Đợt mưa lũ lớn diễn ra từ ngày 4/11 đến nay trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định đã gây ra những thiệt hại nặng nề. Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, đợt mưa lũ lớn lần này đã làm 7 người chết và mất tích, hàng nghìn hécta lúa, hoa màu và nhà cửa bị ngập úng.
Nhiều thiệt hại
![]() Thành phố Huế ngập do mưa lũ. |
Tại tỉnh Quảng Nam, mưa lũ đã làm 4 người chết do lũ quét xảy ra ở huyện Nông Sơn. Trong khi đó, tại huyện Nam Trà My, mưa to gây sạt lở nghiêm trọng tuyến đường huyết mạch ĐT 616 từ Bắc Trà My lên Nam Trà My, khiến huyện Nam Trà My bị cô lập với đồng bằng. Đường từ trung tâm huyện Nam Trà My và từ trung tâm huyện Tây Giang lên các xã vùng cao bị sạt lở ách tắc, gây khó khăn cho việc vận chuyển lương thực cứu trợ đồng bào.
Y tế vận dụng linh hoạt “4 tại chỗ”
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, một vùng áp thấp đã hình thành hồi 13 giờ ngày 6/11. Ngoài ra ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ chịu ảnh hưởng kết hợp với rãnh áp thấp qua Trung Trung Bộ nên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Do ảnh hưởng, mực nước trên các sông ở Nam Trung Bộ sẽ lên, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có khả năng lên lại. Đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi và ngập lụt ở vùng trũng, đồng bằng các tỉnh trên.
Trong một diễn biến khác của thiên tai, tại TP.HCM, triều cường đo được tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn lên mức 1,57m (cao hơn dự báo 8cm) và là đỉnh lớn nhất trong lịch sử. Nhiều đoạn bờ bao bị tràn, nước đổ vào các khu dân cư gây ngập úng kéo dài. Trận triều cường này đã khiến nhiều người dân bị bất ngờ, trở tay không kịp, nước tràn vào nhà. |
Ông Phạm Nguyễn Cẩm Thạch - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, do dự báo mùa mưa bão luôn diễn biến phức tạp nên tỉnh đã yêu cầu các địa phương chủ động 4 tại chỗ. Riêng với ngành y tế, lãnh đạo Sở đã yêu cầu y tế các địa phương phát huy lực lượng y tế thôn bản nắm chắc số người bị ốm, bị nạn để kịp thời có phương án hỗ trợ. Đồng thời, nhờ chủ động từ trước vì vậy số thuốc cấp cứu được chuẩn bị chu đáo. Bên cạnh đó, ngành y tế phối hợp với các ban ngành địa phương hướng dẫn người dân dự trữ lương thực thực phẩm, cách xử lý nguồn nước bị ô nhiễm để chủ động đối phó với các tình huống bị chia cắt dài ngày.
Theo ông Nguyễn Dung - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, ngay sau khi lũ rút, Sở sẽ cử cán bộ y tế dự phòng trực tiếp xuống cơ sở phối hợp trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố triển khai ngay các biện pháp như: phun hóa chất, hướng dẫn xử lý nước sinh hoạt bằng chloramin B; làm vệ sinh môi trường, xử lý xác gia súc, gia cầm. Cùng đó, yêu cầu các trung tâm y tế, bệnh viện trên địa bàn tăng cường thực hiện chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần phòng chống các loại dịch bệnh về tiêu hóa, ngoài da, các bệnh về mắt… Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, nhanh chóng dập tắt dịch bệnh, không để lây lan trên diện rộng.
Đăng Lũy - Minh Điền