Hà Nội

Y tế các tỉnh phía Bắc tích cực khắc phục hậu quả mưa lũ

27-06-2018 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 26/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Bộ NN&PTNT đã thị sát và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Tại bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, điểm sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh, Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác đã thăm hỏi và động viên các gia đình bị thiệt hại. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tập trung rà soát những khu vực nguy hiểm để di dân ra vùng an toàn; theo dõi chặt chẽ tình hình thực tế để có những biện pháp xử lý kịp thời. Phó Thủ tướng chỉ đạo các lực lượng chức năng phải bằng mọi biện pháp, huy động mọi lực lượng, phương tiện, máy móc để xử lý các điểm sạt lở, đảm bảo thông xe cho các tuyến đường bị ùn tắc; đồng thời triển khai các biện pháp cứu hộ cứu nạn, tìm kiếm người dân bị mất tích, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, sớm ổn định cuộc sống.

Sạt lở đất tại Lai Châu sau mưa lũ. Ảnh: Sở Y tế Lai Châu cung cấp

Sạt lở đất tại Lai Châu sau mưa lũ. Ảnh: Sở Y tế Lai Châu cung cấp

Theo Số liệu báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, đến 16h ngày 26/6, số người chết do mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã tăng lên 19 người (Hà Giang 5, Lai Châu 14) và 11 trường hợp khác tại Lai Châu vẫn đang mất tích.

Trao đổi với PV báo SK&ĐS, TTƯT. Nguyễn Văn Đối, Giám đốc Sở Y tế Lai Châu cho biết, qua con số thống kê chưa đầy đủ, thiệt hại về cơ sở vật chất của ngành y tế là rất lớn. Tại huyện Sìn Hồ, Trạm y tế xã Nậm Cha vẫn đang bị cô lập. Trạm y tế xã Căn Co, quả đồi phía sau trạm y tế đổ sập, đất tràn vào toàn bộ hành lang của trạm. Trạm y tế xã Pa Khóa, hiện tại không có nước sạch về trạm, nguy cơ sạt lở từ các quả đồi bên cạnh luôn đổ vào bất kỳ lúc nào. Tại huyện Nậm Nhùn, Trạm y tế xã Lê Lợi đã xuất hiện những vết rạn nứt, nguy cơ đổ sập là rất lớn. Trạm y tế xã đã báo cáo UBND xã, Trung tâm y tế huyện sơ tán toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh và trang thiết bị đến nơi an toàn.

Theo TTƯT. Nguyễn Văn Đối, hiện nay Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị có mặt tại các “điểm nóng”, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan của chính quyền cơ sở trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục, tìm kiếm cứu nạn, đưa người bị thương về Trung tâm y tế điều trị. Ngành y tế Lai Châu đã thành lập một tổ vệ sinh phòng dịch, đưa hóa chất, vật tư, thiết bị xuống vùng mưa, lũ triển khai công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng bệnh.

Tại Hà Giang, TTƯT. Lương Viết Thuần cho biết, lãnh đạo Sở Y tế đã chỉ đạo các địa phương nắm sát tình hình mưa lũ, kịp thời chi viện cho cơ sở. Cung cấp đầy đủ thuốc men, trang thiết bị y tế xuống các vùng bị thiên tai để kịp thời khám chữa bệnh ngay cho nhân dân. Với phương châm nước rút đến đâu, xử lý môi trường ngay đến đấy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của tỉnh đã được yêu cầu tăng cường lực lượng ứng trực sẵn sàng hỗ trợ tuyến trước khi có yêu cầu. Đồng thời, tăng cường giám sát dịch bệnh, không để dịch bùng phát sau mưa lũ.


Vi Anh
Ý kiến của bạn