố, chi bộ từng khu dân cư, giao trách nhiệm cụ thể cho y tế xã, phường, thị trấn để người dân hiểu về dịch nhưng không được phép chủ quan và tuyệt đối không được để người dân hoang mang.

Hà Nội có bất ngờ với dịch không khi trong cuộc họp giao ban phòng chống dịch, Chủ tịch UBND TP Hà Nội có “phàn nàn” về ngành y tế thiếu thốn trang thiết bị bảo hộ, vật tư phòng dịch, thưa ông?

Hà Nội không bất ngờ với dịch. Bằng chứng là chúng tôi rất chủ động lên các phương án. Phân công các bệnh viện chuẩn bị sẵn giường bệnh, phân tuyến rõ ràng và trách nhiệm điều trị cho từng tuyến.

Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch số 413/KH-SYT về đáp ứng với các tình huống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19  trên địa bàn Hà Nội. Kế hoạch phân chia nội dung hành động theo 4 cấp độ dịch bệnh. Cụ thể, với cấp độ 1, y tế Hà Nội tổ chức thường trực phòng, chống dịch 24/24h tại các đơn vị y tế; phân luồng và bố trí buồng khám riêng đối với người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính, bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế, người nhà và cộng đồng; thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm chéo...

Với cấp độ 2, bên cạnh việc thực hiện nghiêm các nội dung theo cấp độ 1, cần tổ chức khoanh vùng ổ dịch, tăng cường giám sát các chùm ca bệnh viêm đường hô hấp cấp tính chưa rõ nguyên nhân; tổ chức thường trực cấp cứu thường xuyên; kích hoạt và tăng cường cử đội cấp cứu điều trị lưu động từ bệnh viện tuyến thành phố tới các bệnh viện tuyến dưới...

Với cấp độ 3, ngoài việc thực hiện nghiêm các nội dung trên, cần thực hiện quyết liệt việc phân tuyến, triển khai bệnh viện vệ tinh để điều trị bệnh nhân nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến cuối. Và có phương án tổ chức hoạt động của Bệnh viện Bắc Thăng Long, Bệnh viện Đống Đa, phân loại bệnh nhân điều trị tại các tuyến, hạn chế vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, tránh hiện tượng quá tải...

Trong trường hợp dịch bệnh lây lan tới cấp độ 4, với hơn 1.000 trường hợp mắc, cần thông báo mức cảnh báo cộng đồng cao nhất. Huy động tối đa các nguồn lực, vận động toàn thể lực lượng xã hội tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Huy động nguồn nhân lực, vật lực của các bệnh viện, cơ sở y tế cho các đơn vị điều trị bệnh nhân, trong đó Bệnh viện Bắc Thăng Long sẽ huy động 100% giường bệnh phục vụ người bệnh. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, ngành y tế Hà Nội đã tổ chức lễ trao quyết định cho 3 cán bộ, trong đó có 2 bác sĩ y học dự phòng thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tham gia phòng chống dịch tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Xin cảm ơn ông!

Đồng ý để Hà Nội xét nghiệm sàng lọc ca nghi nhiễm COVID-19

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản đồng ý để Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội thực hiện xét nghiệm sàng lọc các ca bệnh nghi nhiễm COVID-19. Theo đó, việc thực hiện xét nghiệm phải đảm bảo các quy định hiện hành. Ðối với các mẫu có kết quả nghi ngờ hoặc dương tính sẽ phải gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ TW để thực hiện xét nghiệm khẳng định.

Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị Sở Y tế Hà Nội báo cáo UBND TP đầu tư, xây dựng, nâng cấp phòng xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội theo cấp độ an toàn sinh học phù hợp để phục vụ công tác phòng chống dịch, đặc biệt là những tác nhân gây bệnh mới nổi.


Anh Văn (thực hiện)
Ý kiến của bạn