Ghi nhận của chúng tôi từ các chuyến đi thực tế cho thấy, với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của ngành y tế, những năm qua, mạng lưới YTCS ở Việt Nam đã được củng cố, phát triển. Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản và đang là mô hình nhiều nước trên thế giới quan tâm, học hỏi, làm theo...
Hơn 80% trạm y tế khám chữa bệnh BHYT
Trạm y tế xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ) hiện được đầu tư cơ sở hạ tầng với đầy đủ các phòng chức năng theo Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế, đảm bảo hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, tháng 12/2016, trạm đạt Chuẩn quốc gia. Trung bình mỗi ngày trạm khám cho khoảng 10 người dân trên địa bàn. Trò chuyện với Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, bà Nguyễn Thị Lan đang chờ khám tại trạm cho biết, từ nhà bà lên trung tâm y tế huyện không xa lắm (tầm hơn 7km), trước đây đau ốm bệnh thông thường bà cũng lên trung tâm y tế huyện thăm khám, tuy nhiên, từ vài năm trở lại đây, bà chỉ thăm khám tại Trạm y tế xã Chí Tiên vì theo bà “từ nhà đến trạm không xa, mà ngoài thuốc được BHYT chi trả, những loại thuốc chữa bệnh khác, chúng tôi cũng có thể mua được ngay tại quầy thuốc của trạm y tế”. Khi Bộ trưởng hỏi thăm về việc có bị nhân viên y tế của trạm gây khó khăn khi đến khám chữa bệnh hay không? Bà Lan thủng thẳng cười rồi bảo “các anh chị ở đây thân thiện, chúng tôi muốn hỏi tỉ mỉ khi thăm khám bệnh cũng được giải đáp”. Tuy nhiên, bà Lan cũng mong muốn nếu như trạm y tế có thêm danh mục thuốc thì sẽ “hấp dẫn người dân hơn”.
Điều trị cho bệnh nhân tại BVĐK ở Thanh Hóa. Ảnh: TM
Tại một trạm y tế khác được xây dựng khang trang của Thủ đô Hà Nội là Trạm y tế xã Minh Châu - huyện Ba Vì, hơn 8 giờ sáng, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đến thăm và làm việc đã thấy rất đông bệnh nhân đang chờ thăm khám, có người thì đang chờ lấy thuốc tăng huyết áp định kỳ. Báo cáo với Bộ trưởng, đại diện Trạm y tế Minh Châu cho biết hiện trạm có 7 cán bộ, trung bình mỗi ngày khám cho khoảng 8-10 bệnh nhân. Hiện trạm y tế này đang quản lý 172 bệnh nhân điều trị tăng huyết áp.
Trạm y tế xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình - nơi Bộ trưởng Bộ Y tế mới đến làm việc cuối tháng 5/2018, hiện có 5 cán bộ, trong đó có 1 bác sĩ, 3 y sĩ đa khoa, 1 dược tá. Với điều kiện nhân lực hiện có, đại diện Trạm y tế xã Quỳnh Trang cho biết đủ điều kiện nhân lực thực hiện các dịch vụ kỹ thuật theo gói dịch vụ y tế cơ bản. Đây có lẽ cũng là yếu tố để trạm thu hút hơn 50% người dân trên địa bàn đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ở nước ta rộng khắp từ Trung ương đến xã, phường đều bao phủ hệ thống y tế, thậm chí còn có cả y tế thôn bản thông qua hệ thống các cô đỡ thôn bản. Hiện cả nước có 11.400 trạm y tế xã bao gồm cả mạng lưới y tế thôn bản; gần 99% xã, phường và thị trấn đã có nhà trạm; 87,5% trạm có bác sĩ khám chữa bệnh; 97% có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; gần 75% thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động, trong đó ở nông thôn, miền núi là 96%. “Nhờ có mạng lưới YTCS rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản đã được triển khai rất hiệu quả, sâu rộng như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình. Một số trạm y tế xã đã bước đầu thực hiện quản lý một số bệnh không lây nhiễm, mạn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... theo mô hình bác sĩ gia đình. Người dân đã tiếp cận và sử dụng nhiều hơn dịch vụ khám chữa bệnh tại tuyến YTCS Đến nay, đã triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại khoảng 80% tổng số trạm y tế” - Bộ trưởng cho biết.
Nâng cao chất lượng dịch vụ để “hút” người dân “mặn mà” với YTCS
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, mặc dù đã có những đổi mới vượt bậc, song YTCS ở nước ta vẫn tồn tại nhiều bất cập chưa được giải quyết, trong đó khó khăn lớn nhất là về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Trong khi tăng cường hệ thống YTCS là một nội dung quan trọng về y tế mà Nghị quyết Trung ương 6 về chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đề cập. Theo đó, hệ thống YTCS phải quản lý, theo dõi sức khỏe của từng hộ, từng người dân trên địa bàn; có đủ năng lực để điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, hạn chế việc người dân phải nhập viện để khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện. Như vậy, trạm y tế nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh - đang phải đảm nhiệm nhiệm vụ rất quan trọng. Thế nhưng trên thực tế, nhiều trạm y tế hiện chưa đảm đương được yêu cầu đề ra, khi thiết bị thì thiếu, còn nhân lực lại yếu.
Chính Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thẳng thắn đặt câu hỏi: “Vậy vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của YTCS để thu hút người dân đến thăm khám, để YTCS đúng với vai trò “người gác cổng” trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân”?
Ðể giải quyết những nguyên nhân gốc rễ đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, ngành y tế tiếp tục thực hiện đổi mới YTCS một cách toàn diện, đồng bộ, hướng tới “bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”, bảo đảm để tất cả mọi người dân được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng khi cần mà không phải chịu khó khăn về tài chính. Theo đó, trước hết cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và chức năng, nhiệm vụ của YTCS, tiếp tục triển khai các hoạt động thiết thực để nâng cao chất lượng của YTCS như đưa trạm y tế thuộc trung tâm y tế huyện để luân phiên cán bộ từ huyện xuống và từ xã lên, bồi dưỡng cán bộ tuyến dưới để nâng cao kỹ thuật chuyên môn, được tiếp cận với mô hình bệnh tật, nhu cầu của người dân. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, bắt đầu từ chương trình tiêm chủng mở rộng, bà mẹ và trẻ em, khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho đến quản lý sức khỏe người dân.
“Tiến tới thực hiện mục tiêu quản lý sức khỏe toàn diện cho từng người dân, người dân cần được khám sức khỏe định kỳ chứ không chỉ khám bệnh khi ốm đau; phải được khám sàng lọc để phát hiện sớm nguy cơ, mầm mống bệnh tật, điều trị kịp thời nhằm giảm thấp nhất chi phí điều trị; phải được tư vấn về sức khỏe, dinh dưỡng, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe...” - Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Tại không ít các diễn đàn về công tác YTCS trong nước và quốc tế, tư lệnh ngành y tế đều nhấn mạnh, định hướng tăng cường mạng lưới YTCS trong những năm tới được xác định là để bảo đảm cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện, giúp mọi người dân dễ dàng tiếp cận được các dịch vụ y tế ít tốn kém là yếu tố cơ bản, có tính quyết định tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Ðể triển khai thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW và Quyết định 2348/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án Xây dựng và Phát triển mạng lưới YTCS trong tình hình mới, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động; Hướng dẫn triển khai mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã thuộc 8 tỉnh, thành phố để các trạm y tế đến học tập kinh nghiệm; Quyết định về mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; xây dựng kế hoạch theo dõi sức khỏe cá nhân đến từng người dân; triển khai phần mềm quản lý công tác tiêm chủng...
Ðồng thời, đề nghị các địa phương đẩy nhanh việc hoàn thiện mô hình trung tâm y tế huyện đa chức năng, tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến huyện. Ðáng chú ý, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 39 về gói dịch vụ y tế cơ bản để khuyến khích người dân đến khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tại trạm y tế xã. Ðồng thời thực hiện đẩy mạnh việc quản lý sức khỏe, theo dõi các bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã, phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình ở khu vực đô thị để nâng cao hiệu quả hoạt động YTCS.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện mô hình 26 trạm y tế chuẩn để nhân rộng trên phạm vi cả nước với mục tiêu đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở.
Đến năm 2020, ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT, thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 95% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện; 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; phấn đấu 90% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe; hoàn thiện việc đầu tư trạm y tế các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.