Hà Nội

Y tế các địa phương chủ động ứng phó bão số 4

17-08-2018 08:47 | Thời sự
google news

SKĐS - Trước tình hình cơn bão số 4 đang tiến vào đất liền nước ta ngành y tế các địa phương nơi dự báo bão sẽ đổ bộ đang tích cực phối hợp các sở, ban, ngành địa phương phòng chống bão.

Nam Định: Đội cấp cứu lưu động đã sẵn sàng

Bà Bùi Thị Minh Thu - Giám đốc Sở Y tế Nam Định cho biết: Từ ngày 15 và ngày 16/8, UBND tỉnh Nam Định đã gửi 2 công văn về Sở Y tế Nam Định chỉ đạo việc phòng tránh bão. Theo đó, Sở Y tế tỉnh Nam Định đã hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó cơn bão theo phương châm 4 tại chỗ để đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, cán bộ, nhân viên y tế cũng như người bệnh. Thực hiện chằng, chống nhà cửa ở các khoa phòng, cơ sở y tế, tháo dỡ biển bảng; Sẵn sàng các lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn; Đội cấp cứu cơ động trực 24/24h; Sẵn sàng các cơ số thuốc men để ứng phó với dịch bệnh do bão gây ra.

Thái Bình: Chia làm 8 mũi trực chiến

Ông Tô Hồng Quang - Phó Giám đốc Sở Y tế Thái Bình cho biết, hiện nay, ngành y tế Thái Bình, Trung tâm Phòng chống thiên tai và Dịch bệnh Thái Bình đang triển khai các đội công tác ứng phó với bão số 4. Cụ thể, triển khai 8 mũi từ trung tâm, thành phố, trạm y tế. Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ thuốc men dự phòng, hóa chất khử khuẩn.

Quảng Ninh: Chủ động bảo vệ nhân dân

Sở Y tế Quảng Ninh đã có văn bản yêu cầu các đơn vị y tế trên địa bàn chủ động kế hoạch bảo vệ an toàn cho người bệnh, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ xảy ra lũ, ngập úng, sạt lở đất, đồng thời sẵn sàng phương án sơ tán người và tài sản khi cần thiết.

Chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai; Tổ chức trực ban, trực cấp cứu 24/24h sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn khi có nhu cầu; Thực hiện thu dung, cấp cứu và điều trị miễn phí cho nạn nhân do mưa bão gây ra; Các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ cho tuyến dưới khi có lệnh điều động.

Tập trung phòng chống bão, giảm thiệt hại tối đa

Trước tình hình bão số 4 đang đổ bộ vào nước ta, dự báo có phạm vi ảnh hưởng rộng, kèm theo mưa lớn ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Để chủ động đối phó với bão, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố tập trung, khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền đang hoạt động trên biển, tuyệt đối không để người dân ở lại lồng bè, chòi canh, tàu thuyền; Chủ động các phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản đối với các hoạt động du lịch,... Chỉ đạo hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, biển quảng cáo, chặt tỉa cành cây; Đảm bảo an toàn cho các công trình công cộng, bến cảng, khu công nghiệp ven biển, kho tàng, hầm lò, hệ thống truyền tải điện,…

Các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Bộ: Kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, thông báo cho người dân để chủ động phòng tránh và kiên quyết sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tổ chức cắm biển cảnh báo, tuần tra canh gác các khu vực ngầm tràn, đường bị ngập sâu và nghiêm cấm vớt củi khi có lũ. Chủ động tiêu thoát nước chống úng cho các diện tích lúa và hoa màu. Các tỉnh, thành phố không tiêu tự chảy phải thực hiện bơm tiêu cưỡng bức chống ngập úng đô thị, dân sinh và sản xuất nông nghiệp.

Để đảm bảo phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trong bão số 4, Bộ Y tế đã có Công điện khẩn số 796/CĐ-BYT gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đề nghị triển khai các công tác y tế trong ứng phó bão số 4. Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố; các đơn vị trực thuộc Bộ khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ khẩn trương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin; phát huy phương châm 4 tại chỗ, ứng phó kịp thời những diễn biến bất thường của bão, mưa lũ. Các cơ sở y tế chủ động tham gia cùng các cấp, ban ngành kiểm tra rà soát sẵn sàng sơ tán khẩn trương các cơ sở y tế ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống hoặc vùng thấp trũng dễ bị ngập sau khi mưa lớn để đảm bảo an toàn tính mạng nhân viên y tế và bệnh nhân...
Hùng Nhu


Thanh Loan
Ý kiến của bạn