Y tế cơ sở là nền tảng của ngành y tế

16-12-2017 09:55 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hiện nay, ở nước ta y tế cơ sở đóng vai trò rất quan trọng, góp phần tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với dịch vụ y tế ngay tại cơ sở, bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe và giảm thấp nhất chi phí cho người dân.

Nghị quyết T.Ư 6, khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới (Nghị quyết số 20) xác định,  y tế cơ sở vẫn là nền tảng để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật.

Mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp

Theo thống kê, đến nay mạng lưới y tế trong cả nước đã có gần 14 nghìn cơ sở từ tuyến Trung ương, tỉnh, thành phố, quận, huyện và xã, phường, trong đó, y tế cơ sở có gần 12 nghìn đơn vị. Hiện nay 99,4% số xã có nhà, trạm y tế (0,6% số xã còn lại chưa có cơ sở riêng phải nhờ cơ sở khác); 78,5% số trạm y tế có bác sĩ làm việc; 98,2% số trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 74,3% số thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động; khoảng 80% số trạm y tế xã thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thí điểm quản lý một số bệnh mạn tính như: hen, tăng huyết áp, đái tháo đường... Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong số ít nước có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, rộng khắp, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe.

Y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là khám, chữa bệnh đòi hỏi ở mức cao hơn, cơ chế quản lý, cơ chế tài chính có những thay đổi, thì hệ thống y tế cơ sở cũng đã bộc lộ những hạn chế. Trước kia, do điều kiện giao thông đi lại khó khăn, nhiều người dân chỉ có thể đến trạm y tế xã để khám và điều trị; còn hiện nay, phần lớn người dân có thể lên cơ sở y tế tuyến cao hơn để khám, điều trị. Nhiều trạm y tế xã không còn giường bệnh lưu để điều trị người bệnh do cơ sở vật chất, nhà cửa, trang thiết bị và kể cả trình độ cán bộ không đáp ứng kịp với nhu cầu chẩn đoán và điều trị người bệnh. Mặt khác, ngành y tế đang từng bước tiến tới quản lý sức khỏe toàn dân, chăm sóc sức khỏe một cách liên tục và suốt đời thì cách tiếp cận theo kiểu chỉ khám, phát hiện và điều trị các ca bệnh riêng rẽ sẽ không còn phù hợp.

Trước đây, thực hiện giao nhiệm vụ và đầu tư cho y tế cơ sở theo các nhiệm vụ ưu tiên và theo các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, còn hiện nay, các chương trình mục tiêu y tế đã bị cắt giảm cả về số lượng các dự án và cả về kinh phí. Bên cạnh đó, chi phí phục vụ chi thường xuyên tại trạm y tế được cấp khá thấp, do đó về cơ chế đầu tư cho y tế xã cũng phải cần thay đổi cho phù hợp để bảo đảm có nguồn tài chính hoạt động.

Đổi mới y tế cơ sở

Để mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe, Nghị quyết 20 T.Ư 6, khóa XII về tăng cường Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới ra đã đề ra nhiều giải pháp vừa mang tính cấp thiết vừa mang tính lâu dài. Đó là việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và của toàn xã hội trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao sức khỏe nhân dân; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở.

Trong đó, yêu cầu:

Bảo đảm an ninh y tế, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp. Tăng nguồn lực trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, bệnh lao, bệnh sốt rét. Củng cố vững chắc hệ thống tiêm chủng. Tăng số vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng phù hợp với khả năng ngân sách.

Phát triển y học gia đình: Triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm; chú trọng dự phòng, nâng cao năng lực sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật; đẩy mạnh quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở. Đẩy mạnh kết hợp quân - dân y, y tế ở vùng biên giới, hải đảo. Kết nối y tế cơ sở với các phòng khám tư nhân, phòng chẩn trị Đông y.

Đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe. Triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý trạm y tế, tiêm chủng, quản lý bệnh tật, hồ sơ sức khỏe người dân gắn với quản lý thẻ, thanh toán bảo hiểm y tế.

Thiết lập hệ thống sổ sức khỏe điện tử đến từng người dân. Thực hiện cập nhật các thông tin, chỉ số sức khỏe khi đi khám sức khỏe, chữa bệnh. Có cơ chế, lộ trình phù hợp, từng bước thực hiện để tiến tới mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khỏe, khám và chăm sóc sức khỏe định kỳ.

Chú trọng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật, người bị ảnh hưởng bởi hậu quả của chiến tranh và các đối tượng ưu tiên; phát triển các mô hình chăm sóc người cao tuổi phù hợp.


Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn