Hiện nay, cả nước có hơn 10.000 trạm y tế xã. Hầu hết các trạm y tế đã cung cấp hơn 100 dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ngay tại cơ sở. Có thể nói, thực tế công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân hiện nay ở nước ta, việc đầu tư cho y tế cơ sở (bao gồm y tế tuyến xã, phường, thị trấn và y tế thôn, bản) gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế dự phòng là chiến lược chăm sóc sức khỏe đỡ tốn kém, hiệu quả lâu dài và bền vững bởi đây là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo...
Phát huy vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân
Việt Nam đã sớm quan tâm phát triển mạng lưới y tế cơ sở, trong đó có Quyết định 950/QÐ-TTg năm 2007 về đầu tư xây dựng trạm y tế xã thuộc vùng khó khăn giai đoạn 2008 - 2010.
Thực tế cho thấy, y tế cơ sở chính là niềm tự hào của y tế Việt Nam, góp phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Đến nay, 98,9% số xã trên toàn quốc đã có trạm y tế; 80% số xã, phường đã đạt Chuẩn quốc gia về y tế xã, gần 80% trạm y tế có bác sĩ làm việc; 95,3% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi... Đặc biệt, nhiều trạm y tế được xây dựng khang trang, sạch đẹp, bảo đảm đủ thuốc thiết yếu phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Một số trạm y tế được cấp máy siêu âm, điện tim, máy xét nghiệm máu, nước tiểu, xét nghiệm sinh hóa, máy đo đường huyết, ghế răng đơn giản...
Mạng lưới y tế cơ sở đã góp phần thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000, uốn ván sơ sinh từ năm 2005 và đưa Việt Nam trở thành một trong 8/74 quốc gia đạt tiến độ thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về giảm tử vong trẻ em; một trong 9/74 quốc gia đạt tiến độ thực hiện về mục tiêu giảm tử vong mẹ; một trong 3 quốc gia đạt được mức độ giảm hơn 75% tỷ số tử vong mẹ trong giai đoạn từ 1990 - 2010.
Về mạng lưới y tế thôn bản ngày càng được phát triển, 96,9% số thôn, bản ở khu vực nông thôn, miền núi đã có nhân viên y tế hoạt động. Với mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đã đạt hiệu quả đáng khích lệ, Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là một điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về y tế, Việt Nam là một trong những quốc gia tiếp tục bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh. Triển khai tiêm chủng mở rộng miễn phí các loại vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt, sởi, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn) cho trẻ em và phụ nữ. Đạt và duy trì thành quả trong việc thanh toán, loại trừ, giảm số mắc và tử vong của các bệnh trong tiêm chủng mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ tiêm chủng. Bên cạnh đó, việc phòng, chống bệnh không lây nhiễm đạt thành tích vượt bậc. Hiện nay, khoảng 80% số trạm y tế cơ sở trên toàn quốc đã triển khai khám chữa bệnh BHYT với khoảng 20% số thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến xã, phường.
Nhiều quan tâm cho y tế cơ sở
Trong những năm qua, công tác đầu tư cho y tế cơ sở luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chú trọng, không chỉ về cơ sở vật chất mà còn là đào tạo con người và chế độ đãi ngộ. Về chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế tuyến cơ sở đã được cải thiện đáng kể thông qua các chế độ quy định tại Nghị định số 64/2009/NÐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 75/2009/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đột phá về nhận thức và cơ sở pháp lý, hiện thực và cụ thể hóa sự quan tâm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển y tế cơ sở là Nghị định số 117/2014/NĐ-CP ban hành ngày 8/12/2014 quy định về y tế cơ sở.
Ông Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế cho biết, theo Nghị định trên từ tháng 1/2015, gần 38.000 người làm việc tại trạm y tế xã được chuyển đổi chính thức là viên chức theo Luật Viên chức, họ được hưởng nhiều quyền lợi hơn. Trước kia, gần 38.000 người làm việc tại trạm y tế xã chỉ được coi là nhân viên y tế, có nhiều nơi do họ chưa phải là viên chức nên không được khen thưởng dù có thành tích nổi bật, bị hạn chế việc đào tạo và nâng cao trình độ hay khó khăn trong việc điều động từ trạm y tế này sang trạm y tế khác. Hiện nay, khi Nghị định số 117 có hiệu lực thi hành, gần 38.000 nhân viên y tế đủ điều kiện làm việc theo Luật Viên chức sẽ được xét tuyển đặc cách và ký hợp đồng làm việc. Đây là một bước quan trọng để từng bước nâng cấp chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Có thể nói, Nghị định 117 mang tính đột phá mới, khẳng định quan điểm Đảng, Nhà nước quan tâm đến y tế cơ sở. Trạm y tế xã là đơn vị cấu thành Trung tâm y tế huyện. Đặc biệt, nhân lực làm việc tại trạm y tế xã là viên chức Nhà nước theo Luật Viên chức và theo quy định pháp luật. Việc chỉ đạo thực hiện nội dung chuyên môn và các hoạt động của y tế xã cũng sẽ sâu sát hơn do có Trung tâm y tế huyện và do Chủ tịch UBND xã trực tiếp chỉ đạo.
Thái Bình