Y tế cơ sở nỗ lực bảo đảm vệ sinh môi trường, tăng cường phòng, chống dịch bệnh sau lũ

25-09-2024 07:43 | Xã hội

SKĐS - Ngành y tế các địa phương thời gian qua đã nỗ lực hết mình để triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ và ngập lụt. Đây là một trong những việc làm cần thiết ngay sau khi mưa lũ, ngập lụt nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Theo đó, ngày 12/9/2024, Bộ Y tế đã có văn bản số 5400/BYT-DP gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ và ngập lụt.

Tại văn bản trên, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương rà soát, bổ sung và chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh trong các tình huống thiên tai trên địa bàn phù hợp với thực tiễn của địa phương; rà soát, đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các khu vực bị ảnh hưởng do mưa lũ, nhất là vùng ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

Chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh khi xảy ra các tình huống về thiên tai; củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh và các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong điều kiện mưa lũ và ngập lụt.

Y tế cơ sở nỗ lực bảo đảm vệ sinh môi trường, tăng cường phòng, chống dịch bệnh sau lũ- Ảnh 1.

Sau khi nước rút, nhiều tuyến đường trong thành phố Yên Bái ngập trong bùn non, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Ảnh: NLĐ.

Cũng liên quan đến vấn đề này, theo hướng dẫn tại Công văn 480/MT-SKMT của Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) đề nghị tiếp tục triển khai Công văn 264/MT-SKMT ngày 12/6/2024 của Cục Quản lý Môi trường y tế về việc đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, quản lý chất thải y tế trong mùa mưa lũ.

Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ y tế và người dân thực hiện các biện pháp chuẩn bị, sẵn sàng với ứng phó với tình trạng mưa lớn, bão, lũ, chuẩn bị các vật dụng chứa nước sạch, phương tiện, dụng cụ xử lý môi trường, xử lý nước; thu gom, quản lý chất thải y tế, đảm bảo vệ sinh cá nhân... theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo báo cáo của ngành y tế nhiều địa phương về việc khắc phục hậu quả mưa lũ, trong đó có việc bảo đảm môi trường, tăng cường phòng, chống dịch bệnh sau mưa bão, lũ lụt cho thấy, công tác trên được triển khai bài bản, đầy đủ và đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Y tế cơ sở nỗ lực bảo đảm vệ sinh môi trường, tăng cường phòng, chống dịch bệnh sau lũ- Ảnh 2.

Người dân dọn rác sau lũ tại tỉnh Bắc Giang. Ảnh: BBG.

Cụ thể, tại tỉnh Bắc Giang, ngành y tế đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện hiệu quả công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, ATTP, vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt cho người dân theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chỉ đạo các đơn vị trong ngành chuẩn bị đầy đủ các phương án đảm bảo công tác y tế chủ động đáp ứng với mọi tình huống mưa lũ, ngập lụt xảy ra trên địa bàn. Sẵn sàng huy động nhân lực y tế hỗ trợ giữa các đơn vị, các tuyến.

Chủ động triển khai vệ sinh môi trường, ATTP, xử lý nước sinh hoạt, phòng, chống dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý dịch kịp thời, triệt để, không để dịch bệnh bùng phát trong và sau mưa lũ, ngập lụt. Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, hỗ trợ đảm bảo công tác y tế ứng phó và khắc phục mưa lũ, ngập lụt tại các huyện, thị xã, thành phố, tại các đơn vị y tế.

Tại tỉnh Lào Cai, ngày 17/9/2024, UBND tỉnh đã ban hành công văn về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ, ngập lụt. Theo đó, tỉnh giao cho Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm chất lượng nước cấp cho ăn uống sinh hoạt từ các nhà máy nước, công trình cấp nước tập trung và tại các hộ gia đình tự khai thác ở vùng có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước; kiểm tra giám sát việc thu gom, xử lý chất thải y tế trong các cơ sở y tế đảm bảo thực hiện theo đúng các quy định hiện hành.

Đảm bảo cung cấp đủ hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn có giấy phép lưu hành còn hiệu lực, còn hạn sử dụng để xử lý nước trong trường hợp khẩn cấp và hướng dẫn các biện pháp xử lý nước trong mùa mưa lũ và ngập lụt…

Y tế cơ sở nỗ lực bảo đảm vệ sinh môi trường, tăng cường phòng, chống dịch bệnh sau lũ- Ảnh 3.

Cán bộ Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái hướng dẫn hộ gia đình cách khử khuẩn nguồn nước sinh hoạt sau lũ. Ảnh: Sở Y tế Yên Bái.

Còn theo Sở Y tế tỉnh Yên Bái, thời gian qua địa phương đã tăng cường hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân cách khử trùng nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải, xác động vật trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa phát thanh, qua các nhóm Zalo của các tổ dân phố, khu dân cư.

Đồng thời đã cấp 3.773 kg Cloramin, 30.000 viên Cloramin B, 99.000 viên Aquatabs, 18 máy phun đeo vai, 45 túi đựng nước, 9 cơ số thuốc phòng chống bão lũ, 6.403 túi thuốc gia đình, 57 thùng các loại hóa chất xử lý nước, khử trùng cho các đơn vị, hộ gia đình và tiến hành phun thanh khiết môi trường và xử lý giếng nước bị ngập cùng một số thuốc, vật tư nhỏ lẻ khác cho các trung tâm y tế để triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả sau mưa lũ trên địa bàn...

Giám sát xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũGiám sát xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện giám sát hoạt động đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh khu vực ngập lụt do mưa bão.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Cận cảnh hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và người dân xuyên đêm “vá” đê sông Mã, Thanh Hóa | SKĐS


Huy Hoàng
Ý kiến của bạn