Hà Nội

Y tế cơ sở cứu sống nhiều ca bệnh tay chân miệng nguy kịch bằng kỹ thuật lọc máu

19-08-2023 07:27 | Y tế
google news

SKĐS - Nhiều bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng nặng và nguy kịch đã được một số bệnh viện tuyến tỉnh dùng kỹ thuật lọc máu cứu sống kịp thời.

Cứu bệnh nhân tay chân miệng nguy kịch bằng kỹ thuật lọc máu

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định là bệnh viện tuyến tỉnh nhưng đã cứu chữa thành công nhiều bệnh nhân tay chân miệng nặng, trong đó có bệnh nhân đã cận kề với "cửa tử".

Bác sĩ Võ Thành Nam Bình- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định chia sẻ: "vài năm trước, bệnh nhân mắc tay chân miệng độ 4 (độ nặng nhất), tuyến y tế cơ sở chúng tôi phải bó tay thì nay đã cứu được bệnh nhân bằng kỹ thuật lọc máu".

Bệnh nhân tay chân miệng điển hình được cứu sống nhờ kỹ thuật lọc máu ở Bình Định là cháu T.K.D (14 tháng tuổi, thường trú Diêu Trì, Tuy Phước, Bình Định). Cuối tháng 7, cháu D. được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định với tình trạng rối loạn hô hấp, sốt cao, có dấu hiệu tổn thương não, thở nấc…

Các bác sĩ chẩn đoán D. đã mắc bệnh tay chân miệng độ 4, cần cấp bách tiến hành lọc máu mới có thể cứu sống. Sau 36 tiếng được lọc máu, cháu D. đã vượt qua tình trạng nguy kịch nên chuyển qua cho thở máy kết hợp dùng thuốc. Đến nay, tình trạng sức khỏe cháu D. đã ổn định.

Y tế cơ sở lọc máu cứu kịp thời bệnh nhân tay chân miệng nặng - Ảnh 2.

Lọc máu và thở máy đã cứu sống bệnh nhân tay chân miệng nguy kịch ở Khánh Hòa

Cũng bằng kỹ thuật lọc máu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) vừa cứu thành công một bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng độ 4 (đây cũng là bệnh nhân tay chân miệng đầu tiên thoát "cửa tử" nhờ kỹ thuật lọc máu ở bệnh viện). Đến nay bệnh nhân đã khỏe mạnh, tỉnh táo bình thường. Trước đó, bệnh nhân này được chuyển đến viện khi đã ở tình trạng nặng, sau đó xuất hiện các triệu chứng sốc, phù phổi, tím tái, thở nấc…

Trước tình huống khẩn cấp, các bác sĩ xác định chỉ có thể dùng kỹ thuật lọc máu mới có thể giành giật lại sự sống cho người bệnh.

Bác sĩ Đỗ Duy Bình – Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa) cho biết, là bệnh viện tuyến cơ sở nhưng có ngày bệnh viện tiếp nhận gần 10 ca tay chân miệng nặng (năm 2022 không có ca nào). Với những ca phải lọc máu, thở máy, y bác sĩ theo dõi từng phút để ứng phó kịp thời các chuyển biến của bệnh nhân.

Số ca mắc bệnh tay chân miệng mới vẫn nhiều ở Khánh Hòa và Bình Định

Dù đã áp dụng nhiều giải pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng nhưng đến nay, số ca mắc mới vẫn được ghi nhận nhiều tại Bình Định; Khánh Hòa.

Y tế cơ sở lọc máu cứu kịp thời bệnh nhân tay chân miệng nặng - Ảnh 3.

Biểu hiện mắc bệnh tay chân miệng ở trẻ (ảnh minh họa)

Tại Bình Định, từ đầu năm đến hết ngày 15/8 đã phát hiện 467 ca bệnh tay chân miệng. Trong tuần từ ngày 9/8 đến 15/8 đã liên tục ghi ghi nhận 3 ổ dịch tay chân miệng tại Nhơn Lý (Quy Nhơn); Phước Sơn (Tuy Phước) và Cát Trinh (Phù Cát). Hiện tại, TP. Quy Nhơn đang là địa phương có nhiều ca mắc tay chân miệng nhất ở Bình Định (142 ca).

Tại Khánh Hòa, trong những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày ghi nhận trên 30 ca mắc bệnh tay chân miệng.

Tổng số ca mắc tay chân miệng từ đầu năm đến hết ngày 16/8 ở Khánh Hòa là 2.259 ca, trong đó nhiều nhất là TP. Nha Trang (764 ca), các bệnh nhân nặng đến rất nặng hầu hết được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa điều trị.

Y tế cơ sở lọc máu cứu kịp thời bệnh nhân tay chân miệng nặng - Ảnh 4.

Thấy dấu hiệu bất thường nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng, các bậc phụ huynh cần đưa ngay con mình đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn, điều trị

Trước tình trạng tăng mạnh ca mắc bệnh tay chân miệng ở địa phương, bác sĩ Tôn Thất Toàn- Phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần lưu ý là bệnh tay chân miệng đang diễn biến phức tạp ở Khánh Hòa nên không được chủ quan. Đặc biệt đã có sự xuất hiện của vi rút Entero 71 (EV71), là tác nhân thường gây bệnh tay chân miệng nặng, nguy kịch. Hàng ngày, phụ huynh hãy xem kỹ tay, chân, mông…con mình, nếu phát hiện thấy nốt đỏ bất thường hãy đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị.

Những thực phẩm không nên cho trẻ ăn khi mắc bệnh tay chân miệngNhững thực phẩm không nên cho trẻ ăn khi mắc bệnh tay chân miệng

SKĐS - Trong thời gian trẻ mắc bệnh tay chân miệng cần hạn chế một số thực phẩm có thể làm tăng khả năng lây truyền và gây khó chịu cho trẻ. Theo TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, ngoài việc cho trẻ ăn lỏng, lạnh, lạt, trẻ mắc bệnh tay chân miệng còn phải đặc biệt lưu ý một số điều khác.


Đông Hưng
Ý kiến của bạn