Vai trò của Y tế công cộng
Y tế công cộng là khoa học và nghệ thuật trong phòng chống bệnh tật, kéo dài tuổi thọ và tăng cường chất lượng cuộc sống thông qua nỗ lực có tổ chức và lựa chọn thông tin của cá nhân, cộng đồng, và toàn xã hội. Y tế công cộng quan tâm đến bảo vệ sức khỏe của toàn bộ người dân. Người dân ở đây có thể là một quần thể nhỏ cấp độ thôn xã nhưng cũng có thể là cả một quốc gia hay một khu vực trên toàn thế giới.
Với vai trò hỗ trợ chính phủ trong lĩnh vực y tế, y tế công cộng dần phát triển thành chương trình, chiến lược phòng ngừa bệnh tật, bao gồm nước sạch, vệ sinh môi trường, tiêm chủng, vệ sinh cá nhân và các chính sách bảo vệ, nâng cao sức khỏe. Khái niệm phòng ngừa bệnh tật được mở rộng, không chỉ phòng, ngừa bệnh, tật cụ thể mà thay đổi môi trường, điều kiện sống góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân trong cộng đồng.
Chức năng chính của bác sĩ, y tá là điều trị bệnh tật cho từng cá thể. Các tổ chức y tế công cộng lại tập trung vào phòng và kiểm soát bệnh tật cho cả cộng đồng. Hai lĩnh vực điều trị và y tế công cộng cùng hợp tác để phòng chống bệnh tật. Ví dụ khi có ca bệnh truyền nhiễm xảy ra trong cộng đồng, bệnh viện phát hiện, cách li và điều trị bệnh nhân mắc bệnh. Thông tin được chia sẻ để y tế công cộng truy dấu tiếp xúc, điều tra nguồn lây nhiễm, giảm tốc độ lây trong cộng đồng. Sự phối hợp này được thể hiện rõ ràng trong dịch COVID-19 và cũng vẫn đang được triển khai với tất cả các bệnh lây nhiễm khác.
Truy dấu tiếp xúc, điều tra nguồn lây nhiễm COVID 19 tại Việt Nam từ bệnh nhân số 17 tính đến ngày 26/3. Nguồn ảnh: Thông tấn xã Việt Nam
Bên cạnh phối hợp với lĩnh vực điều trị, y tế công cộng cũng làm việc trực tiếp với người dân và các đơn vị quản lý để xác định tình trạng, xu hướng bệnh tật, đưa ra các khuyến nghị chính sách cũng như triển khai các chương trình can thiệp để nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Tích cực phòng chống dịch COVID, Trường Đại học Y tế công cộng khẳng định vị trí của mình
Trường Đại học Y tế công cộng (ĐHYTCC) là địa chỉ hàng đầu đào tạo Y tế công cộng tại Việt Nam. Trường có cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại, chất lượng được chú trọng và ngày càng được nâng cao, đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản trong nước cũng như quốc tế. Khi dịch COVID-19 xảy ra, trường ĐHYTCC đã tham gia tích cực trong nhóm các nhà khoa học, chuyên gia, tình nguyện viên phân tích dữ liệu và truy vết theo dấu dịch tễ phục vụ phòng chống dịch COVID-19. Các bạn sinh viên Trường Đại học Y tế công cộng đã tình nguyện đăng kí để tham gia triển khai hoạt động xác định những người phơi nhiễm SARS- COV 2 trong cộng đồng theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại Bộ Y tế. Sinh viên năm 3 – 4 của trường có kiến thức và kỹ năng cơ bản trong việc phòng chống dịch bệnh tại trường cũng đã tham gia triển khai công tác phòng chống COVID-19 trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm.
Sinh viên của Trường ĐHYTCC tham gia nhóm truy vết theo dấu dịch tễ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19
Bên cạnh đó, các thông tin về COVID-19 cũng được truyền thông tích cực trên fanpage, website của nhà trường. Kinh nghiệm, bài học về phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam đã được chia sẻ rộng rãi tới cộng đồng quốc tế qua 10 bài xuất bản tại các tạp chí uy tín, có chỉ số trích dẫn IF cao. Với 91 giảng viên làm nghiên cứu, trong năm học 2019 – 2020 trường đã công bố 96 bài báo xuất bản quốc tế và 151 bài báo công bố trên các tạp chí quốc gia. Với thành tích này, Trường được xếp hạng thứ 2 về chỉ số H-Index trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu Y Dược 2019. Chỉ số H-Index là một trong số các chỉ số được dùng để đánh giá các kết quả khoa học và làm cơ sở so sánh đóng góp khoa học của các nhà khoa học khác nhau, trong cùng lĩnh vực.
Phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 của Trung tâm xét nghiệm thuộc Trường Đại học y tế công cộng.
Tháng 9 năm 2020, Trung tâm xét nghiệm thuộc trường ĐHYTCC đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định vi rút SARS-CoV-2. Việc được công nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định vi rút SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật realtime RT-PCR là cơ hội để Trung tâm xét nghiệm nâng cao chất lượng xét nghiệm và góp phần hoàn thành công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng.