Y tế cơ sở, lá chắn bảo vệ cộng đồng trước bệnh lao

18-08-2023 15:19 | Y tế

SKĐS - Nâng cao năng lực và đẩy mạnh vai trò của Y tế cơ sở trong công tác phòng chống lao là nội dung chủ đạo mà Hội nghị Sơ kết Chương trình Chống lao Quốc gia 6 tháng đầu năm và phương hướng trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 tập trung hướng tới.

Sáng 18/8, tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An), Chương trình Chống lao Quốc gia (CTCLQG) đã tổ chức "Sơ kết công tác Phòng, chống lao 6 tháng đầu năm và phương hướng trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023".

Tăng tối đa số bệnh nhân lao được phát hiện, chẩn đoán và điều trị

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Tiến sĩ. Bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Bởi, nếu chúng ta không làm, hậu quả sẽ rất rõ, hơn 12.000 người chết mỗi năm, hơn 100.000 gia đình lo lắng và ảnh hưởng đến thu nhập và sản xuất của cải vật chất cho xã hội.

Đẩy mạnh vai trò của Y tế cơ sở trong công tác phòng chống lao - Ảnh 1.

TS.BS Đinh Văn Lượng nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống Y tế cơ sở, vận động đẩy mạnh vai trò của Y tế cơ sở trong công tác phòng, chống lao.

Việt Nam hiện vẫn đứng thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất trên thế giới. Trong 2 năm xảy ra dịch COVID-19, công tác phòng, chống lao tại Việt Nam chịu những ảnh hưởng rất nghiêm trọng, đưa Việt Nam trở thành là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch.

Năm 2022 đã chứng minh cho sự phục hồi mạnh mẽ của Chương trình chống lao, với số phát hiện bệnh lao tăng gần 31% so với năm 2021. Mặc dù vậy, Việt Nam cũng chỉ mới phát hiện được khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính trong cộng đồng.

Chương trình Chống Lao tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các can thiệp phòng chống lao nhằm tăng tối đa số bệnh nhân lao được phát hiện, chẩn đoán, thu nhận vào điều trị. Số liệu phát hiện 6 tháng đầu năm 2023 của CTCLQG đã có sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2020, 2021, 2022 và thậm chí còn cao hơn cả cùng kỳ năm 2019, thời điểm COVID-19 chưa xảy ra tại Việt Nam.

Lá chắn bảo vệ cộng đồng trước bệnh lao

TS.BS Đinh Văn Lượng nhấn mạnh lại tầm quan trọng của hệ thống Y tế cơ sở, vận động đẩy mạnh vai trò của Y tế cơ sở trong công tác phòng, chống lao. Đây là lực lượng gần dân nhất, trực tiếp nhất, một mạng lưới Y tế cơ sở đủ năng lực, có trách nhiệm, tâm huyết luôn là lá chắn bảo vệ cộng đồng trước bệnh lao.

Đẩy mạnh vai trò của Y tế cơ sở trong công tác phòng chống lao - Ảnh 2.

Toàn cảnh hội nghị Sơ kết công tác phòng chống lao 6 tháng đầu năm và phương hướng trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.

Hệ thống phòng, chống lao cần lồng ghép với hệ thống y tế chung. Tương tự, hệ thống y tế cơ sở cũng cần xác định rõ ràng có vai trò quan trọng trong thực hiện công tác truyền thông, phát hiện người nghi mắc lao, nhóm nguy cơ mắc lao cao để tư vấn tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh kịp thời. Đồng thời, cung cấp dịch vụ chẩn đoán và điều trị hiệu quả, dễ tiếp cận tại tất cả các tuyến của hệ thống y tế nhằm đảm bảo người bệnh được chẩn đoán bệnh sớm và đưa vào điều trị, cắt đứt nhanh nguồn lây bệnh trong cộng đồng.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh phát hiện chủ động tại cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế, tập trung vào các nhóm nguy cơ cao, sử dụng hiệu quả xe Xquang di động kỹ thuật số và các máy Xquang di động được cấp cho các tỉnh trong phát hiện bệnh nhân lao. Đặc biệt, tiếp tục triển khai mở rộng mô hình phát hiện chủ động bệnh lao, lao tiềm ẩn quy mô rộng tại cộng đồng, với sự cam kết và đồng hành của Lãnh đạo, chính quyền địa phương với hoạt động phòng, chống lao.

Khẩn trương triển khai các hoạt động dự án từ các nguồn kinh phí đã được Bộ Y tế và nhà tài trợ phê duyệt. Đặc biệt, lưu ý thường xuyên rà soát tiến độ giải ngân nguồn Quỹ Toàn cầu và có những đề xuất điều chỉnh phù hợp với nhu cầu, năng lực của đơn vị, ưu tiên điều chỉnh triển khai các can thiệp giúp tăng cường phát hiện bệnh lao.

Đẩy mạnh vai trò của Y tế cơ sở trong công tác phòng chống lao - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, số liệu phát hiện của CTCLQG đã có sự cải thiện đáng kể, thậm chí cao hơn cùng kỳ năm 2019 là thời điểm trước khi bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đây là kết quả từ sự chỉ đạo sát sao của Ban điều hành CTCLQG, từ nỗ lực to lớn của hệ thống chống lao trên toàn quốc trong việc mở rộng và đẩy mạnh triển khai chiến lược 2X để phát hiện tích cực và phát hiện chủ động bệnh lao, góp thêm tín hiệu lạc quan về kết quả phát hiện bệnh lao năm 2023 sẽ vượt trội hơn những năm trước đó.

Trong 6 tháng tiếp theo, bên cạnh việc khẩn trương triển khai hiệu quả các hoạt động dự án nguồn Quỹ Toàn cầu giai đoạn 2021-2023, nguồn CDC, USAID… đã được Bộ Y tế và nhà tài trợ phê duyệt; CTCLQG tiếp tục hoàn thiện các quy trình vận động và tiếp nhận viện trợ cho hoạt động phòng chống lao giai đoạn tiếp theo.

Tích cực tham mưu Bộ Y tế và các Bộ ngành trình Chính phủ có các chính sách hỗ trợ người bệnh lao, mở rộng phát hiện chủ động tại cộng đồng, lồng ghép trong hệ thống y tế cơ sở, vận động sự cam kết và hỗ trợ tài chính từ chính quyền địa phương cho công tác phòng chống lao.

Y tế cơ sở, lá chắn bảo vệ cộng đồng trước bệnh lao - Ảnh 4.

Lãnh đạo Bệnh viện Phổi Trung ương kiểm tra hoạt động khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Phổi Nghệ An

Trước đó, ngày 17/8, lãnh đạo Bệnh viện Phổi Trung ương – CTCLQG đã đến thăm, chỉ đạo công tác khám sàng lọc miễn phí các bệnh lý hô hấp cho người dân tại xã Cát Văn, huyện Thanh Chương (Nghệ An), thăm Bệnh viện Phổi Nghệ An, đồng thời, có những tư vấn, góp ý cho công tác chỉ đạo phòng chống lao trên địa bàn tỉnh.

Nghệ An: 100% người dân được tiếp cận với các dịch vụ phòng, chống laoNghệ An: 100% người dân được tiếp cận với các dịch vụ phòng, chống lao

Theo Bệnh viện phổi Nghệ An, mục tiêu hướng đến của đơn vị trong năm 2023 đó là tiếp duy trì mạng lưới phòng chống lao, đảm bảo cho 100% người dân trên địa bàn được tiếp cận với các dịch vụ phòng, chống lao.



Từ Thành - Vũ Đồng
Ý kiến của bạn