Do ảnh hưởng của bão, ở Bình Định gió giật cấp 9-11, Quảng Ngãi giật cấp 9. Các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến 150-300mm. Bão đã làm hư hại nhiều cơ sở vật chất của các cơ quan, tốc mái 520 căn nhà và hư hại 280 héc ta hoa màu.
Tiếp tục ứng phó, không chủ quan
Mặc dù đã thành áp thấp nhiệt đới nhưng theo Trung tâm khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ: Do ảnh hưởng của bão, cho đến hết ngày 2/11, trên vùng biển các tỉnh Nam Trung Bộ, gió mạnh cấp 6-7, sóng biển cao 2-3m, biển động rất mạnh. Triều cường kết hợp nước dâng tạo nên nhiều rủi ro. Vậy nên, công tác ứng phó vẫn phải được thực hiện, nhất là đối với hệ thống tàu thuyền, ngư dân làm nghề khai thác, đánh bắt trên các vùng biển.
Theo thống kê, các tỉnh Nam Trung Bộ đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 56.715 phương tiện/278.407 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão, và sự nguy hiểm của biển động sau bão, trong đó hoạt động trong khu vực nguy hiểm có 557 tàu/6.230 người; hoạt động khu vực khác và neo tại bến là 56.158 tàu/272.177 người. Hai tàu bị sự cố là tàu BĐ 98413 TS có 6 ngư dân đang được các tàu trong tổ đội hỗ trợ kéo khỏi phạm vi nguy hiểm.
Tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa tiếp tục cấm biển cho đến khi hết các đợt triều cường nguy hiểm. Bên cạnh đó, lệnh cấm các tàu thuyền dời khỏi nơi trú ẩn, neo đậu an toàn vẫn được áp dụng cho đến khi biển hoàn toàn hết động.
Sáng ngày 31/10, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: Ảnh hưởng bão số 5 không lớn. Tuy nhiên, đề phòng ảnh hưởng sau bão, tỉnh tiếp tục để 1.227 tàu thuyền neo đậu tại bến an toàn. Tại 88 điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở với 3.707 hộ/15.406 nhân khẩu được bảo vệ an toàn và tiếp tục chủ động ứng phó với mưa to, tránh chủ quan khi có sạt lở.
Trao đổi với ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa được biết: Từ khi nhận được các thông báo liên quan đến bão số 5, toàn ngành y tế đã lên kế hoạch chủ động trong mọi tình huống. Chủ động theo dõi diễn biến của thời tiết, hạn chế tối đa để xảy ra trường hợp mưa gió, ngập lụt ảnh hưởng đến người và tài sản, trang thiết bị. Chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các cơ sở y tế. Thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người bệnh, cán bộ y tế. Sẵn sàng phương án sơ tán người và trang thiết bị khi có nguy cơ ngập lụt hoặc bị thiệt hại. Các cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện phục vụ cho công tác cấp cứu, phòng chống thiên tai do bão lũ gây ra cũng được chuẩn bị đầy đủ, phát đến các vùng trọng điểm mà bão ảnh hưởng trực tiếp đến như Vạn Ninh, Ninh Hòa...
Bên cạnh đó, tuyên truyền các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm khi có lũ lụt hoặc sau bão. Các đội y tế cơ động, cấp cứu ngoại viện chủ động sẵn sàng tham gia sơ cấp cứu, vận chuyển người bị nạn đến các bệnh viện, hạn chế tối đa các thiệt hại về người.
Tập trung khắc phục các hư hại
Ngành y tế các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa đều sẵn sàng các loại thuốc men, hóa chất phòng, chống các ổ dịch có thể bùng phát sau bão. Tại các điểm ngập úng, ngay khi nước rút sẽ được xử lí, ngăn ngừa các dịch bệnh phát sinh theo phương châm nước rút đến đâu, xử lý môi trường đến đó.
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế Bình Định ký văn bản chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố rà soát cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị phòng chống bão lụt, phòng chống dịch, đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất xử lý nước, xử lý môi trường cho các trạm y tế; chỉ đạo cung ứng viên khử khuẩn nước cho người dân vùng có nguy cơ ngập lụt để xử lý nước sinh hoạt trong thời gian ngập lụt; chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, đề phòng dịch bệnh có thể phát sinh trong, sau bão, mưa, lũ.
Một số tuyến đường, tuyến điện ở Lý Sơn, Trà Bồng, Ba Tơ, Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi bị hư hỏng do mưa bão sáng ngày 31/10 cũng đã được các lực lượng chức năng bắt tay khắc phục, sửa chữa.
Sáng 31/10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã chủ trì họp trực tuyến với một số địa phương trong vùng bị ảnh hưởng của cơn bão số 5. Trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt là địa phương, tập trung khắc phục hậu quả cơn bão, hỗ trợ thăm hỏi người dân bị nạn, bị thương, bị mất tài sản…
Bằng nguồn lực tại chỗ của địa phương để triển khai sửa chữa nhà cửa, trường học và cơ sở khám chữa bệnh, phục hồi tuyến đường giao thông, các công trình thủy lợi… Đồng thời, cần theo dõi chặt diễn biến mưa lũ sau bão, đặc biệt chú ý các giải pháp phòng chống lũ ống, lũ quét do khu vực miền Trung-Tây Nguyên có địa hình dốc, rất dễ xảy ra lũ.