Hà Nội

Y tế các địa phương cùng nhân dân ứng phó mưa lũ

17-11-2013 22:02 | Thời sự
google news

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa to, kết hợp với việc xả lũ của các hồ thủy điện đã gây ngập lụt tại một số tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Tính đến trưa ngày 17/11, ngập lụt ở khúc ruột miền Trung và Tây Nguyên đã làm ít nhất 25 người chết và mất tích,

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa to, kết hợp với việc xả lũ của các hồ thủy điện đã gây ngập lụt tại một số tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Tính đến trưa ngày 17/11, ngập lụt ở khúc ruột miền Trung và Tây Nguyên đã làm ít nhất 25 người chết và mất tích, hàng nghìn nhà dân bị chìm trong biển nước. Trong bối cảnh đó, y tế các địa phương cũng đã sẵn sàng trang thiết bị y tế, cơ số thuốc phục vụ nhân dân và phòng chống dịch bệnh. Ghi nhận của phóng viên - cộng tác viên tại một số địa phương.

Y tế các địa phương cùng nhân dân ứng phó mưa lũ 1Mưa lớn gây chia cắt giao thông tại Bình Định. Ảnh: Văn Lưu

Tại Bình Định: Mưa lớn trong hai ngày đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 14 người, nhiều nhà bị ngập sâu, đường quốc lộ bị chia cắt. Ngành y tế Bình Định cũng bị thiệt hại về cơ sở vật chất. Trao đổi với PV báo Sức khỏe&Đời sống qua điện thoại, sáng 17/11, BS. Nguyễn Văn Cang, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định cho biết, bước đầu ngành y tế chưa có thiệt hại về nhân lực, tuy nhiên một số cơ sở y tế như BV Tâm thần, BV Lao và Phổi bị ngập sâu trong nước. Một số cơ sở y tế như trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện nằm ở những vùng thấp trũng đã bị hư hại như thấm, dột. Tuy nhiên, trước đó, ngành y tế đã chủ động di dời bệnh nhân đến nơi an toàn và vẫn đảm bảo nhu cầu điều trị. Về công tác chuẩn bị cấp cứu và phòng chống dịch bệnh sau khi lũ rút, BS. Cang cho biết, trên tinh thần chủ động phòng, chống bão lũ đã được địa phương chuẩn bị từ trước nên ngành y tế đã chuẩn bị cơ số thuốc cấp phát cho các cơ sở y tế, đồng thời chỉ đạo y tế các địa phương hướng dẫn bà con vệ sinh phòng dịch trong lũ. Bên cạnh đó, y tế cơ sở cũng sẵn sàng các phương án xử lý vệ sinh môi trường ngay sau khi lũ rút. Lãnh đạo Sở Y tế và các phòng ban bố trí người trực 24/24 giờ cả ngày nghỉ, đồng thời cắt cử người trực tiếp đi xuống các địa phương chỉ đạo thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trong mưa lũ.

Tại Gia Lai: Theo báo cáo nhanh của Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão tỉnh, mưa lớn kết hợp với việc xả lũ của các hồ thủy điện đã gây thiệt hại tại các địa phương này.

Tại thị xã An Khê, mưa lớn đã làm toàn bộ đường trong các xã bị chia cắt hoàn toàn. Đặc biệt, khu vực đầu đèo An Khê bị sạt lở nặng gây ách tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 19, nhiều hộ dân đã phải di tản khỏi nhà để tránh lũ. Đại diện Sở Y tế Gia Lai cho biết, địa phương này luôn luôn chủ động sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết và đã chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, nhân lực y tế cũng như đã thực hiện cấp phát thuốc cho các cơ sở y tế tuyến dưới để xử lý môi trường ngay sau khi lũ rút.

Tại Kon Tum: Trao đổi với phóng viên, BS. Nguyễn Thị Ven, Giám đốc Sở Y tế Kon Tum cho biết, hiện nay chưa có báo cáo thiệt hại gì về cơ sở cũng như nhân lực y tế. Mặc dù vậy, ngành y tế Kon Tum không chủ quan mà đã chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án ứng phó từ cơ số thuốc đến nhân lực y tế. Trước mắt, ngành y tế chỉ đạo rà soát toàn bộ những địa phương có địa hình khó khăn như Măng Đen, Tu Ma Rông, Đăk Lây thống kê thiệt hại để có chỉ đạo và ứng phó kịp thời. Bên cạnh đó, các đơn vị y tế thành lập đội cấp cứu lưu động sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu hỗ trợ y tế. Yêu cầu tiên quyết là ngành y tế vẫn luôn luôn phải đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh cho người dân.

PV - CTV


Ý kiến của bạn