SKĐS - "Tôi đã có lúc tự hứa với mọi người, là nếu tôi không mang lại một chút hy vọng cho những bệnh nhân phong, tôi sẽ bỏ xứ mà đi, xin đừng ai nuối tiếc..."

"Tôi đã có lúc tự hứa với mọi người, là nếu tôi không mang lại một chút hy vọng cho những bệnh nhân phong, tôi sẽ bỏ xứ mà đi, xin đừng ai nuối tiếc. Còn nếu tôi làm được, xin mọi người hãy mở rộng tấm lòng để đón nhận họ như một thành viên đầy thương cảm... Bây giờ thì mọi người đều tin, làng xóm tin, chính quyền tin và ngay cả những người khi nghe đến trung tâm bệnh phong này cũng đã tìm đến...". 

Y tá Nguyễn Thị Xuân, một lời thề trăn trở mãi.... - Ảnh 1.

Câu chuyện của bà diễn ra giữa buổi chiều nắng tháng 6 ở Trại phong Qủa Cảm (tên gọi chính hiện tại là Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh), trong không gian lặng lẽ của những số phận không may. Bà là y tá Nguyễn Thị Xuân, người gắn bó lâu năm nhất ở trại phong này.

Nữ y tá Nguyễn Thị Xuân mặc áo blouse trắng dẫn tôi đi qua những căn nhà có những bệnh nhân phong (cùi) sinh sống ở Trại phong Qủa Cảm (Bắc Ninh), đôi mắt nhìn sâu vào chỗ nằm của người bệnh. Hình ảnh cái chết đầu tiên của một cụ già mắc bệnh phong ở tuổi 84 năm ấy vẫn hiện rõ trong đầu người y tá và là cơ duyên để bà gắn bó mãi ở đây. Bà vẫn còn nghe rõ tiếng thở nặng nhọc hắt ra trên bầu ngực của ông, rồi thân thể một người mắc bệnh "giời đày" bốc mùi đã dấy lên trong lòng cô gái trẻ sự xúc động nghẹn ngào.

Và trong trạng thái vừa đau xót vừa cảm thương ấy, cô gái Nguyễn Thị Xuân đã từ bỏ nghề dạy học để làm một y tá "bất đắc dĩ" trong Trại phong Qủa Cảm. Đúng vậy. Hy sinh cho cuộc đời khác chẳng phải là hạnh phúc của đời mình đó sao? Nguyễn Xuân nhìn qua tấm giấy xin việc và thoáng chốc nhận ra gương mặt của vị lãnh đạo Sở Y tế Bắc Hà (nay là Bắc Ninh và Bắc Giang). Ông ấy hỏi một câu rất chân thành: "Nguyễn Thị Xuân, em đã quyết định chưa?". Cô gái nói: "vâng".

Y tá Nguyễn Thị Xuân, một lời thề trăn trở mãi.... - Ảnh 2.

Vị lãnh đạo ở Trại phong Qủa Cảm nói tiếp: "Em là người con gái dũng cảm nhất. Chúng tôi sẽ đưa em đến với bệnh nhân phong và ở đó em sẽ được thử thách với công việc trong nghề y của mình. Ở đó em có thể chăm sóc bệnh nhân mà em đồng cảm, tắm giặt, thuốc thang, giúp họ tập đi thoải mải. Ở đó em sẽ giúp họ xoa dịu nỗi đau và tìm lại niềm vui chứ không chỉ là những cuộc đời bị ruồng bỏ. Đã đồng cảm với bệnh nhân, sẽ không còn khoảng cách và sợ hãi nữa".

Vị bác sĩ già dặn không hề có ý nói quá lên, nhưng cô gái trẻ Nguyễn Thị Xuân biết rõ tường tận quyết định của mình nhưng không sao hình dung nổi đó là một trại phong với những con người tuyệt vọng. Luôn luôn tỏ ra một điều bí ẩn, vị bác sĩ già vốn đã có nhiều năm tháng kinh nghiệm dịu giọng nói như lời tâm sự: "Khi nào em có thể làm quen tình trạng lở loét và máu mủ trên cơ thể bệnh nhân chúng tôi sẽ sắp xếp cho em một công việc mà em yêu thích".

Những ngày tiếp theo đó, bác sĩ đưa cô Xuân mà trong đầu chưa có chút hiểu biết gì nghề y đi học một lớp điều dưỡng viên đặc biệt, với niềm tin sau khi hoàn thành khóa học có thể quay về phục vụ tại Trại phong Qủa Cảm. Nửa ngày lên lớp, nửa ngày cô y tá trẻ Nguyễn Thị Xuân chăm sóc những bệnh nhân phong như một tình cảm đặc biệt.

Trại phong Qủa Cảm có 300 bệnh nhân tất cả. Họ sống biệt lập trong ngọn đồi đìu hiu của trung tâm và không thể làm gì khác ngoài việc ngồi chờ đợi. Khi về làm một y tá được mấy năm, nhưng không bao giờ bà Xuân tỏ ra chán nản, trái lại còn thấy được truyền động lực, là được sống trong tập thể tràn ngập tình yêu thương với những bệnh nhân tuy đau khổ về thể xác nhưng không bao giờ đánh mất niềm tin ấy.  

Bà chuẩn bị thuốc thang, vệ sinh quần áo và làm dụng cụ chân tay giả để người bệnh di chuyển dễ dàng. Ông Nguyễn Văn Tuấn, ở Sóc Sơn (Hà Nội), cũng ngồi tâm sự với chúng tôi. Ông là người về trung tâm bệnh phong sớm và biết bà Xuân nhiều nhất, rất hòa nhã. "Không có y tá Xuân, những người già bệnh tật như chúng tôi chẳng còn biết làm sao nữa", ông tâm sự.

Khi bệnh nhân gặp phải cơn đau hành hạ, bà Xuân trở thành điểm tựa vững vàng như một thiên thần thấu cảm: "Các cụ biết không? Các cụ không phải ở lâu trong trại phong này đâu. Gia đình từ khắp mong muốn đón các cụ đã và sẽ trở về trong tình tương thân tương ái. Có lẽ cùng lắm thì cũng chỉ vài năm các cụ sẽ khỏi bệnh tật. Ở khắp đất nước ta, hàng nghìn, hàng vạn bác sĩ giỏi nghề, tất cả đều sẽ tìm được phương thuốc chữa lành bệnh cho các cụ, mọi người yêu quý các cụ nhiều lắm. Các cụ sẽ không còn có cảm giác chịu đau đớn, mất cánh tay, mất đôi chân, sẽ giống như một người hoàn toàn lành lặn!".

Tất cả những bệnh nhân phong đều cảm nhận được tình cảm mà y tá Xuân dành cho họ và những cử chỉ chăm sóc nhiệt tình, toa thuốc, bộ quần áo và đôi chân tay giả do cô Xuân tự làm đã khiến cho từng bệnh nhân được an ủi. Nhưng cũng bất hạnh biết bao nhiêu khi có những bệnh nhân vĩnh viễn nằm lại với nơi này. Phía sau ngọn đồi, bà Xuân và các bác sĩ đã tự tay làm một nghĩa trang nho nhỏ. Bà tự tay trồng hàng thông giữa các lối đi, làm bóng mát để phần linh hồn họ được sưởi ấm, nơi mà bà gọi là "Thiên đường không có đau khổ".

Y tá Nguyễn Thị Xuân, một lời thề trăn trở mãi.... - Ảnh 3.

Âm thầm và hy vọng, khi có một vài đơn vị từ thiện tìm đến, tận tay gửi bà Xuân những suất quà và ngỏ ý xây dựng thêm một vài ngôi nhà để các cụ có chỗ trú nắng che mưa. Bà Xuân đón nhận tấm lòng bằng cách mua quần áo, tấm mền, dựng ngôi nhà tình nghĩa ấm áp. Trong những ngày làm một y tá, mọi thứ còn bộn bề lắm, nhưng chẳng bao giờ bà Xuân tỏ ra chán nản. Bà Xuân dường như chẳng quan tâm đến bản thân mà lo cho những bệnh nhân với hy vọng họ sẽ tìm được hạnh phúc trong ngôi nhà mà họ đang sống, cũng bắt đầu từ đó. 

Sau gần một tiếng ở trại phong, chúng tôi ngỡ ngàng với hình ảnh ngôi nhà màu vàng rực rỡ. Đó là thành quả của bà Nguyễn Thị Xuân và các y bác sĩ đã bằng cách nào đó dựng lên với tất cả tấm lòng để bệnh nhân phong có phần yên tâm ở lại và các bệnh nhân ở xa chưa có cơ hội tìm đến.

"Những năm tháng trước khi tôi về đây, mọi thứ không được như bây giờ. Một trung tâm lạnh lẽo và tiêu điều. Những ngôi nhà mốc thếch, các cánh cửa mục ruỗng và kêu cọt kệt vì mối ăn. Mùa đông, trước cái lạnh tê tái của miền Bắc, các cụ không có chăn nên cứ dùng cái áo làm mềm cho khỏi lạnh. Sang đến mùa hè, nắng như thiêu như đốt, không có lấy một bóng râm che mát, các cụ cứ ngồi trong phòng phe phẩy cái quạ tay đến tội nghiệp", y tá Xuân chia sẻ.

Những bệnh nhân phong từ khắp nơi về đây cứ mỗi ngày đông thêm. Như một tấm lòng y đức, y tá Xuân và các bác sĩ tại trung tâm cũng tiếp nhận bằng một tấm lòng có thật nhưng không phải để mặc những bệnh nhân của mình như một cách để có, mà là bằng cử chỉ của một người làm nghề y đầy lòng trắc ẩn.

Y tá Nguyễn Thị Xuân, một lời thề trăn trở mãi.... - Ảnh 4.

Mấy năm sau, bà đã tự tay đi vận động xây dựng được hàng nghìn ngôi nhà với các phòng đủ mọi kích cỡ. Bộ quần áo mới, đôi dép, đôi giày, rồi từng bữa cơm đạm bạc đã như một thứ tình cảm tự nhiên mà y tá Xuân dành cho họ ở cuối cuộc đời. Mỗi ngày được sống là một ngày ý nghĩa, có thể cơ thể rã rời, da thịt lở loét, bong tróc, thần chết đến ngay trước mặt trong những giờ phút mong manh.

Y tá Xuân nhanh nhẹn cầm toa thuốc trên tay. Những bệnh nhân đứng đợi sẵn ở cửa nhưng kiên nhẫn chờ đợi, không giống với một nơi "ốc đảo" hoang vắng mà bà Xuân đã đem lại hơi ấm tình người cho họ từ hai nửa thế giới.

Y tá Xuân dẫn chúng tôi về phía cuối căn phòng cũ. Một ngôi nhà sơn màu vàng nhạt nằm trơ trọi giữa hàng cây vắng vẻ. Cụ Hoàng Thị Các, bệnh nhân gần như nhiều tuổi nhất đang ngồi đó, căn phòng trống trải, có cái quạt điện bé nhỏ. Chỉ có y tá Xuân bước vào, nắm chặt đôi bàn tay gầy guộc của cụ và nói những lời như an ủi. "Cụ phải sống để nhớ ngày trở về nhé", y tá Xuân cất tiếng trầm ấm. Chúng tôi phải đứng trò chuyện ngay giữa khoảng sân vườn.

Y tá Nguyễn Thị Xuân, một lời thề trăn trở mãi.... - Ảnh 5.

Đó là một cách chăm sóc với bệnh nhân mà y tá Xuân vẫn làm mỗi ngày khi bà đi qua hết phòng bệnh nhân này đến phòng bệnh nhân khác. Người bệnh "phong" cần phải vệ sinh mỗi ngày. Chúng tôi nhận ra những bộ quần áo mới tinh, thứ quần áo đặc trưng của các bệnh nhân sau thời gian dài về đây điều trị mà cũng có khi vĩnh viễn không được trở về nhà nữa.

Chế độ chăm sóc cho bệnh nhân mà y tá Xuân nói qua năm tháng cũng tuân theo những phác đồ nhất định. Đó là những toa thuốc đặc biệt. Trừ những người sức đề kháng kem kém, người không thể uống thuốc, y tá Xuân chủ động thay quần áo, thay ga trải giường và một cái chiếu đơn sơ, hợp với chỗ ở người bệnh. Chỉ duy nhất bệnh nhân già cả hoặc không thể đứng ngồi mới được hỗ trợ. Những đôi chân tay giả như "rô bốt" thần kỳ giúp người bệnh đi lại vì nằm một chỗ quá lâu có thể khiến họ "thụ động".

Hôm nay y tá Xuân tiễn biệt một bệnh nhân trở về gia đình nhưng nói rằng không phải bao giờ cũng dễ dàng và trôi chảy bởi ngay trong cả gia đình cũng xảy ra sự kỳ thị đối với những bệnh nhân này.

Vào một buổi sáng mùa Thu năm ấy, y tá Nguyễn Thị Xuân tác thành cho vợ chồng chị Vàng Thị Và (Hà Giang) tìm lại được hai nửa yêu thương, đưa họ về sống chung trong một nếp nhà hạnh phúc. Đó là một đôi vợ chồng hiếm hoi ở trại phong này mà những tưởng cuộc đời đã đã bỏ quên họ từ lâu. Họ chăn nuôi đàn vịt, nuôi gà lấy trứng, trồng rau, khoai sắn. Anh Vị và chị Và đã đến với nhau như một tình yêu cổ tích.

Bên trong trung tâm bệnh nhân phong là một cuộc sống, những cuộc đời bao bọc lấy nhau như những con người cùng chung cảnh ngộ. Những bức tường xây dựng kiên cố. Trong đó là những khu vui chơi nho nhỏ có những vườn rau xanh mướt do chính tay những bệnh nhân tự trồng lấy.

Ở đây, mỗi phòng bệnh được thiết kế đơn giản và tiện lợi. Cánh cửa bao giờ cũng rộng mở, màu sơn sáng bóng, trần nhà không có mạng nhện mà mát mẻ bởi quạt gió. Ban ngày có những phần việc để người bệnh có thể lao động. Ban đêm họ cùng nhau tụ lại trò chuyện và đọc sách. Phòng vệ sinh công cộng sạch sẽ, thơm tho, những ô cửa sổ ngập đầy ánh sáng và có lẽ là để đón "những tấm lòng nhân ái".

Căn phòng làm việc của y tá Xuân ở cuối dãy. Không gian đó vừa là nơi bà làm việc vừa làm nơi tiếp khách đúng với sự hình dung của chúng tôi, y tá Xuân ngồi lặng lẽ và đôi tay lúc nào cũng đụng đến bệnh án. Trước mặt bà là "nhật ký". "Nhật ký" của người phụ nữ đặc biệt ấy có tên gọi là y tá Nguyễn Thị Xuân năm 1987-1988 có nghĩa là ngày đánh dấu bà vào làm việc tại trại phong này và đến năm 2023 này đã mấy chục năm. Năm đó bà Xuân mới có 30 tuổi, bị ám ảnh bởi cuốn sách "Lạc quan trên miền thường" kể rành rẽ và chi tiết về vị linh mục từ bỏ cuộc sống xa hoa để đến với các bệnh nhân phong (cùi) ở Di Linh (Lâm Đồng) và trung tâm bệnh nhân phong này là nơi bà sống cho hết những phần đời còn lại của mình. Bà tình nguyện làm một người "hủi" nhưng không sợ hắt hủi đến bao giờ?

Y tá Nguyễn Thị Xuân, một lời thề trăn trở mãi.... - Ảnh 6.

Tôi từng nghe nói: bẩn như hủi. Nhưng giờ đây mới "hiểu" bệnh hủi mà người ta nói đến không có từ nào diễn tả chính xác hơn là "hắt hủi'. Tháng 5, tháng 6, Trại phong Qủa Cảm nóng nhưng mát tình người. Qua đến tháng 12 tiết trời giá rét, nhiệt độ có khi còn xuống nữa nhưng bao giờ cũng ấm áp bởi các tấm lòng thiện nguyện. Trong trời nắng như ai bỏ lông tóc vào lồng ngực tôi vẫn thấy y tá Nguyễn Thị Xuân không mặc gì khác ngoài khoác trên mình mỗi chiếc áo blouse trắng và chiếc khẩu trang mỏng để lộ gương mặt dễ nhìn. 

Làm công việc của một "từ mẫu của bệnh phong" nặng nhọc – kê thuốc- tắm giặt- nhưng bữa cơm mỗi ngày của y tá Xuân chỉ là một tô cơm trắng và mấy cọng rau muống luộc. Buổi chiều, sau giờ trực tại trung tâm, y tá Xuân tranh thủ số giờ ít ỏi "vun trồng" từng luống rau và tận dụng những phút nghỉ ngơi để dạy người bệnh tập đi.

Vườn rau và hoa, chúng tụ thành những khóm lớn, được làm nên bởi bàn tay của người y tá mẫn cán là thành quả lao động sau nhiều giờ làm việc nặng nhọc. Nhiều người trong số bệnh nhân vốn là người ở xa nên nhớ nhà và luôn muốn trở về. Một hôm cụ Hoàng Văn Thỏa (76 tuổi) bị ngã sau một cơn đột quỵ thoáng qua. Ông không làm sao lấy lại được sức khỏe như mọi ngày nữa. Y tá Nguyễn Thị Xuân ngày đêm túc trực bên giường bệnh. Vị bác sĩ xoa dịu nỗi đau trong ông.

Y tá Nguyễn Thị Xuân, một lời thề trăn trở mãi.... - Ảnh 7.

Y tá Nguyễn Thị Xuân đi lướt qua phòng, chứng kiến cảnh bệnh nhân Hà lúng túng vừa buồn cười không thể vặn chiếc vòi nước. Ngay lập tức bà buông chồng bệnh án đến chỗ thùng nước, xách từng xô, hướng dẫn cho bà Hà cách làm vệ sinh thân thể và lấy đi một vài bộ quần áo cũ trước khi người bệnh trở về phòng riêng của mình. Bà Hà đi lại trên "đôi chân giả" do y tá Xuân làm ra ấy, đã có được những bước chân đầu tiên và di chuyển dễ dàng trên khoảng sân rộng rãi với nụ cười tươi rói trên môi.

Ngay từ ngày đến với những bệnh nhân phong bà Xuân đã bị phản đối, không ai chấp nhận một người phụ nữ vừa "điên" vừa "ngớ ngẩn" như thế. Nhưng bà Xuân không yêu cầu gì nhiều và chỉ lặng im làm việc như một lời đề nghị lương tâm. Rồi mọi người sẽ hiểu tất cả.

Thế nhưng 32 năm sau ngày làm việc tại trung tâm bệnh phong, bà Xuân vẫn không muốn rời xa nơi này mãi mãi. Không có công việc nào làm nữ y tá vui mừng hơn được nhìn thấy những bệnh nhân khỏe lại từng ngày và trở về nhà trong vòng tay rộng mở của gia đình. Nhưng trước ngày nghỉ hưu vào năm 2012, bà đã xin với Ban Giám đốc bệnh viện Phong và Da Liễu Bắc Ninh nơi mình công tác để được tiếp tục làm việc như bác sĩ phụ tá. 

Nữ y tá từ chối nhận mọi quyền lợi vốn dành cho những người bệnh của mình. Sau này thì có Mạnh Thường Quân đến chỗ ở của bà Xuân. "Tốt hơn hết là làm một cái gì đó cô Xuân ạ. Cô phải được hưởng quyền lợi như các bác sĩ khác". Y tá Nguyễn Thị Xuân nói với mọi người: "Nếu trung tâm đã chu cấp cho tôi đủ mọi nhu cầu thì còn lý do gì những người khác lại không được chu cấp?". 

Y tá Nguyễn Thị Xuân, một lời thề trăn trở mãi.... - Ảnh 8.

Trong trung tâm, bệnh nhân phong ít được tiếp xúc với thông tin và do đó họ không biết cuộc sống ngoài kia diễn ra thế nào. Họ chỉ còn biết nghe tiếng đồng hồ tích tắc, tiếng gió lùa và tiếng rên đau đớn của thân thể. Ngày, tháng, năm, cứ lặng lẽ trôi qua.

Y tá Nguyễn Thị Xuân là người đầu tiên nghĩ ra sáng kiến "lịch trình" cho người bệnh trong trại phong. Đôi khi việc không cảm nhận được rõ rệt về thời gian cũng là cách thức có ngầm ý của những bác sĩ có chuyên môn để những người bệnh vừa yên tâm chữa bệnh vừa quên đi sự mệt nhọc của bệnh tật và quan trọng hơn là lao động để nâng cao thể chất của mình.

Ở đây thời gian như ngưng lại, ngày nối ngày thăm thẳm. Không làm gì sẽ khiến thời gian như trôi chậm hơn. Nhưng điều đó cũng không trở nên quan trọng với bệnh nhân ở Trại phong Qủa Cảm. Y tá Nguyễn Thị Xuân và các bác sĩ đã tổ chức những buổi hoạt động ngoại khóa, sôi nổi. Lắng nghe và tâm sự chuyện tuổi già và nấu cơm tập thể một cách thường xuyên.

Y tá Nguyễn Thị Xuân, một lời thề trăn trở mãi.... - Ảnh 9.

Thế mà thời gian vẫn khiến mọi người già đi như một cái cây. Dường như với người lành lặn ngoài cuộc sống những công việc nặng nhọc chỉ có thể làm trong nháy mắt thì với bệnh nhân phong có khi bà Xuân phải hướng dẫn đi, hướng dẫn lại một vài lần họ mới ghi nhớ hết, thậm chí lâu hơn thế nữa.

Để may một bộ quần áo hay làm một chiếc chân giả cho bệnh nhân phong phải mất hàng tháng trời. Một bệnh nhân phong lâu năm cũng hốt hoảng thốt lên cuộc sống trong nơi này dài như vòng quay trái đất, những ngày tháng cứ vùn vụt trôi qua trong chớp mắt. Một ngày chờ đợi có khi dài như bằng cả một đời người, nhưng có khi chưa làm được việc gì đã hết một năm và bệnh nhân không biết số phận sẽ ra sao nữa.

Đối với những bệnh nhân phong điều quan trọng nhất là những năm tháng sống biệt lập trong trung tâm mà không khi nào được trở về nhà, không họ hàng thăm hỏi, không anh em ruột thịt, nghịch lý hơn còn bị người ta xua đuổi như những người mang đến sự xui xẻo.  

Nhiệm vụ đầu tiên của y tá Nguyễn Thị Xuân khi về đây là nắm bắt chính xác tâm lý người bệnh để nghiên cứu trong lúc thuốc thang thiếu thốn. Nhưng việc đó thật khó, và đôi khi bà Xuân không hiểu hết được suy nghĩ của bệnh nhân, nên phải nghĩ ra những "đối sách" nghiêm túc để gây nên trong họ niềm tin được sống. Bệnh nhân phong chẳng khác gì hơn là những phận người bỏ đi và mất hết lòng tin của người khác.

Để giúp bệnh nhân được sống, bà Xuân thường gần gũi họ để tìm ra nguyên nhân phát bệnh nhằm đưa ra phác đồ điều trị đúng đắn, có chủ đích, phù hợp với mọi tình huống, vì đa số họ là những người già yếu ớt.

Tất cả công việc bà Xuân làm chỉ với mong muốn khơi gợi sự lạc quan trong mỗi người bệnh, xoa dịu đi nỗi đau của họ và biến nỗi đau thường trực ấy thành một cái gì đó vô thưởng vô phạt, không đáng có, chỉ là một cuộc đời bình thường, mang hoài bão, giấc mơ, không bệnh tật...

Y tá Nguyễn Thị Xuân, một lời thề trăn trở mãi.... - Ảnh 10.

Y tá Nguyễn Thị Xuân không biết phải sống thế nào một mình nếu không có đủ dũng khí và tình cảm đặc biệt với bệnh nhân phong ở một nơi di biệt này. Nhưng hạnh phúc lớn nhất của bà Xuân là để cho người bệnh được xích lại gần với nhau hơn. Nó đã trở thành một liều thuốc kháng sinh vừa an ủi vừa vực dậy tinh thần trong tất cả họ.

Bà Xuân và các bác sĩ đã giúp đỡ họ và tiếp thêm động lực sống cho họ. Những gì y tá Nguyễn Thị Xuân có được cho đến giờ phút này, là sống bên những đồng nghiệp luôn đồng cảm và qua đó truyền cho bà năng lượng với nghề y, khiến bà giữ vững được bản lĩnh cần có của một người bác sĩ trong trận tuyến chống lại bệnh tật.

Thế nhưng không phải ai cũng thấu hiểu và chịu đựng giỏi như y tá Nguyễn Thị Xuân. Có người nói ra, có người nói vào. Người cạch mặt không dám chơi và người từ mặt không dám nhìn. Những người hiểu nỗi niềm thầm kín ấy của bà Xuân có thể đỡ đần trong một vài việc và như thế khiến cuộc đời bà đỡ buồn tẻ, hăng say hẳn lên.

Đã có đôi lần trong một ranh giới nào đó, chính y tá Nguyễn Thị Xuân thổ lộ bà như muốn trốn chạy khỏi nơi đây hay muốn có một gia đình riêng êm ấp nhưng chút duyên còn lại với những bệnh nhân phong bị ruồng bỏ khiến bà không thể làm trái với lời thề y đức trong thâm tâm.

Là một y tá thầm lặng ở trại phong, đôi khi bà Xuân phải gánh trong mình nhiều trọng trách mà có lúc không thể kham nổi hay sự ghi nhận về những việc làm cao đẹp ấy không muốn trở thành một hiện tượng trong mắt mọi người. Có những công việc vẻ vang mà nữ y tá Nguyễn Thị Xuân làm cho người bệnh chỉ họ và các bác sĩ – đồng nghiệp tại trung tâm mới cảm nhận rõ rệt mà thôi.

Những việc làm có ý nghĩa mà y tá Xuân làm cho trại phong mà ở đó những người bệnh như tìm được niềm an ủi rồi đây mình sẽ vượt qua cơn nguy kịch, trở thành một con người với cơ thể lành lặn mà chẳng ai muốn dính líu đến căn bệnh "giời đày" này cả.

Có thời điểm, người ta "không chấp nhận bệnh nhân phong trong cuộc sống", nhưng bà Xuân với tấm lòng y đức hơn lúc nào hết nghĩ rằng mình không thể bỏ rơi họ và mình cũng không thể tự cho mình buông xuôi hai tay được, không thể dễ dàng tử bỏ cuộc chiến đấu giữa lằn ranh sống – chết.

Vào lúc nào đó có lẽ suy nghĩ về con đường lựa chọn đến với những bệnh nhân phong ấy, bà Xuân vẫn được sống một cuộc đời là "chính mình" và xua đuổi mầm bệnh quái ác đó đi. "Tôi luôn có một niềm tin vào ngày đó, mình sẽ tiễn từng người rời khỏi trung tâm bệnh tật để trở về quê hương, sống trong ánh sáng dưới những ngôi nhà đầy tiếng cười trong hình hài một người lành lặn", y tá Nguyễn Thị Xuân tâm sự.

Nguyễn Thị Xuân tóc điểm trắng, nói rất nhẹ và không nói về những việc mình đã làm. Số phận, như một định mệnh, gắn bà với nơi này. Gió số phận vẫn thổi mạnh…

Ý kiến của bạn