Hà Nội

Y tế Đà Nẵng, Quảng Nam phòng chống bão Trà Mi: Yêu cầu trực chỉ huy 24/24 giờ

27-10-2024 05:55 | Y tế
google news

SKĐS - Tin từ Sở Y tế Đà Nẵng và Quảng Nam cho biết, lãnh đạo ngành Y tế 2 địa phương đã chỉ đạo quyết liệt các cơ sở y tế trên địa bàn khẩn trương phòng chống bão số 6- bão Trà Mi.

Tại Đà Nẵng, BSCKII Trần Thanh Thủy, Giám đốc Sở Y tế thông tin, lãnh đạo ngành Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn trực chỉ huy 24/24 giờ, chỉ đạo và chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra các khoa, phòng, bộ phận, khu vực để chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng cho các tình huống khẩn cấp trước, trong và sau bão.

Sẵn sàng phương án để kích hoạt các hoạt động sơ tán người bệnh, người nhà, nhân viên y tế và các trang thiết bị y tế, thuốc; bảo đảm liên lạc thông suốt 24/24h để kịp thời điều hành các khoa, phòng, bộ phận, cá nhân liên quan sẵn sàng tham gia ứng cứu khi được điều động; rà soát bảo đảm bệnh viện, cơ sở y tế an toàn theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Y tế Đà Nẵng, Quảng Nam phòng chống bão Trà Mi: Yêu cầu trực chỉ huy 24/24 giờ- Ảnh 1.

Bộ đội biên phòng và ngư dân đang neo giữ tàu thuyền tránh bão.

Theo BSCKII Trần Thanh Thủy, để chủ động chống bão, các cơ sở khám chữa bệnh cần rà soát, bổ sung cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cấp cứu chấn thương trực tiếp hoặc gián tiếp. Chuẩn bị các phương án, cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu và nhân lực để sắn sàng thiết lập các đội cấp cứu lưu động theo điều động của Sở Y tế. Huy động toàn bộ nhân lực tham gia thường trực hỗ trợ cấp cứu thương vong hàng loạt tại bệnh viện và ngoại viện trong trường hợp cần thiết.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, TTYT các quận, huyện được yêu cầu chủ động rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các vùng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng do thiên tai, nhất là vùng có thể bị mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Sẵn sàng và chủ động triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra; củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh, các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong điều kiện mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất. Tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trước, trong và sau thiên tai, vùng bị mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, nhất là cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, ly, thương hàn....

Bảo đảm nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm tại các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, vùng bị mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất.

Tại Quảng Nam, TS Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Y tế yêu cầu tổ chức trực chuyên môn, trực chỉ huy, cấp cứu 24/24 giờ. Sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do bão, mưa lũ gây ra, không để gián đoạn công tác cấp cứu, đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho người dân, kịp thời bổ sung dự trữ thuốc, hoá chất, vật tư phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Triển khai các phương án bảo vệ các cơ sở y tế tại các vùng có nguy cơ ảnh hưởng do bão, mưa lũ, chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ ngập úng, lũ quét, sạt lở đất.

Tổ chức vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm sau bão, mưa lũ gây ra. Sắp xếp, ổn định các cơ sở y tế để bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân trước, trong và sau bão, mưa lũ.

Lực lượng bộ đội biên phòng kêu gọi tàu thuyền vào tránh trú bão.


Mai Xuân
Ý kiến của bạn