Tham gia với đoàn công tác số 5 trong chuyến hải trình 10 ngày lênh đênh trên con tàu kiểm ngư mang số hiệu 491 thuộc Chi đội Kiểm ngư số 4 đi thăm, tặng quà và làm việc tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa những ngày cuối tháng 4, đến tìm hiểu các bệnh xá, cơ sở quân y ở các điểm đảo như: Trường Sa Lớn, Trường Sa Ðông, Sinh Tồn, Ðá Lớn, Cô Lin, Ðá Tây, Ðá Lát, Phan Vinh…, phóng viên báo Sức khỏe&Ðời sống đều nhận thấy sự nỗ lực vượt khó để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và người dân, ngư dân trên vùng biển Trường Sa.
Nỗ lực đáng ghi nhận
Thực hiện Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 317/QĐ-TTg, trong nhiều năm qua, công tác y tế biển, đảo được các bệnh viện trong quân đội đã luân phiên chuyển quân ra các đảo thực hiện nhiệm vụ khám và chữa bệnh ở Trường Sa, họ luôn chủ động khắc phục khó khăn, tận tâm thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho quân và dân trên các đảo. Họ chính là những điểm tựa vững chắc giữa trùng khơi, nơi đầu sóng ngọn gió, là những cánh tay nối dài giữa biển khơi bao la với đất liền. Ngoài hoạt động chuyên môn, các bác sĩ quân y ở huyện đảo Trường Sa còn phải thực hiện các nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, tổ chức triển khai công tác y tế dự phòng, vệ sinh phòng dịch, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho bộ đội và nhân dân trên đảo nêu cao ý thức phòng chống dịch bệnh, giữ gìn vệ sinh môi trường…
Một chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn được các bác sĩ điều trị tại bệnh xá.
Tại tất cả các đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa đều có đội ngũ y, bác sĩ túc trực chăm lo sức khỏe cho quân, dân và ngư dân. Trong đó, Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn ở thị trấn Trường Sa là trung tâm điều trị cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đảo phía Nam quần đảo Trường Sa. Ở đây, Phòng phẫu thuật của bệnh xá có máy siêu âm, máy chụp Xquang, máy điện tim cùng nhiều thiết bị hiện đại khác.
Tại đảo Trường Sa Lớn, trao đổi với Đại úy, BS. Trương Đức Cường - Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi được biết: “Chuyện gặp nạn trên biển là điều khó lường trước, đặc biệt là trong mùa giông bão, vì thế, các y, bác sĩ trên đảo luôn trong tâm thế sẵn sàng. Trang thiết bị y tế ở đây được trang bị tương đối đầy đủ, tuy không thể so sánh với những bệnh viện lớn trong đất liền nhưng đáp ứng đủ nhu cầu khám, chữa bệnh cho quân, dân trên đảo và ngư dân. Với những ca khó, các bác sĩ trên đảo có thể hội chẩn trực tuyến với các bác sĩ tại các bệnh viện quân y như: Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Quân y 108, Bệnh viện Quân y 103...
Thiếu tá Phạm Tuấn Vũ - Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa Đông thăm khám cho bệnh nhân.
Thiếu tá, BSCKI Phạm Tuấn Vũ - Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa Đông cho biết: “Hiện nay, hầu hết các ca bệnh khó, phức tạp từ các đảo khác đều được chuyển về Bệnh xá đảo Trường Sa để xử lý. Với đặc thù thời tiết ở đảo rất khắc nghiệt, để nâng cao hiệu quả điều trị cho các cơ sở quân y ở các đảo, cấp trên cần xác định các cơ số thuốc hợp lý đối với các bệnh thường xảy ra ở vùng biển đảo như: da liễu, bệnh về tiêu hóa, bệnh về mắt, hô hấp…”, Thiếu tá Vũ chia sẻ.
Ghi nhận của chúng tôi về công tác khám và điều trị trên quần đảo Trường Sa trong thời gian qua đã có những sự cố gắng vượt bậc. Đại úy, BS. Trương Đức Cường cho biết thêm: “Được coi là Bệnh viện Trung tâm do đó Bệnh xá đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm trong khám chữa bệnh cho quân, dân và các lực lượng, tổ chức phòng dịch, đảm bảo vệ sinh môi trường, không để dịch bệnh xảy ra. Trong những năm gần đây, số bệnh nhân được điều trị, chăm sóc sức khỏe ngày càng nhiều. Riêng trong năm 2016 và quý I/2017, Bệnh xá đảo đã tiếp nhận, cấp cứu, điều trị trên 3.036 lượt bệnh nhân là quân, dân và ngư dân đánh bắt xa bờ khu vực Trường Sa. Trong đó, nhân dân và công nhân 1.695 ca, ngư dân 398 ca, cấp cứu 653 ca, chuyển vào bờ 11 ca, phẫu thuật 40 ca. Trước thực tế số bệnh nhân tăng cao, các loại bệnh ngày càng đa dạng, chúng tôi luôn nêu cao tinh thần vượt khó cao nhất, nỗ lực học tập và duy trì thường xuyên kênh trao đổi trực tuyến, tư vấn, hội chẩn với các chuyên gia hàng đầu thuộc các chuyên khoa ở Bệnh viện Quân y để được hỗ trợ kịp thời”, BS. Cường cho biết.
Đại úy , BS. Trương Đức Cường (ngồi giữa) - Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa Lớn.
Cần quan tâm đầu tư nhiều hơn đối với y tế biển, đảo
Trao đổi với phóng viên báo SK&ĐS trong chuyến hành trình đáng nhớ này, Đại tá Phan Ngọc Quang - Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 – Đoàn Trường Sa phụ trách 33 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa cho biết: “Thực hiện Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cùng với sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, trong những năm gần đây, hệ thống quân y trên các điểm đảo ở huyện đảo Trường Sa đã được đầu tư trang thiết bị y tế, tăng cường đầy đủ cơ số thuốc chữa bệnh cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Các bệnh xá, cơ sở quân y tại các điểm đảo đều được các bệnh viện thuộc quân đội quan tâm, đưa lực lượng y, bác sĩ luân phiên ra công tác. Việc làm này cho thấy Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã phát huy hiệu quả là chủ trương đúng đắn, cần được quan tâm đầu tư. Bởi vì công tác quân dân y trên biển đảo được giữ vững càng làm cho tình cảm của quân y và ngư dân gắn chặt với nhau hơn”.
Vườn thuốc Nam trên đảo Trường Sa Lớn được các bác sĩ chăm sóc xanh tốt.
Bên cạnh việc được Đảng, Nhà nước, quân đội và các nhà tài trợ quan tâm, động viện và đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại như: máy siêu âm, huyết học, điện tim, tăng áp…, trong nhiều năm qua, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) phối hợp với các bệnh viện triển khai đầu tư các hệ thống y khoa trực tuyến Telemedicine, qua đó giúp các bệnh xá kết nối hình ảnh, dữ liệu về Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Quân y 175… để được hỗ trợ hội chẩn, điều trị các ca bệnh khó.
Nói về y tế biển, đảo, Trung tá Đỗ Thế Tuyến - Chủ tịch UBND xã Trường Sa - Chỉ huy trưởng Đảo Trường Sa cho biết: “Hiện nay, tại đảo Trường Sa Lớn là trung tâm của huyện đảo Trường Sa, một Trung tâm Y tế Thị trấn Trường Sa sắp được đưa vào hoạt động ngay trong tháng 5/2017, việc này sẽ nâng cao năng lực điều trị, khám và chữa bệnh, nhằm giúp cho quân dân, ngư dân trên các đảo hưởng lợi từ các dịch vụ y tế được trang bị hiện đại, cơ bản đáp ứng được công tác khám và điều trị cho các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các xã đảo Trường Sa, những người lính Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn mong muốn được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ nhiều hơn nữa của các cấp từ Trung ương đến địa phương”.
Chia sẻ về những khó khăn của y tế biển đảo, Đại tá Phan Ngọc Quang cho biết: “Một số khó khăn mà người bác sĩ quân y gặp phải đó là các trang thiết bị y tế đặc thù phục vụ cấp cứu, vận chuyển trên biển, đảo còn khó khăn và thiếu, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, không đủ năng lực hoạt động khi có mưa bão chia cắt. Nhân lực y tế cho các xã đảo, huyện đảo còn khó khăn, chưa có đủ đội ngũ cán bộ y tế chuyên ngành về y học biển. Ngoài ra, để thực hiện tốt công tác quân y ở Trường Sa, trước khi ra đảo, các y, bác sĩ cần được tập huấn về đa khoa, nâng cao năng lực chẩn đoán, xử trí nhiều bệnh gắn với đặc thù biển, đảo; đồng thời cần quán triệt tư tưởng, quyết tâm cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài việc làm tốt công tác chuyên môn của người thầy thuốc, đối với các y, bác sĩ công tác ở huyện đảo tiền tiêu Tổ quốc, còn phải chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu để cùng cả nước bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Công tác và làm việc với biển đảo quê hương sẽ rèn luyện cho các bác sĩ mặc áo lính, người chiến sĩ quân y thêm nhiều bản lĩnh để có cái nhìn sâu sắc hơn về nghề y, không chỉ làm chuyên môn y tế, các bác sĩ mặc áo lính cũng phải luyện tập chiến đấu, tăng gia sản xuất mỗi ngày như tất cả những người lính đảo khác. Chính những thầy thuốc chiến sĩ đã góp phần lớn trong việc khẳng định chủ quyền Tổ quốc của mình nơi đầu sóng ngọn gió.